Để người Việt yêu hàng Việt

10:45 08/10/2009

(Bài dự  thi): - Sẽ thật oan uổng, vội vã khi trách móc người Việt “sính” hàng ngoại. Tôi cho rằng ai là người Việt cũng yêu hàng Việt. Nhưng vì hàng giả, hàng nhái (của cả ngoại lẫn nội) đã, đang bành trướng thị trường tiêu dùng của người Việt, thành thử “tình yêu” của người Việt vô tình cũng vì thế mà “trao nhầm vào hàng hóa” một khi vấn nạn này chưa được các cơ quan chức năng ngăn chặn.

Hơn 80% hàng giả, hàng nhái

Ngày 16/9 vừa qua, Viện Ngoại thương Italia (ICE) phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Nielson vừa cho công bố thống kê kết quả khảo sát về thái độ và cách sử dụng hàng giả của người Việt Nam trong 12 tháng qua ở Hà Nội và TP HCM bằng việc phát phiếu khảo sát tại các điểm bán lẻ định trước cho hơn 200 người tiêu dùng ngẫu nhiên. Kết quả là: Tại Hà Nội, hàng giả chiếm khoảng 45% doanh số bán lẻ, ở TP.HCM là 35%. Các nhà sản xuất trong nước cung ứng cho thị trường phía Nam là 65% lượng hàng giả.

Trong đó, thị phần hàng giả ở TP.HCM lớn nhất là về hàng may mặc (chiếm 27%), còn ở Hà Nội là hàng điện máy và dược phẩm (dược phẩm 47%, hàng điện tử 37%). Số liệu còn cho thấy thị trường Việt Nam đang bị hàng nhái bành trướng và tấn công “không khoan nhượng” với các mặt hàng chủ yếu như may mặc - thời trang - giày dép (22%), rượu và thức uống các loại chiếm 12%. Sau đó là điện tử, mỹ phẩm và dược phẩm. Đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả chủ yếu là các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Ở Hà Nội là 45% còn ở TP.HCM là 35%. Giới tính tác động đến việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái (chưa kể hàng kém chất lượng) chủ yếu là nữ giới trong ngưỡng tuổi từ 25 đến 34 chiếm 72%. Chi cục quản lý thị trường TPHCM cho biết: Trong tháng 8-2009, thanh tra quản lý thị trường đã kiểm tra và xử phạt 335 vụ buôn bán hàng giả và hàng nhái các loại, tăng 64 vụ so với tháng 7-2009. Các mặt hàng giả mạo tập trung nhiều vào các sản phẩm đồng hồ, mắt kính, túi xách với nhiều mẫu mã đa dạng, giá rẻ mang các nhãn hiệu từ châu Âu, Mỹ, Nhật... Tháng 8-2009, Chi cục quản lý thị trường TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành đã kiểm tra xử phạt 532 vụ vi phạm về hàng thực phẩm không rõ xuất xứ, tăng 58 vụ so với tháng 7-2009, trong đó có nhiều sản phẩm nhiễm khuẩn. Vậy nhưng, các số liệu thống kê cho thấy, mẫu mã thiết kế của sản phẩm (hàng giả, hàng nhái) vẫn thu hút 71% thị hiếu, giá cả có sức hấp dẫn lên đến 81%.

“Xử trảm” hàng giả, hàng nhái bằng gì?

Tổ đặc trách về quyền Sở hữu trí tuệ của Italia tại Việt Nam được thành lập vào năm 2008, là một bộ phận chuyên trách của Viện Thương mại Italia (ICE). Hiện nay, ICE và Đại sứ quán Cộng hòa Italia dành nhiều ưu tiên cho vấn đề xúc tiến thương mại giữa Italia với Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. ICE có 115 văn phòng ở 86 quốc gia trên thế giới.

Nhiều người cho là do sự quản lý của nhà nước và doanh nghiệp kém nên nạn hàng giả mới tự tung tự tác ngày một ghê gớm. Tuy nhiên, theo tôi, kết luận như vậy là hơi vội vàng. Nói đi phải suy lại, nhà nước và các doanh nghiệp đã gồng hết sức mình chống chọi lại vấn nạn này. Thế nhưng vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn “hồn nhiên” chiếm lĩnh thị trường thì tôi cho đó còn là do ý thức của nhà sản xuất, người kinh doanh và ở chính khách hàng. Nếu như tất cả các nhà sản xuất trong nước nghiêm túc ý thức rằng chỉ sản xuất hàng hóa thật, hàng hóa chất lượng, người kinh doanh cũng chỉ bán những sản phẩm như vậy thì đương nhiên khách hàng sẽ mua được hàng hóa chất lượng, không “sính ngoại” và tình yêu của người Việt với hàng Việt không bị đặt nhầm chỗ. Tuy nhiên, nói vậy thì nghe đơn giản quá bởi thực tế làm giả một mặt hàng, nhất lại là làm giả, làm nhái sản phẩm đã có thương hiệu để thu lợi nhuận cao là một điển hình trên toàn cầu. Với khách hàng, hình như mua phải những mặt hàng như thế cũng không làm tổn thương ai. Thế nhưng, hàng nhái không phải là tội ác không có nạn nhân, mà còn là tác nhân “khai tử” thương hiệu .

Tôi là  một người Việt, rất yêu hàng Việt nhưng vẫn thường “yêu nhầm” hàng Việt. Chẳng hạn có lần tôi mua một chiếc đồng hồ Longines với giá “không tưởng” 850.000 đồng, nhưng đó chỉ là hàng nhái, còn Longines “xịn” (như chiếc đồng hồ tôi mua) có giá 850 USD. Tôi không biết với trường hợp này nếu báo cáo với cơ quan chức năng, người bán hàng cho tôi sẽ bị xử phạt như thế nào, nhưng nếu là ở châu Âu, tôi đeo chiếc đồng hồ này mà bị phát hiện là đồ “dỏm” thì trước tiên, tôi phải đóng thuế gấp đôi giá trị thật của chiếc đồng hồ đó. Chính vì vậy, nên hiện nay hầu như khắp nơi trên thế giới, bằng khẩu hiệu “Real is beautiful” (tạm dịch: “Hàng thật mới đẹp”) , các nhà chức trách đang nỗ lực kêu gọi người dân hãy chống lại hàng giả bằng cách từ chối mua những loại hàng đó, hy vọng đến năm 2010 nạn hàng giả, hàng nhái cơ bản sẽ được khống chế.

Việt Nam đã gia nhập cộng đồng WTO và đang dần thay da đổi thịt với những chiến lược sách lược mới về phát triển kinh tế để phù hợp với “những cuộc chơi mới”. Với những quốc gia có vùng lãnh thổ rộng lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga tôi cho việc ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ còn mất nhiều thời gian, nhưng với Việt Nam, tôi nghĩ “những con đường, đường dây hàng giả, hàng nhái” hoàn toàn có thể “chặt đứt” mà không cần biết hàng giả ngoại hay hàng nhái nội. “Trảm” bằng gì ư? Bằng không chỉ nỗ lực của nhà cầm quyền, mà còn phải từ cả ý thức và hành động thiết thực của người dân: những người sản xuất - người bán và người mua hàng. Nếu thành công, tất không cần phải hô hào, người Việt cũng sẽ và luôn yêu hàng Việt!

Nguyên Anh

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự