Tết Trung thu: 50 năm 'nặng lòng' với ông tiến sĩ giấy

07:30 10/09/2022

Có mặt tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng (Hà Nội) trong chuỗi hoạt động Tết Trung thu truyền thống 2022 do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tất bật trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan về ông tiến sĩ giấy cùng nhiều món đồ chơi dân gian độc đáo khác.

Tết Trung thu: Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục truyền thống Tết Trung thu

Tết Trung thu: Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục truyền thống Tết Trung thu

Rằm tháng Tám là Tết Trung thu - một ngày Tết dành riêng cho trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng. Tết Trung thu cũng được biết đến với tên gọi Tết Đoàn viên.

Bà Tuyến được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho đến nay vẫn còn lưu giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống như ông tiến sĩ, ông đánh gậy trông trăng, đèn ông sao, đèn chim công, đèn con tôm, con thỏ v.v…Tình yêu nghề của người bà gắn liền với những thanh tre nứa, giấy màu đủ loại.

Làm nghề từ năm lên tám

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã được ông bà, bố mẹ giao việc phụ giúp làm đồ chơi. Bà nhớ lại, “từ khi lên 8 tuổi, tôi đã được phụ giúp ông bà, bố mẹ xỏ từng đốt giấy làm tay, rồi dán ống quần, đính đai lưng cho ông đánh gậy. Lớn lên, có thể tự pha chế các màu xanh, đỏ, tự chẻ nan để đan thành đèn ông sao, đèn con thỏ, rồi ông tiến sĩ. Cho đến khi lập gia đình tới nay, chưa năm nào tôi bỏ làm đồ chơi truyền thống”.

Chú thích ảnh
Gian hàng bán ông tiến sĩ giấy và đồ chơi Trung thu ở Hà Nội khi xưa. Ảnh: TL

Bà Tuyến cho biết, làm bộ đồ chơi truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Riêng ông đánh gậy có hơn 20 chi tiết, còn ông tiến sĩ giấy có hơn 30 chi tiết ghép lại. Mọi công đoạn đều được làm thủ công, tỉ mỉ từng chút ít, từ chẻ nan tre nứa, lên khung đến cắt, dán giấy màu để trang trí.

Làm ông tiến sĩ giấy theo lối cổ, phần khó nhất là dựng ngai sao cho cân đối, ngay ngắn. Ông tiến sĩ giấy khoanh tay ngồi trên kiệu vàng, đội mão, mặc áo bào phải oai phong với đầy đủ lọng, cờ, quạt, biển. Nét mặt phải hiền hậu, tươi tắn, có hồn. Tất cả để lột tả hình ảnh ông tiến sĩ khi đã học hành thành tài, đỗ đạt hiển vinh, trở về quê hương vinh quy bái tổ với vẻ sáng láng, lẫm liệt.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cùng ông tiến sĩ giấy

Chơi ông tiến sĩ giấy thường chơi theo bộ gồm 1 ông tiến sĩ giấy và 2 ông đánh gậy trông trăng, hợp thành một bộ hoàn chỉnh tượng trưng cho “quan” và “quân hầu”.

“Riêng ông đánh gậy, trước đây trong thời chiến tranh phải cầm kiếm, đao đi đánh giặc. Ở thời bình được thay bằng cầm gậy, ngụ ý sức khỏe dồi dào” - nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến nói.

Bộ tiến sĩ giấy còn được phân thành các cấp khác nhau, bộ to gọi là “ông Nghè”, còn bộ nhỏ gọi là “ông tiến sĩ”, như câu thơ nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai”.

Chú thích ảnh
Ông Nghè (to) và ông tiến sĩ giấy (nhỏ)

Theo truyền thống, trên mâm cỗ trông trăng ngoài bánh trái, hoa quả nhất thiết phải có ông tiến sĩ giấy, được bày ở vị trí cao nhất, đẹp nhất, để các gia đình gửi gắm tâm nguyện của mình về viễn cảnh con cháu được học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, có tương lai xán lạn, làm người có ích cho xã hội.

Cũng theo lệ xưa, sau khi phá cỗ hoặc sau khi cúng rằm, có gia đình sẽ hóa luôn ông tiến sĩ giấy, có gia đình lại giữ để trên bàn học đến 23 tháng Chạp, hóa cùng ông Công, ông Táo về chầu trời. Còn 2 ông đánh gậy thường được các gia đình treo trên cửa sổ gần nơi có gió để con cháu khi gặp bài toán khó, chưa hiểu bài có thể thư giãn qua ông đánh gậy đang múa rối trước gió.

Chú thích ảnh
Ông đánh gậy trông trăng

“Giữ được nghề là một cái duyên”

Nhớ lại thời kỳ “hoàng kim” của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay: “Người làng nghề chúng tôi vẫn thường nói vui “Chỉ Trung thu mới có bán người” nên nhà nào nhà nấy đều sắm sửa ông tiến sĩ giấy mỗi độ Trung thu. Khi xưa, làm bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu, số lượng làm thủ công gấp 5, gấp 10 lần so với hiện nay. Thời kỳ thịnh hành, trong làng có tới 20 - 25 hộ gia đình làm đồ chơi Trung thu. Riêng gia đình tôi khi ấy phải làm tới 2.000 – 2.500 ông đánh gậy, còn ông tiến sĩ giấy ít nhất cũng phải 15.000 ông. Số lượng đèn ông sao thì nhiều vô kể. Trong khi, thời bấy giờ cũng chỉ bán tại chợ làng, và các xã lân cận”.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến hướng dẫn các em nhỏ làm đồ chơi Trung thu truyền thống

Từ những năm 90 cho đến nay, đồ chơi ngoại nhập tràn lan trên thị trường Việt Nam với mẫu mã bắt mắt đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ đồ chơi Trung thu truyền thống. Chưa kể, nghề làm đồ chơi Trung thu một năm chỉ trong 2 tháng có công việc nên thu nhập không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Nên ở làng Hậu Ái mấy chục năm nay người dân đều không còn mặn mà với nghề. Người dân bỏ nghề, làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống vì thế cũng mai một dần.

Xuất phát từ truyền thống gia đình 3 thế hệ làm đồ chơi Trung thu truyền thống, cho đến nay nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã có 50 năm tuổi nghề. “Giữ được nghề là một cái duyên. Khi còn nhỏ, được bố mẹ giao việc cho những công đoạn nhỏ, tôi đã vô cùng vui vẻ và thích thú. Lớn lên, có gia đình riêng, lắm khi tôi cũng không muốn theo nghề. Nhưng rồi, được hàng xóm, láng giềng quan tâm, hỏi han mỗi năm “có làm không”, “làm ít hay làm nhiều”,… đã giúp tôi có động lực tiếp tục làm nghề. Cộng thêm sự hưởng ứng của chồng con, cùng chung niềm thích thú với đồ chơi dân gian, đã giúp tôi thêm tâm huyết phải giữ bằng được nghề truyền thống của cha ông để lại” - bà Tuyến bộc bạch.

Đến nay, cứ mỗi mùa Trung thu đến, ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lại tất bật ngày đêm với những món đồ chơi dân gian, nào ông tiến sĩ, ông đánh gậy, nào đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá chép, con tôm, v.v… Cũng khoảng 20 năm trở lại đây, ngoài làm việc tại nhà, bà Tuyến còn thường xuyên tham gia giao lưu, giới thiệu và hướng dẫn các tình nguyện viên, các em nhỏ làm đồ chơi truyền thống mỗi dịp Trung thu tại các trường học, các điểm di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, v.v…

Đa dạng hoạt động vui Tết Trung thu truyền thống tại Phố cổ

Dịp Tết Trung thu 2022, từ 7 - 10/9, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, tương tác tại các điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng. Cụ thể:

*Tại Đình Kim Ngân (số 42, 44 Hàng Bạc): Trang trí không gian Tết Trung thu; giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống: Con giống bột, đèn ông sao, ông đánh gậy,…

*Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây: Giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu; trang trí, giới thiệu đèn Trung thu cua, cá cổ truyền; giới thiệu bộ ảnh Trung thu Phố cổ đầu thế kỷ XX,…

*Tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng: Trưng bày, trình diễn giới thiệu đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu: đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn kéo quân, mặt nạ giấy, con phỗng đất, con giống bột, chuồn chuồn tre…; không gian tương tác, hướng dẫn chơi trò chơi dân gian: Ô ăn quan, cướp cờ, cà kheo, bịt mắt bắt dê,…; biểu diễn nghệ thuật múa rối cổ Tế Tiêu; chương trình trình diễn Bộ sưu tập thời trang trẻ em của Hội Thiết kế Thời trang Hà Nội.

Công Bắc

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự