Bia “Ngoại” của cụ Từ

10:50 12/10/2009

(Bài dự thi) - Cách đây đã 40 năm, ngày tôi mới được phân công về  làm việc tại Viện Khảo cổ học. Trịnh Cao Tưởng là “ma cũ’ của Viện rủ tôi đến thăm cụ Từ Chi.

Hôm ấy, Tưởng dẫn tôi tôi tới nhà ông Hải Béo là nhà nghiên cứu Nghệ Thuật ở phố Hàng Trống thì được gặp Cụ Từ, ông Hải và cả Cụ Trần Quốc Vượng đang ngồi đàm đạo ở đấy. Tưởng là học trò cụ Vượng và quen biết cả Cụ Từ, anh Hải đã lâu.

Cụ Từ là người cao tuổi nhất, là linh hồn của cả nhóm. Cụ thường gặp gỡ đàm đạo và phát ra rất nhiều ý tưởng cho cả nhóm thực bàn bạc thực thi nghiên cứu. Ngày ấy ông Trần Quốc Vượng cũng chưa được phong giáo sư mà chỉ là một cán bộ giảng dạy có tên tuổi ở Khoa Sử mà thôi. Lần đầu được tiếp kiến các bậc bề trên, lại là anh nghiên cứu về Động vật học và Nhân học mới ra trường, là kẻ ngọai đạo được tiếp kiến các trưởng lão bề trên, tôi khép nép thu mình ngồi trong góc và chỉ nghe mà không dám nói gì..

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Mẩu chuyện mà tôi được nghe hôm ấy và cũng là bài học đầu tiên tôi học được ở cụ Từ lại chính là chuyện mà tôi mê nhất. Chuyên về bia. Vốn là một trong những đệ tử của thần Bia, một con “sâu bia” chính hạng như bạn bè phong cho, Tôi há hốc mồm ngồi nghe thích thú.


Thưở ấy Bia là một thứ đặc sản vô cùng quý hiếm ở Hà Nội. Kẻ uống thì nhiều mà bia sản xuất ra quá ít. Người ta chầu chực xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để mua bằng được một hai vại bia cho đỡ thèm. Quán bia đường Trần Hưng Đạo Hà Nội có cái đuôi xếp hàng dài lê thê kéo từ góc Hàng Bài cho tới tận ngã tư Ngô Quyền đến mấy trăm mét.

Tay trật tự quán bia đeo băng đỏ cầm loa luôn mồm nhắc nhở:

“Muốn uống bia hơi phải xếp hàng
Xin đừng nhường chỗ, chớ chen ngang
Chen ngang phát hiện cho màu áo
Kiên quyết mời ra rất nhẹ nhàng”

“Xếp hàng cả ngày” và “cả ngày xếp hàng” đã là nỗi kinh hòang của người Hà Nội trong thời bao cấp. Xếp hàng đông nhất, dài nhất, kiên trì nhất có lẽ là xếp hàng để uống bia hơi.

Ngày  ấy, có người đi nước ngoài về đem biếu cụ Từ dăm chai bia San Miguel vì biết cụ là dân thích bia rượu. Cụ rủ nhóm bè bạn đến uống. Không hiểu có ý gì mà cụ mở bia rất thận trọng. Cái nút bia mở ra vẫn nguyên vẹn cả miếng đệm li e sau nắp. Sau trận bia Ngoại tuyệt vời ấy, Cụ đem rửa sạch chai và nắn phẳng lại cái nút bia cất vào tủ để làm một cuộc thí nghiệm quan trọng.

Nhân có cuộc vui, cụ Từ nhờ mấy cô làm thương nghiệp tay trong chuyên bán bia hơi mua chui hộ một can bia chục lít. Cụ tráng sạch đống vỏ chai rồi rót bia hơi cho đầy, thận trong đậy lại nút và lấy cán gỗ vỗ nắp cho chai bia y nguyên như mới ra xưởng. Làm xong khâu vô chai, cụ đem bỏ tủ lạnh chờ khách. Số bia còn lại cũng để nguyên trong can nhựa.

Đúng giờ hẹn, lũ sành bia sành rượu lục tục kéo đến. Người mua thêm miếng giò, kẻ cắp theo chai quốc lủi và gói nem chạo… Cụ Từ trịnh trọng lôi  trong tủ lạnh ra cả đống bia, xếp ngay ngắn trên bàn, vỏ chai nào chai ấy lạnh đổ mồ hôi. Lũ bợm bia mắt hấp háy chờ đợi. Cụ bảo “Tớ có ông bạn mới ở nuớc ngoài về cho mấy chai bia để dành mời các cậu”. Nói xong cụ gọi cụ Bà cho mượn mấy chiếc cốc và cái mở chai. Bật nút, bia sùi bọt, lẳng lặng rót ra từng cốc cho mọi người và cụng li thưởng thức. Cụ Từ cũng làm một hơi và nheo mắt ngắm các chư vị đang sung sướng được hưởng cái lộc bia “ngọai” thật mê ly.

Chưa kịp hỏi “Bia Tây có ngon không?” thì  cả lũ đã nhao nhao: “Có thế chứ! Thằng Bia Tây nó có khác! Cái anh bia hơi của ta sao mà sánh được. Ngay cả bia Trúc bạch mà các cụ Thứ Bộ trưởng được mua mỗi tháng hai chục chai cũng không thể bì nổi!”.

Cụ  chẳng nói gì, lẳng lặng lấy nốt nửa can bia hơi trong tủ để mời khách. Có bia uống là sướng rồi nhưng ai cũng nhắc đi nhắc lại. Uống cái thằng Sanminguez nó khác hẳn! Khác hẳn!

Tiệc tan, cả lũ chuyếnh choáng sắp về Cụ  mới công khai bộc bạch cái công nghệ làm bia “Tây” của Cụ. Các đệ tử phá lên cười và được một bài học nhớ đời.

Cụ Từ là thế! Đùa ra đùa. Trên đời này lắm anh chỉ vì sính cái vỏ bề ngoài, sính Tây sính Tàu , thực bất tri kì vị mà cứ tưởng ta đây mới là sành điệu.

Sau này, khi Tưởng cưới vợ, lúc ấy bia vẫn khan lắm. Chẳng hiểu làm cách nào mà Tưởng mượn được cả mấy két vỏ bia Hà Nội và đống nắp bia rồi cũng mua bia hơi đổ vào đóng nút để mời khách dự cỗ cưới. Tôi cười và rỉ tai chú rể “Bia Cụ Từ đấy à?”. Tưởng nháy mắt hóm hỉnh “Tao cho vào chai cho nó lịch sự chứ cỗ cưới ai lại cầm cái âu rót bia trông quê lắm” cả hai cùng cười và bữa tiệc vẫm rôm rả trăm phần trăm với những chai bia hơi của chú rể.

Chuyện  đã bốn mươi năm. Những người tôi gặp và cùng được nghe cụ Từ kể “chuyện bia” hôm ấy đều đã ra đi cả. Tôi thuật lại chuyện này để nhớ về những người thày và người bạn xưa. Những “Giáo sư Nội” nhưng thứ thiệt 100 %.

Hà Nội ngày 10-10-2009

Kỉ niệm 50 năm Giải phóng Hà Nội của Tôi

Vũ Thế Long

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự