Chú Sang
16:44 01/10/2009
(Bài dự thi) - Nghe điện chú Sang từ bên Mỹ gọi về, cả họ nhà tôi ai cũng mừng ra mặt. Người ta vẫn bảo chú tôi mê Tây rồi, không thiết về nước nữa. Gớm cái họ nhà ấy á, được mỗi thằng thì theo Tây ở miết. Học hành tốn cơm tốn gạo nhà nước, chẳng được nhờ. Bà tôi bảo, kệ, họ nói họ nghe. Ấy nhưng bà vẫn buồn.
Quê tôi nằm lưng lửng núi, xưa nghe đâu nghèo xác xơ, người làng phải đi mót sắn trên rừng, đào củ mài, củ nâu cạo bột nấu ăn. Thế mà chú tôi lại học hành thành tài mới lạ. Chú làm việc ở thủ đô, đi làm nghiên cứu sinh bên Mỹ rồi ở đó luôn. Có lần bà hỏi, Đại sứ quán là gì hở mày? Chịu, cả làng không ai biết. Có người đoàn, chắc con nhà bà làm quán ăn ở bên đó. Bà buồn.
Có lần chú bảo về, cả họ cử người ra đầu làng đợi mấy hôm, rồi chú nhờ người báo ở Hà Nội có việc bận không về được. Chú dặn chúng tôi chăm học chú về có phần thưởng. Bà nói, cái thằng vẫn như xưa, nói một đằng làm một nẻo cấm có biết. Thú thực đám trẻ chúng tôi không đứa nào biết mặt chú cả. chỉ biết chú mình ở bên Tây, ờ thì bên tây chắc là oách lắm. Tây thì đã sao. Đợt này chú Sang về, cho cả làng làng lác mắt.
Lần này bà tôi cho gọi cả họ lại họp. Bác cả có sáng kiến, Thằng Sang sắp về, tránh như lần trước, phải cho người xuống Hà Nội đón về luôn. Nếu nó không chịu thì trói lại vứt lên xe mang về. Nhưng kiếm đâu ra người thuộc đường mà đón. Bàn đi tính lại cả họ quyết định giao trách nhiệm nặng nề này cho chị Thêm con nhà bác Toản. Dù gì chị cũng đã có lần xuống Hà Nội rửa bát thuê. Ba thanh niên lực lưỡng được cử đi cùng có gì còn bắt chú Sang về. Chị Thêm bảo, nhưng chúng con không biết mặt chú với lại là cha chú, phận cháu con đâu dám. Bác cả chỉ định bác Tùng đi theo cho có uy. Chị Thêm bảo chú Sang bây giờ chắc bận toàn đồ Mỹ, miệng ngậm xì gà, tóc nhuộm vàng như Mỹ rồi ấy nhỉ! Bà lại buồn.
Đã ba hôm vẫn chưa thấy mọi người về, cả họ sốt ruột ra nhắc, vào nhắc. Sang ngày thứ tư, khi đang lui cụi cuốc giun làm mồi câu, tôi nghe có bước chân người, ngước lên nhìn. Một người đàn ông cao to, mặc áo chàm, quần nâu sắn lệch, trên vai chiếc ba lô màu đất trĩu xuống hông mồ hôi nhễ nhại vẫy tôi lại hỏi.
-Cháu con nhà ai thế?
-Dạ con mẹ Mận!
-Ôi thằng Huy hả, cháu lớn thế này rồi sao?
Rồi cứ vậy chú nhấc bổng tôi lên xuýt xoa. Khi biết là chú Sang, tôi thất vọng chẳng buồn nói. Chắc mẩm chú đi Tây về phải oai lắm ai ngờ, áo chàm, quân nâu, ba lô rách còn thua cả người làng.
Tối hôm ấy nhà tôi làm bữa cơm mời họ hàng, người làng xì xèo gớm tưởng thế nào vẫn rách như xưa! Sau bữa cơm, chú tặng quà chúng tôi và mọi người trong họ. Chú mở ba lô nào áo, quần, giầy mỗi người một thứ. Chúng tôi cầm quà chú chạy tót đi thay. Áo đẹp, quần đẹp giầy cũng hết chê nhưng cái Thu thầm thì toàn hàng Việt thôi mày ạ. Rồi đến người già cũng râm ran. Bà lại buồn. Chú thì cười nói vui vẻ. Ừ toàn hàng May 10 với đồ Biti’s Việt Nam cả đấy. Ở Tây hàng này chuộng lắm, vừa đẹp vừa bền. Mình là người Việt thấy mà mừng, hàng Việt đâu có kém gì hàng Tây đâu Huy nhỉ?
Người làng lại được dịp bàn tán. Cái thằng, đi Tây về mà kiệt. Mùa toàn đồ Việt Nam cho rẻ ấy mà.
Sáng hôm sau chú dậy sớm sang ủy ban xã. Rồi chiều đến nghe loa xã thông báo chú Sang ủng hộ xã xây lớp học. Chú còn vận động bà con quay lại nghề dệt thổ cẩm. Chú bảo chú sẽ lo đầu ra cho sản phẩm, ở bên Mỹ người ta cũng thích hàng thổ cẩm Việt Nam lắm.
Chú đi được hai hôm thì chị Thêm về. Bác Tùng bảo, tưởng con bé thuộc đường ai dè chỉ quanh quẩn vài cái quán cơm nó từng rửa bát thuê. Cả họ được trận cười bò. Sau lần về ấy, chú Sang lại đi nhưng làng không còn ai nói chú là chẳng được nhờ nữa. Hàng thổ cẩm làng tôi xuất sang Mỹ, dân làng có của ăn của để, đi đâu cũng thấy người ta nhắc dến chú Sang, nhờ chú mà mọi người thấy được giá trị của hàng Việt, nào có kém gì Tây đâu.
Hoàng Chiến Thắng