Hàng may mặc Made in Vietnam

08:03 02/10/2009

(Bài dự thi) - Tôi là một du học sinh tại Nhật Bản. Cũng như bao lưu học sinh khác, mỗi lần về thăm nhà, tôi đều đi mua quà về cho ba mẹ, người thân và bạn bè tôi. Tôi muốn tìm cho ba tôi một chiếc áo sơ mi thật đẹp.

Lượn lờ mỏi chân khắp các cửa hàng, sang trọng có, bình dân có, mà tôi vẫn chưa tìm được cái nào ưng ý. Cái đẹp thì quá đắt, cái rẻ thì không vừa ý tôi. Đến một gian hàng nọ, tôi bỗng thấy một chiếc sơ mi màu trắng, kiểu dáng rất đẹp, giá cả cũng phải chăng. Tôi xem xét một hồi và chợt mỉm cười khi chiếc sơ mi dán mác Made in Vietnam. Nhưng thật đáng buồn, nó mang một thương hiệu của Nhật. Nó được treo cùng những quần áo khác xuất xứ từ Trung Quốc, Mexico, vv… Lần ấy, tôi quyết định không mua sơ mi làm quà nữa bởi vì tôi thiết nghĩ, hàng Việt Nam mình đẹp vậy, thì tội gì không về trong nước mua.

Tôi về thăm nhà với ý nghĩ đó. Và trước khi quay trở lại Nhật, tôi đi tìm cho chính tôi một chiếc sơ mi dài tay để mặc mùa đông. Lân la khắp các siêu thị, cửa hàng, showroom của Việt Tiến, May 10, thậm chí cả những nhãn hiệu được coi la cao cấp với giá cả khá đắt như An Phước. Tôi không thể tìm thấy được một chiếc áo nào vừa ý. Tại sao vậy? Trước hết là mẫu mã hàng Việt Nam không phong phú, mầu sắc phối hợp không tốt. Khi thử vào người thì mặc dù cùng một kích cỡ nhưng cái dài, cái rộng. Bờ vai may cho người Việt hay cho người nước ngoài mà rõ to, làm tôi mặc vào cứ rộng thùng thình. Thế nhưng, thử một chiếc áo nhãn hiệu Pierre Cardin, cũng là của An Phước gia công, tôi thấy sao vừa vặn, đẹp đến vậy.

Tôi đã thử lần mò tìm hiểu và rút ra kết luận rằng. Sở dĩ đồ của Tây đẹp bởi các hãng họ thiết kế rất tốt. Họ tiến hành các thống kê về dáng người, chiều cao, bờ vai, độ dài tay..., trong xã hội. Rồi rút ra những số đo rất chuẩn, thích hợp cho quần áo may sẵn. Bởi vậy, ta mặc vào luôn thấy vừa như in. Kiểu dáng cũng vậy, họ thiết kế đẹp, hợp thời trang. Họ không bao giờ bán hàng hỏng, hàng lỗi vì như vậy sẽ làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, dẫn đến việc mất thương hiệu. Có thể nói rằng, chúng ta có đủ điều kiện để may những chiếc áo giống như của các hãng lớn, nếu như các nhà may chúng ta làm việc cẩn thận và có quy trình. Từ việc chọn vải, thiết kế, điều tra số đo, kiểu dáng phù hợp với người Việt, đến việc chăm chút từng chiếc áo mình bán ra. Nếu đã làm tốt tất cả những khâu đó, việc xuất khẩu với thương hiệu Việt sang nước ngoài là điều trong tầm tay. Và ngành may mặc của chúng ta sẽ không phải mang tiếng là đi gia công cho nước ngoài nữa. Thiết nghĩ, những điều đó tuy đơn giản, nhưng cần những ông chủ có tầm nhìn và chăm chút cho sản phẩm của mình.

Người tiêu dùng Việt Nam giờ đây cũng rất sành. Nếu như hàng tốt, giá cả có hơi đắt tí chút, họ sẽ vẫn lựa chọn. Tôi thiết nghĩ, hàng may mặc Việt Nam có thể thống lĩnh thế giới bởi một giá cả cạnh tranh. Chỉ có điều các nhà sản xuất ở ta nên học hỏi các hãng phương Tây về cách sản xuất một sản phẩm, từ những chi tiết nhỏ nhất của việc thiết kế một chiếc áo, chiếc giày đến việc quản lý nhân công, nhà máy, rồi bán hàng, tiếp thị. Có thế, người Việt mới có thể mua cho mình những chiếc áo chất lượng nước ngoài với giá Việt. Và người Việt Nam ra nước ngoài có thể thấy được những quầy hàng của May 10, Việt Tiến, An Phước nằm trên các đại lộ mua sắm sầm uất nhất của thế giới. Và để người nước ngoài không cần phải lật bên trong cổ áo mới biết được đó là hàng...Made in Vietnam.

Nguyễn Hoàng Long

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự