Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam?

14:38 13/10/2009

(Bài dự thi) - Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 264 – TB/TW, thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Mục đích của cuộc vận động này nhằm đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền vận động, làm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm dịch vụ hàng hoá Việt Nam. Vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị xã hội sử dụng hàng hoá nội địa khi thực hiện mua sắm công, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của người Việt…


Đây là vấn đề không mới đối với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… bởi từ trong các cuộc khủng khoảng kinh tế họ đã áp dụng chính sách sử dụng hàng nội rất hiệu quả. Còn đối với người Việt Nam chúng ta, câu khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt nam”, “Dùng hàng nội là yêu nước”… đã trở nên quá quen thuộc. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, đất nước đang nằm dưới ách đô hộ của thực nhân Pháp, quan điểm người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã được các sỹ phu của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã đưa vào giảng dạy truyền bá trong các trường học với bài ca nổi tiếng “Nên dùng đồ nội hoá” với những câu thơ thấm đẫm tinh thần tự cường dân tộc:


“...Của mình mình dụng đâu thua của người
Bây giờ phải đua tài làm tốt,
Ngày khéo thêm nay một mai mười.
Vừa mắt ta ra mắt người,
Khéo ai chẳng chuộng tốt ai chẳng dùng…”

Sau này, trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới cũng đã có nhiều cuộc vận động người “Việt dùng hàng Việt” được triển khai, được thể chế hoá trong các chính sách kinh tế của nhà nước như, qui định tỷ lệ nội địa hoá đối với các cơ sở gia công, lắp ráp cho các doanh nghiệp, xây dựng hàng rào thuế quan bảo vệ hàng nội địa, chống buôn lậu, khuyến khích hỗ trợ khai thác thị trường nội địa…

Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với hàng hoá sản xuất trong nước. Con số khảo sát của Grey Group cho thấy có đến 77% người tiêu dùng đều ưa thích sử dụng thương hiệu ngoại là con số đáng buồn đối với các nhà sản xuất trong nước. Trong khi hàng nội chất lượng, mẫu mã, giá thành cũng tương đương hàng ngoại, thậm chí không ít mặt hàng còn vượt trội hơn về chất lượng.

Lý giải về nghịch lý này không ít chuyên gia kinh tế cho rằng: Do tâm lý “sính ngoại” đã ăn sâu trong một bộ phận lớn người tiêu dùng, thậm chí trong cả đội ngũ cán bộ công chức nhà nước mang nặng tâm lý này. Con số 100% các loại xe công phục vụ trong các công sở, doanh nghiệp nhà nước đều hàng ngoại là minh chứng rõ nhất cho thói quen sính ngoại hiện nay của người tiêu dùng nước ta. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt, người trồng cây trái xứ ta đem sản phẩm của mình bán rẻ như cho để mua trái cây Trung Quốc đặt lên bàn thờ cho đẹp, ông giám đốc nhà máy rượu dùng rượu ngoại để tiếp khách để khẳng định đẳng cấp của mình, còn sản phẩm của nhà máy chỉ là cây nhà lá vườn không dám đặt lên bàn…


Tiếp tay cho người tiêu dùng ngoảnh mặt với hàng nội lâu nay, không ai khác là chính các nhà sản xuất trong nước. Do chạy theo lợi nhuận trước mắt, nên không ít doanh nghiệp không chịu đổi mới công nghệ, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng kém để móc túi người tiêu dùng. Một thời gian dài chúng ta chỉ tập trung sản xuất hàng tốt, hàng đẹp cho xuất khẩu, còn hàng lỗi, hàng thứ cấp thì tiêu thụ nội địa, một hành vi kinh tế rất phi thị trường, coi thường người tiêu dùng trong nước. Thêm vào đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái lẫn lộn trên thị trường làm mất lòng tin, ngoảnh mặt làm ngơ với hàng sản xuất trong nước.

Về phía Nhà nước, trong một thời gian dài thiếu sự quan tâm đầu tư cho hạ tầng thương mại nội địa, hệ thống bán lẻ nội địa gần như bỏ trống, hàng hoá sản xuất trong nước hầu như không tiếp cận được người tiêu dùng đặc biệt là người tiêu dùng nông thôn.

Vậy làm gì để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không thể đặt hoàn toàn trọng trách ”dùng hàng Việt Nam là yêu nước” lên vai người tiêu dùng. Hoạt động kinh tế chịu sự tác động khắt khe của những qui luật kinh tế về cung cầu, giá cả, thị trường và những chính sách điều tiết phù hợp của nhà nước. Vì thế dù có yêu nước đến đâu người tiêu dùng cũng không thể mua sắm hàng hoá chất lượng kém, mẫu mã xấu, công dụng thấp mà giá thành cao. Mà đòi hỏi trách nhiệm của nhà nước nơi đưa ra những chính sách điều tiết hợp lý về kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa…

Trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng chương trình quảng bá tiếp thị phù hợp với nhu cầu thị hiếu để hàng hoá đến với người tiêu dùng. Đúng như nhận định của Bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó phòng CNTM Việt Nam, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng: Cuộc vận động không chỉ kêu gọi ý thức người tiêu dùng mà nên là cuộc hành trình của các “đối tác” Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để cùng tìm ra hướng phát huy nội lực… Trong đó doanh nghiệp sản xuất hàng hoá đóng vai trò quyết định trong việc thu hút người tiêu dùng đến với sản phẩm của mình thông qua chất lượng, mẫu mã, giá thành và dịch vụ hậu mãi phù hợp.


Thực tế thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt thị trường nội địa để làm nên những thương hiệu lớn không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn vươn xa cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới như sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, hoa quả chế biến Vinamit, may 10, may Việt Tiến, chế biến gỗ Hoàng Anh-Gia Lai, Trường Thành - Đăk Lăk, bánh kẹo Kinh đô, phở 24… Và chính chất lượng sản phẩm của họ đã góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm, công phá vào tâm lý sính ngoại, thay đổi cách nhìn về hàng hoá sản xuất trong nước hiện nay.

Hy vọng thông qua cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với qui mô lớn từ trung ương đến địa phương lần này, Nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để có những chính sách định hướng cụ thể trong phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam

Ngô Minh Thuyên
(Khánh Mỹ - Thị trấn  Phong Điền – TT - Huế)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự