“Hàng” Việt vô giá

14:10 10/10/2009

(Bài dự thi) - Trong xã hội toàn cầu hóa ngày nay, rất khó có thể khẳng định thứ gì là mặt hàng thương mại “quốc hồn quốc túy” của một nước nào đó. Ta thường thấy hàng hóa có nguồn gốc ở một nước, nhưng áp dụng kỹ thuật ở một nơi, gia công hay sản xuất hàng loạt ở chỗ khác, đóng gói chỗ khác, rồi marketing, sang nhượng thương hiệu và bán ở đâu đó lạ lẫm. 

Toàn cầu hóa phân công lao động và cung ứng nguyên nhiên liệu đã trở thành nguyên tắc sống còn của các nhà sản xuất, vì đó là cách duy nhất giúp họ cắt chi phí để cạnh tranh và kiếm lãi. Cũng như các thương hiệu khác trên thế giới, khái niệm “hàng Việt Nam” nay trở nên lỏng lẻo.

Duy có một thứ “hàng” mà tôi có thể đoan chắc người Việt ở trong và ngoài đất nước Việt Nam, ai ai cũng nhìn nhận và gìn giữ. Nó không hẳn là hàng hoá theo nghĩa thô thiển trong mua bán, nhưng nó là động lực mạnh mẽ của các thương gia người Việt hay gốc Việt. Nó không được tính bằng tiền bạc, nhưng lại có giá trị vô bờ bến trong tâm trí người Việt. Nó quán xuyến tư tưởng, hành động của người Việt ở mọi nơi, mọi lúc. Nó khiến người Việt gắn kết và đồng thuận không chỉ ở Việt Nam. Nó khiến dân Việt cất đi quá khứ hiềm khích, để đến với nhau. Nó chính là lòng yêu đất nước Việt Nam của người Việt.


Cuối những năm 80 sang đầu 90, những thương gia, các chuyên viên, văn nghệ sĩ và dân thường trong số kiều dân Việt Nam từ khắp thế giới gạt bỏ mọi thành kiến, nghi kỵ, đã đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam. Rồi dần dà bản thân họ cũng yên tâm về Việt Nam làm ăn. Điều gì khiến họ hành động như vậy? Chính bởi họ quan tâm đến đất nước Việt Nam, và có lòng tin rằng những hành động, những cố gắng của họ sẽ được bà con gia đình, rồi đến dân chúng trong nước hoan nghênh và ủng hộ. Những thương gia đó định cư nơi  đâu vẫn mang tâm hồn Việt.

Trong số các nhà hảo tâm người Việt ở nước ngoài đang ngày đêm quyên tiền giúp người nghèo khó và tàn tật ở cả Bắc và Nam Việt Nam có những người do động lòng trắc ẩn. Đối với họ, những dân nghèo ở thành thị và nông thôn Việt quan trọng và có ý nghĩa hơn, giúp người Việt gặp khó cũng là cách thể hiện cái tâm sáng của họ với nước Việt, và trên hết, với người Việt. 

Sau năm 1975, có thể thấy chính những người dân thường nghèo túng ở miền Bắc cũng như trong Nam là những người đến với nhau sớm nhất đặng hoà giải hòa hợp cùng chung sống cho ra tình người. Người Bắc được đón nhận khi vào sinh sống ở miền Nam, và chính họ làm quen rất nhanh với cá tính phóng khoáng của người Nam. Có những dân Hà Nội hay Thái Bình, tôi được biết, đã trở nên “Nam hơn cả người Nam” từ cách làm ăn cởi mở, trọng chữ tín, nghĩa hiệp, cho tới thói quen nhậu nhẹt và tiếp đãi bạn bè. Dân Bắc và người Nam chung quy vẫn là con dân nước Việt.

Những cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo và lãnh thổ Việt Nam được đầu tư khá nhiều từ phía chính quyền các cấp, cũng là những dịp cọ xát khiến lãnh đạo gần gụi, lắng nghe dân chúng hơn.

Những người như Phạm Duy hay Nguyễn Cao Kỳ, và người thân của ông, quay về sống và làm ăn ở Việt Nam. Hay các cụ cao niên ở Australia hay Canada cũng vậy, họ cố gắng về sống dối già hoặc ở hẳn rồi qua đời ở Việt Nam, có được bao nhiêu tiền tiết kiệm họ đem cho con cháu họ hàng, thậm thí hàng xóm láng giềng trong bản quán của họ ở nước Việt. Lá rụng về cội.

Gần đây, những bàn cãi công khai ở mọi nơi về những tật xấu của người Việt khiến cho dân chúng bình tâm nhìn lại mình, cười nhạo chính bản thân, tự xấu hổ, để sửa mình mong sống tốt hơn. Truyền thông và báo chí ở Việt Nam cũng hết sức khéo léo mở những lối đi mới mẻ để giúp hun đúc tinh thần yêu nước thương nòi của người Việt.   

Những người Việt từ Việt Nam khi ra nước ngoài, họ ứng xử ra thì sao? Xin thưa,  những gì tôi thường chứng kiến càng khẳng định niềm tin của tôi về người Việt yêu nước Việt. Những giao lưu giữa du học sinh từ Việt Nam và người Việt sinh sống tại địa phương ở khắp nước Úc, nhiều vùng ở Anh, Đức, Tây Ban Nha, v.v. cho thấy ngoài những cọ xát về chính kiến thì còn những nỗ lực để tìm hiểu, hội nhập và gắn kết giống nòi.

Sau cùng, về phía nhà nước Việt Nam có những bước tiến tích cực cần được nhìn nhận. Ta có thể thấy những nỗ lực ngày càng lớn của chính phủ tạo những đồng thuận trong dân Việt ở mọi nơi đặng khơi dậy ngọn lửa ấm yêu quê hương và cội nguồn Việt. Lòng yêu nước Việt là con đường tất yếu và quyết định sự phát triển bền vững của dân tộc và đất nước. Sẽ chẳng có ai yêu đất Việt hộ người Việt đâu!

Kinh nghiệm từ các láng giềng Á Châu xưa nay cho thấy, bản sắc và uy tín, tồn vong và sức mạnh của một dân tộc sẽ bị đe dọa tức khắc nếu không có, hoặc có nhưng mờ nhạt, lòng yêu quê hương và tinh thần cội nguồn.
May thay, tựa như đang gìn giữ một thứ “hàng” vô giá, tuyệt nhiên không bán hoặc trao đổi, người Việt đến giờ phút này vẫn rất nặng lòng yêu và trân trọng nước Việt và cội nguồn Việt của họ.

Lê Đại Minh
Sydney,10.2009

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự