"Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao"

15:19 10/10/2009

(Bài dự thi) - Mặt hàng chiếu là một trong những thứ đồ dùng xuất hiện khá nhiều trong thơ ca. Lịch sử văn học Việt Nam còn ghi lại giai thoại cô gái bán chiếu gon bên Hồ Tây ở kinh đô hồi thế kỷ XV. Đó là cuộc gặp gỡ tài tử, giai nhân giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, với những câu thơ đối đáp trữ tình giữa nhà thơ lớn với cô bán chiếu tài sắc: 

Nàng ở đâu đi bán chiếu
Phải chăng chiếu bán hết hay còn
Xuân canh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con ?

- Thiếp  ở Tây Hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu bán hết hay còn ?
Xuân canh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con !

Hoặc trong những câu ca dao nặng tình thủy chung đôi lứa :

“Dù cho nệm gỗ chăn bông .
Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao.”

hay

“ …Trao em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi tằm em đeo…”


Chưa ai biết nghề dệt chiếu xuất hiện từ bao giờ, cũng như Tổ nghề thật sự là ai, nhưng theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê - Lý ( thế kỷ X-XI), tại làng Hới ( Thái Bình ) đã bắt đầu dệt chiếu, rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - ?)- Ông người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng. Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu, niêu hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481) làm quan tới chức Thượng thư. Khi lớn lên, làng quê ông đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên chiếu không đẹp. Đi sứ sang nước ngoài, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt chiếu. Đó là kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân. Ông cho cải tiến khung dệt; nhờ vậy, chiếc chiếu dệt ra được đẹp hơn và nổi tiếng từ đó. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là "Trạng Chiếu" và lập đền thờ sau khi ông mất : đền thờ Phạm Trạng Nguyên…

Nước ta trải dài từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có làng nghề dệt chiếu, từ Thái Bình, Thanh Hóa…vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang…lên Lâm Đồng, hoặc vào tận các tỉnh miền tây Nam Bộ: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau… Có thể nói chiếc chiếu Việt Nam đã đồng hành, phát triển cùng với sự mở mang toàn bờ cõi đất nước. Đó là sản phẩm hết sức độc đáo, được kết tinh từ những sản vật của đất trời, cùng với bàn tay, khối óc của biết bao thế hệ người Việt…

Bằng nguyên liệu đơn giản là sợi cói, sợi đay, cùng với một khung dệt kết cấu thành nhiều lỗ để dệt theo kích cỡ khác nhau. Những người dệt chiếu  không chỉ “dệt nên đôi chiếu bông có chiều dài hai thước, để điểm tô nơi chốn loan phòng” mà từ những gia đình sang trọng, cho đến các gia đình bình dân nhất, ở nơi đâu chiếu cũng được tin dùng..Mỗi  khi nằm trên chiếu, ai cũng cảm được cái mát lạnh và ấm áp, cùng với mùi  thơm dịu của hương đồng cỏ nội…

Cói và đay là 2 loại cây mọc tự nhiên hoặc được trồng, rất thích hợp ở các triền sông, bãi bồi nhiều phù sa ở khắp mọi miền đất nước. Sau khi thu hoạch về, các loại cây này được chế biến qua nhiều công đoạn để thành nguyên liệu dệt chiếu. Tùy theo những loại chiếu cần dệt mà nguyên liệu được nhuộm màu theo những yêu cầu khác nhau. Thợ chiếu thường dệt cả chữ Thọ, đôi bồ câu, bông hoa, chữ Hạnh phúc, có khi họa in hay vẽ…Tất cả hàm ý mang đến cho mọi người, mọi nhà một lời chúc tốt lành, một niềm hạnh phúc trọn vẹn…

Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và nhất là lòng yêu nghề. Trong các loại chiếu thì chiếu bông và chiếu lảy là khó nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và sắc sảo. Có dịp nào đó, đến một làng làm nghề chiếu, ta sẽ thích thú khi ở đây, lúc nào cũng đầy màu sắc, từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lác xanh, đỏ, vàng, trắng, tím... Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề từ già, trẻ, gái, trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân... để sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt;... Ở đó, ta thấy cảnh xe thồ, xe đạp, xe máy chở chiếu, chở lác đi lại trong làng nhộn nhịp. Không khí mua bán, trao đổi tấp nập, vui vẻ trên những bến sông. Có nơi, người làng dệt sang nhà lân cận, tổ chức thành từng nhóm, dệt chiếu vần công vừa làm việc vừa trò chuyện, có thể tăng thêm năng suất mà không khí trong làng lại thêm phần đầm ấm, san sẻ cho nhau mọi vui buồn khó khăn. Các cụ già tuổi đã cao vẫn cần mẫn bên khung dệt. Nhiều em bé còn nhỏ, học một buổi, một buổi phụ cha mẹ chọn lác, phơi lác, chùi lác thành thục. Đàn ông thì làm việc nặng, dập khung, làm trân, phụ nữ mua lác, chọn lác, phơi, nhuộm, chọn màu và lo cơm nước cho gia đình...

Từ xa xưa, chiếc chiếu cói với chất lượng tốt, mẫu mã phong phú và đa dạng, đã gần gủi, gắn bó lâu dài với biết bao gia đình người Việt. Tuy nhiên, cũng có một thời gian dài, chiếu cói mất chỗ đứng trên thương trường do bị sự cạnh tranh khốc liệt của các loại chiếu nilon, chiếu nhựa… hoặc gần nhất là chiếc chiếu trúc nặng nề có nguồn gốc từ nước ngoài… Thời gian gần đây, chiếu cói Việt Nam đã dần dần lấy lại vị thế trên thương trường,  nhưng các làng nghề chiếu cói trên khắp mọi miền đất nước có thực sự được hồi sinh hay không, cũng do ở sự lựa chọn của người tiêu dùng hôm nay..

Ở đâu cũng thế, khó có thể nói nghề dệt chiếu mang lại sự giàu có cho người dân, nhưng nó đã nuôi sống biết bao gia đình từ thuở xa xưa đến giờ. Nghề chiếu đã gắn bó với từng tên làng, tên đất trên khắp mọi miền đất nước. Có thể nói đó là những tấm bản đồ địa lý thật độc đáo của từng địa phương, theo suốt theo chiều dài đất nước…

Xin đừng để người dân làm nghề dệt chiếu như làm một bổn phận, hay như một sự gắn bó, một tình yêu thương xuất phát tận đáy lòng mà không thể gọi tên…!
                                                 
Tôn Thất Thọ (TP HCM)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự