Suy ngẫm về một mặt hàng của người Thái

19:20 09/10/2009

(Bài dự thi) - Người phụ nữ Thái ngày trước gần như ai cũng thao việc thêu thùa.  Việc thêu thùa gần như là một lẽ đương nhiên đối với cuộc sống của họ  Các bé gái lên năm lên sáu đã được các bà, các chị dạy thêu hình con rắn, con hươu.

Thiếu nữ Thái ngày nay vẫn tập dệt cửi từ nhỏ
Ngày trước chưa đông người, cuộc sống rỗi rãi hơn bây giờ nên vào tháng tư, tháng năm phụ nữ Thái rủ nhau đi phát những đám nương trồng bông, dưới chân rãy ven mé suối thì trồng chàm. Đó là những nguyên liệu cơ bản để dệt vải, nhuộm vải. Tháng mười, mười một, cắt lúa về rồi các cô, các bà đi hải bông. Vào những ngày nắng ráo, trên rãy những quả bông đã chín nở bung trắng toát như những bông tuyết trông đẹp đến ngơ ngẩn người. Các chị, các bà người dân tộc thư thả hái bông chất đầy gùi rồi thư thả gùi về. Nhìn họ không có vẻ gì là nhọc nhằn cả. Bông vải vốn nhẹ mà.

Những ngày sau mùa rãy rỗi việc, phụ nữ Thái lại đem bông ra tách hạt rồi kéo sợi, chuốt cho bền sau nữa mới lên khung dệt cửi. Lúc này người ta cần đến phẩm để nhuộm vải và dệt những đường viền ở chân váy. Những thứ phẩm màu lấy từ nhựa của ba hoặc bốn thứ lá cây, rễ cây rừng chế thành các màu đỏ, vàng, xanh. Phẩm màu cũng có tác dụng làm cho chắc sợi vải. Để có được tấm vải đem thêu cũng đòi hỏi phải kỳ công, cực nhọc lắm. Người ta thức thật khuya bên khung dệt với chiếc thoi gỗ đưa qua đưa lại đều đều như tiếng lộp độp giọt sương đêm rơi trên mái lá. Nguồn sáng là ngọn đèn dầu, đè sáp ong, sau này thì đèn điện…

Rồi tấm vải cũng thành hình đủ rộng để may chiếc váy, chiếc áo, cái chăn cho trẻ nhỏ. Vải nhuộm xanh, đỏ, vàng  để khâu áo, vải nhuộm đen khổ hẹp làm khăn chít đầu, khổ rông hơn thì may váy. 

Hình mặt trời trong hoa văn váy Thái (Nghệ An)

Phụ nữ Thái xưa từ bé đã biết thêu thùa bởi đó cũng là một kỹ năng quan trọng để sau này các cô gái đi làm dâu. Con gái Thái về nhà chồng phải mang theo hai chiếc váy, một số cái gối đơn, gối đôi và một cái chăn. Chính vì điều này mà họ phải lo từ sớm. Chuyện nhân duyên ai biết nó đến lúc nào, chuẩn bị sớm vẫn hay hơn. Phụ nữ Thái thường vậy, có thể mới hôm trước còn vui cùng đám bạn trong bản nhưng hôm sau họ theo chồng, trốn về với chồng đường đột đến mức có khi cha mẹ đẻ cũng không kịp trở tay, đành vội vàng làm một đám cưới nho nhỏ gọi là để sau này con gái đỡ tủỉ thân.

Phụ nữ Thái thường thêu vào buổi tối và mỗi buổi trưa sau giờ làm. Vì vậy mà mỗi năm họ chỉ có thể hoàn thành được một hai chiếc váy vừa đề mặc hằng ngày vừa để chuẩn bị đi lấy chồng. Các bà mẹ có tuổi thường thêu váy cho con gái như một thứ của hồi môn hay đơn giản chỉ để có váy mới mặc đi hội, đi chơi tết, đi dự cỗ cưới hay mừng nhà mới. Chiếc váy thành thứ trang phục quan trong nhất đối với phụ nữ Thái trong ngày thường cũng như ngày hội. Các bà mẹ vì vậy cũng lấy tiêu chí chọn các cô gái phải biết thêu thùa để làm nàng dâu tương lai. Các cô gái Thái ai cũng phải học thêu cũng là vì vậy. Suy nghĩ ấy vẫn còn được duy trì với các cô gái Thái ngày nay mà chúng tôi gặp ở các bản vùng cao Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Họ vẫn cùng nhau ngồi thêu trong những ngày mưa khi không thể ra khỏi nhà đi làm.  

Thiếu nữ Thái diện váy
Hoa văn váy Thái chủ yếu là hoa lá, hình mặt trăng, mặt trời, hình rồng, rắn tất cả có đến vài chục kiểu hình thêu (mà người Thái gọ là “ừa”) khác nhau. Những hình đường viền biểu thị cho cây lá, thường nổi bật với các mảng màu, xanh, vàng, trắng và đỏ. Mỗi người khi thêu lại có nhưỡng sáng tạo riêng của mình nhưng vẫn dựa trên những mảng màu cơ bản đó. Những kiểu hình thêu này cũng được thể hiện trên những tấm chăn, những chiếc khăn chít đầu mà các cụ bà cao tuổi hay những người đã có chồng vẫn hay đội.

Ngày nay, những hình thêu này đã được đưa vào trang phục hiện đại với rất nhiều loại ảo “thổ cẩm” túi “thổ cẩm” được bày bán khá phố biến ở những khu du lịch vùng trung du, miền núi và trên một số cửa hàng ở Hà Nội. Những hình thêu được thể hiện bằng công cụ hiện đại với sự hỗ trợ của các máy dệt, máy may cùng với đó là việc người ta có thể sản xuất hàng loạt những mặt hàng mà bây giờ ở các vùng xa xôi, đồng bào dân tộc vẫn phải tốn rất nhiều công sức để hoàn thành chỉ với một sản phẩm.

Tất nhiên, sự tham gia cia công nghệ dệt may hiện đại cũng đã làm mất đi phần nào cái mà chúng ta vẫn hay quen gọi là bản sắc của người dân tộc mà củ thể của người Thái trong những mặt hàng thổ cẩm truyền thống này.


Bun My

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự