Người Việt dùng hàng Việt là thể hiện tình yêu nước

08:37 03/10/2009

(Bài dự thi) - Bạn có giật mình không khi đọc trên báo chí những thông tin này: Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dự đoán năm 2009 có khoảng năm triệu lao động sẽ thất nghiệp; Nguy cơ mất làng nghề truyền thống; Làng nghề điêu đứng, thợ thủ công lao đao…

Dù tình trạng ấy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chủ yếu là do người Việt Nam không chịu dùng hàng Việt. Không chịu dùng vì ý thức chuộng ngoại. Thậm chí ngay cả một vài cơ quan nhà nước, giới hữu sản có sức mua lớn lúc nào cũng có tư tưởng "sính” ngoại, cũng có quan niệm rằng của ngoại mới là đẹp, là xịn, là đáng đồng tiền bỏ ra. Mà họ không hiểu  rằng cái đẹp cái sang nào cũng cần phải có cái hồn dân tộc mới lâu bền, không cũ. Họ cũng không biết rằng rất nhiều mặt hàng Việt có giá trị cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý đang được người nước ngoài ưa chuộng nhưng người tiêu dùng trong nước lại thờ ơ.

Ở các chợ biến giới như cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn, nhất là vào đầu các mùa và bốn tháng cuối năm dù tiết trời rất lạnh, nhưng cảnh mua bán ở đây lúc nào cũng tấp nập. Bãi xe luôn chật cứng các loại xe cộ, trong đó đa phần xe mang biển Hà Nội và các tỉnh trong nội địa. Xe đến rồi đi cứ liên tục, nối đuôi nhau. Mỗi ngày lên Tân Thanh có cả ngàn chiếc xe mà xe lên thì trống, xe về thì đầy hàng hóa các loại. Thậm chí có nhiều gia đình giàu có cứ cuối tuần lại rủ người thân lên biên giới vừa để đi chơi, vừa để sắm đồ. Nên vào những ngày nghỉ cuối tuần, các chợ biên giới người bán mỏi mồm, người mua tranh nhau. Ai cũng muốn mua được thật nhiều hàng.

Rồi các siêu thị biên giới khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) hiện đã có trên 6 STMT kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa, trong đó mặt hàng truyền thống thì ít mà mặt hàng nhập khẩu thì nhiều. Thậm chí ở đây còn có riêng các gian hàng nhập khẩu như gian hàng bán quần áo nhập từ Mỹ. Ngoài ra, còn có quầy hàng bán đồ gia dụng bằng thủy tinh màu nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ,  rượu vang thùng giấy nhập từ Úc, Argentina... hàng gia dụng của Nhật, hàng gia dụng và thực phẩm từ Thái Lan, Malaysia, Singapore... Thậm chí theo các thông tin báo chí thì khu kinh tế biên giới sẽ còn mở thêm siêu thị và nhiều gian hàng để bán đồ ngoại nhập cho người dân trong nước khi sức mua còn lớn.

Tình hình mua bán tại các chợ và siêu thị biên giới cho thấy sức tiêu thụ hàng ngoại của người dân trong nước rất mạnh, cùng với nó thì hàng nội của chúng ta lại đang ế ẩm, thậm chí là ế ẩm một cách trầm trọng khi người lao động làm ra sản phẩm mà không giải quyết được đầu ra. Dẫn đến tình trạng các làng nghề điêu đứng, thợ thủ công lao đao.

Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều làng nghề, mà  một ví dụ là tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ và sắt thép Đa Hội, hầu hết cơ sở đều giảm công suất, nhân công. Thậm chí nhiều cơ sở đang bên bờ vực phá sản, đóng cửa. Hàng ngàn lao động trực tiếp và rất nhiều lao động “vệ tinh” đang đối diện với tương lai không có việc làm... Các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ cửa vẫn mở, hàng vẫn ngồn ngộn nhưng khách chẳng thấy đâu. Có chủ hàng cho biết từ cuối năm 2008 đến nay hợp đồng với Trung Quốc hết, không có đơn hàng mới, hàng bán trong nước chẳng có khách hỏi han.

Trong khi đó cả nước có gần 1490 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống. Hàng năm giá trị kinh tế từ sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề khoảng 600 triệu USD. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, làng nghề còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng. Chính vì thế đứng trước tình hình các làng nghề có thể bị mất đi do sản phẩm không thể tiêu thụ được, người trong nước không dùng hàng nội mà chỉ chăm chăm mua sắm đồ ngoại. Cũng là một công dân trong nước, và là một người tiêu dùng bạn nghĩ sao về vấn đề này?  

Trong đầu tôi chợt hiện ra hình ảnh những người thợ thủ công ngồi cần mẫn dệt từng cái chiếu, đan từng sản phẩm song mây. Hàng làm xong lại chất đầy trong kho, ngóng mãi không có người đến mua, người thợ nơm nớp lo sợ cảnh thất nghiệp, nghèo đói, không có giải pháp nghề nghiệp cho cuộc sống…Rồi thì tự nó sẽ kéo theo biết bao nhiêu vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Như việc làm, tệ nạn xã hội hay ngay cả việc làm sao giữ được nghề truyền thống để không bị mai một, bị mất đi bất cứ lúc nào…Và khi những làng nghề truyền thống không còn nữa, những người nghệ nhân không có điều kiện để thể hiện tài năng của tay nghề, tinh hoa của dân tộc. Khi tất cả hoặc hầu hết hàng hóa bày bán trong nước không còn hơi hướng gì của đất nước, của dân tộc. Hỏi như thế có đang buồn, đáng xót xa không?

Như đã nói ở trên, vấn đề là ở chỗ người tiêu dùng lúc nào cũng cho rằng hàng ngoại mới là đẹp, là tốt mà không biết rằng rất nhiều mặt hàng trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng thì lại bị thờ ơ. Quay lưng lại với hàng hóa trong nước, đấy là người tiêu dùng đang quay lưng lại với nhân dân lao động mình, đồng bào mình. Và nhiều khi còn là quay lưng lại với giá trị văn hóa của dân tộc mình được lưu truyền trong các làng nghề, đang có nguy cơ bị mất. Và ngược lại, nếu người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng nội có nghĩa là người tiêu dùng đang chia sẻ với các vấn đề xã hội của đất nước, chia sẻ với người dân lao động và góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tôi kết thúc bài viết của mình bằng câu nói của một nhà văn nào đó đăng tải trên blog mà tôi từng đọc được: “Nếu mỗi gia đình mua một đôi chiếu cói thôi thì thừa sức khôi phục nghề trồng cói và dệt chiếu ngàn năm. Không phải “mua ủng hộ” mà bắt buộc những kẻ tiêu tiền ngân sách dùng hàng nội và kiên trì thuyết phục người dân dùng hàng nội là yêu nước, là tự cứu mình. Bức tường nào cũng có một cánh cửa nếu biết cách gõ vào là nó sẽ mở ra.” Tôi cũng tin là như thế!  

HN 1-10-2009

Vũ  Thị Huyền Trang

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự