Từ chiếc niêu đất... nghĩ về hàng gốm sứ Việt

11:01 08/10/2009

(Bài dự thi) - Niêu đất Việt Nam

Có một tác giả khi viết về chiếc niêu đất đã thổ lộ: “ Nằm trong xó bếp lẫn cùng tro than  đã nghìn năm, niêu đất từng chứng kiến cảnh đói nghèo của những kiếp người bữa ăn toàn gạo hẩm, cháo hoa, sang hơn thì có nồi cá kho tộ.  

"Ăn xó mó niêu", đó là câu nói về cách ăn ở của người nghèo, quanh năm thui thủi một mình trong thiếu thốn, tối tăm. …”

Nhưng đối với riêng tôi, hình ảnh của những chiếc niêu đất không hoàn toàn là như thế . Có lẽ chiếc niêu đất xuất hiện trong từng gia đình Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đã lâu lắm rồi. Cùng với cái vật dụng bằng đất khác như cái ấm đất, cái lu nước, ông đầu rau…nó đã trở thành vật dụng thân thương của biết bao người mẹ, người chị trong gia đình.

Nhớ thuở nhỏ lúc còn ở quê, nhà tôi đông anh em, vì thế được mạ nấu cơm bằng một cái nồi gang lớn, gạo được nấu là gạo tạ, tức gạo trắng, đã được xay xát trắng tinh. Nhưng riêng phần mạ, thì phần cơm được mạ nấu bằng cái niêu đất nhỏ, gạo nấu cơm là gạo đỏ, mạ gọi là gọi hẻo rằn, khi niêu cơm gần chín tới, mạ gắp bỏ ở phía trên nắp mấy cục than đỏ hồng…Đến khi niêu cơm chín, dở nắp ra, một mùi thơm ngào ngạt bốc lên....Trong những ngày đông giá rét, mạ thường kho một nồi cá bống thệ cũng bằng cái niêu đất lớn hơn. Những con cá trong niêu đất đượm một màu đỏ, nức ra, cong lại săn chắc trông rất hấp dẫn. Hồi đó, nhiều khi tôi lại xin mạ ăn một chén cơm gạo đỏ. Cơm của mạ phải ăn khi còn nóng, niêu cơm cứ để nguyên trên bếp, đơm ra ăn dần thì mới thơm ngon, mềm dẻo, nếu để nguội, cơm sẽ cứng, khó ăn.

Chiếc niêu đất ủ trong mình vị nồng đượm quê hương (Nguồn ảnh: Internet)

Cơm nấu bằng cái niêu đất dành cho ít người ăn, mà người đó phải thuộc loại “ kén ăn ”, hoặc muốn thưởng thức món ăn thật đúng hương vị của nó: cơm nấu bằng nồi đất thì chín đều, không khê, không khét, hạt cơm dẻo thơm. Cá bống thệ kho tiêu mà kho bằng nồi đất thì ăn đứt kho bằng nồi gang hay nồi nhôm...!

Gốm Bát Tràng

Gầ
n gũi hơn, cái nồi  đất còn được người dân quê dùng để rang muối, một thứ gia vị không thể thiếu khi nấu nướng trong mỗi gia đình: Muối hột còn nguyên trắng được bỏ nồi rang, quấy đều cho thật khô, hạt muối thoát bớt hơi nước, được đem ra giả mịn, trở nên dịu và đậm đà, mặn mà không gắt.

Ngày trước, nếu rang mè hay đậu phụng để làm thức ăn dự trữ, nếu không rang bằng cái nồi đất rồi bỏ vào một nắm cát trằng, mà rang bằng các thứ nồi khác, có khi mẻ mè nay mẻ đậu đó trở thành ..than..!

Hoặc khi trái nắng trở trời mà không có cái siêu sắc thuốc, (còn gọi là cái tay cầm ), thì ta sắc những vị thuốc bằng cái gì !?

Miên man nghĩ đến những đồ dùng bằng đất đã một thời vang bóng, tôi lại liên tưởng nghĩ đến ngành gốm sứ Việt Nam. Nước ta có nhiều vị tổ nghề, nhưng ông tổ nghề gốm thật là “lạ”. Sử cũ chép rằng: Ông tổ ngành gốm có tên là Đào Nồi, con của Đào Hoằng, từ xưa vốn ở đất Tuyên Quang đi lập nghiệp ở làng Hương Canh (Vĩnh Phúc ) chuyên sống về nghề nặn nồi niêu. Đào Hoằng sinh con đặt tên là Đào Nồi, một phần do thực tế của nghề nghiệp gia đình và một phần ước mơ con mình lớn lên sẽ nối nghiệp, trở thành tay thợ khéo léo. Các loại nồi lớn nhỏ của anh đều được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng. Nhiều thợ trong làn tôn anh là bậc thầy, bậc đàn anh. Anh cưới vợ người làng Chiêm Trạch, họ Dương, sinh được hai con là Đống và Vực . Không những giỏi nghề nặn nồi,  Nồi là một người tinh thông võ nghệ, khi An Dương Vương mở khoa thi võ, anh đi thi và trúng tuyển. Sau được  bổ làm quan võ ở ngay tại kinh đô Âu Lạc với chức Nồi hầu… Khi giặc sang xâm phạm và truy satsm cả nhà ong đã quyên sinh..Họ chính là những người Việt đầu tiên khai sáng nên ngành gốm sứ tồn tại ở nước ta, trải qua hàng ngàn năm lịch sử…

Đồ dùng nồi, niêu… đất có thể hiện nay ít ai còn sử dụng, thế nhưng ngành gốm sử cũng đã sản xuất ra vô số đồ dùng bằng đất nung khác. Gốm rất gần gũi với con người, từ xa xưa, người Việt đã coi đó là thứ đồ dùng hàng ngày, đồng thời là thứ đồ có giá trị hay dùng để trang trí... Nghề gốm ở Việt Nam trải khắp trên mọi miền đất nước, miền Bắc thì có gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Đông Triều (Quảng Ninh), gốm Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm Hương Canh (Vĩnh Phú); Lò Chum (Thanh Hóa)... Ở miền Trung thì nổi tiếng gốm của người Chăm ở làng Bầu Trúc (Ninh Thuận), miền Nam có gốm Sài Gòn, gốm Bình Dương, gốm Biên Hòa (Đồng Nai) ...Sản phẩm gốm của Việt Nam rất phong phú, từ những vật nhỏ như lọ đựng tăm, bát, đĩa... những sản phẩm cỡ trung bình như lọ hoa, tượng Phật, thiếu nữ, bộ ấm trà, chậu cảnh …đến những sản phẩm cỡ lớn như lọ độc bình, đôn voi, chum, choé.... Có lẽ rất ít thứ vật dụng nào lại gần gủi như gốm, người ta dùng gốm làm vật dụng trong gia đình: những chum, vại, chậu, bình... thì dùng để chứa nước, trồng cây, muối dưa cà…

Đồng thời, với bàn tay khối óc, con mắt nghệ thuật tinh tế, cộng với sự nỗ lực, người thợ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng gốm, thể hiện được những tinh hoa văn hóa dân tộc từ bao đời truyền lại và hơn thế nữa, họ đã thổi vào gốm cái hồn riêng rất sống động. Điều đó đã làm nên giá trị đích thực khi chúng ta đối diện một tác phẩm gốm.

Đi dạo vào trên đường phố vào những ngày giáp Tết cuối năm, chúng ta thấy rất nhiều gian hàng bày bán sản phẩm gốm sứ có nguồn gốc từ nước ngoài. Đẹp và công phu thật đấy, nhưng hình như vẫn còn thiếu ở đó một cái… hồn, hồn của đất, của nước, của mồ hôi của biết bao thế hệ người Việt…

Dù khó khăn do cạnh tranh, nhưng những người thợ gốm trên khắp mọi miền đất nước vẫn trang trải tình cảm, gửi hồn của đất vào từng sản phẩm, cốt mong sao nó được có mặt trong từng mỗi gia đình ..Vậy thì, ta hãy dang tay chở che hồn của đất, của nước các bạn nhé…!

                                                                                                      Tôn Thất Thọ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự