(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, việc quy hoạch, chỉnh trang bến Bạch Đằng (Quận 1, TP.HCM) được nhiều người dân, giới chuyên môn và doanh nghiệp quan tâm.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 2260/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc chỉnh trang cần lưu giữ được bản chất của bến Bạch Đằng là một bến sông sầm uất, biểu trưng cho tính chất đô thị sông nước "trên bến dưới thuyền" của thành phố.
Phát huy cảnh quan "trên bến dưới thuyền"
Theo khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân qua các câu hỏi và tiêu chí của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề sau khi chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng đầu năm 2022; đánh giá ga tàu thủy và tính kết nối với công trường Mê Linh, tượng Đức Thánh Trần và việc nâng cao hiệu quả công tác chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng - bờ sông Sài Gòn, 62% người dân cho rằng, sau chỉnh trang, công viên đẹp, thoáng, sạch sẽ ở tiêu chí 1.
Đối với tiêu chí 2, có 90% người dân cho rằng phù hợp, không cần di dời, vì các công trình hiện hữu tại khu vực này có tính lịch sử, phù hợp với không gian văn hóa và bối cảnh trên bến dưới thuyền.
Ở tiêu chí 3, 66% người dân được hỏi cho rằng cần thêm cây xanh và hoa; 41% đề nghị có nhà vệ sinh, 34% nêu ý kiến cần bố trí bãi giữ xe tại khu vực này; 16% đề nghị có cầu, hầm đi bộ nối đường Nguyễn Huệ với Công viên bến Bạch Đằng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Công viên bến Bạch Đằng có vị trí trung tâm của không gian văn hóa mang đặc trưng của các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa và hiện đại.
Tầm nhìn của mọi vấn đề quy hoạch, trong đó có Công viên bến Bạch Đằng được xác định đến năm 2035-2045. Vấn đề lớn nhất trong tổng thể quy hoạch mà người dân góp ý đối với việc chỉnh trang, phát triển công viên đó là xây dựng các thiết chế của một công viên văn hóa bên sông Sài Gòn. Cụ thể, khi nói đến công viên là phải có cây xanh, vườn hoa, công trình công cộng, kèm với đó là các thiết chế văn hóa về cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy quản lý, hoạt động chuyên môn…
"Do đó, Công viên bến Bạch Đằng phải gắn kết với các công viên dọc sông Sài Gòn, để tạo thành hệ thống công viên ven sông đẳng cấp của Thành phố Hồ Chí Minh", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng khẳng định.
Nhấn mạnh tới yếu tố "trên bến dưới thuyền", góp phần phát triển kinh tế sông nước của thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cảnh quan bến Bạch Đằng ngày nay chính là Bến Nghé, bến tàu Bạch Đằng và bến phà Thủ Thiêm xưa, là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa của thành phố ngay từ khi mới hình thành.
Với vị trí là một thành phố sông nước điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh cần kết nối hai luồng giao thông thủy - bộ. Với vị trí bến Bạch Đằng như hiện nay thì sứ mệnh kết nối giao thông ấy nên được gìn giữ và phát huy, một phần là để kết nối lịch sử - văn hóa từ truyền thống, phần nữa là tạo nên sức sống sinh động, "trên bến dưới thuyền" và giá trị kinh tế cho thành phố. Do đó, thành phố cần giữ nguyên vị trí các bến tàu, đồng thời bố trí lại và áp dụng phương thức quản lý phù hợp hơn.
Kết nối văn hoá di sản hai bờ "Đông - Tây"
Đánh giá về những giá trị trong kiến trúc đô thị và không gian văn hóa khu vực trung tâm thành phố, Tiến sỹ Trương Hoàng Phương, người đã có nhiều công trình đóng góp cho mô hình quản lý đô thị, xây dựng mô hình làng nghề, giải quyết vấn đề nhập cư, việc làm, văn hóa và văn minh đô thị cho rằng, Công viên bến Bạch Đằng có một vị trí quan trọng, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, dọc bờ sông Sài Gòn và Bến Nhà Rồng, tạo nên một không gian văn hóa mang đầy đủ tính chất và đặc thù của các giá trị truyền thống, lịch sử với văn hóa, giải trí, thưởng ngoạn khung cảnh bao quát cả vùng trung tâm thành phố qua đến Thủ Thiêm.
Vì vậy, việc chỉnh trang, xây dựng công viên thành một công viên văn hóa đẳng cấp phải phù hợp với quy hoạch hai bên sông Sài Gòn và có tính tương tác, kết nối với nhau. Muốn vậy thì ở khu vực đầu đường Nguyễn Huệ ra tới tượng Đức Thánh Trần cần xây dựng tuyến đường hầm cho xe cộ lưu thông ở dưới, để phía trên cho một không gian yên tĩnh, kết nối với các công viên trong khu vực.
Nhìn nhận vai trò sứ mệnh của bến Bạch Đằng như một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đô thị sông nước, theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách "Sài Gòn – Hai đầu thế kỷ", việc chỉnh trang bến Bạch Đằng là công viên không mâu thuẫn mà nên bao gồm việc phát huy giá trị bến tàu thuyền đã có. Hai bến tàu hiện tại hoàn toàn có thể chỉnh trang để cảnh quan bờ sông không bị che khuất nhiều. Bên cạnh đó, cần bỏ đi các thiết kế rườm rà, thiết kế nhà ga sao cho nhẹ nhàng, hài hòa cân đối với khung cảnh chung.
Theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng góp mặt trong công trình quy hoạch kết nối hai bờ Đông - Tây của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Thượng Hải và Thành phố Hồ Chí Minh có nét tương đồng với cấu trúc không gian ven sông Sài Gòn và sông Hoàng Phố. Theo đó, trục ven sông sẽ là trục cảnh quan chính nối bờ Tây và Đông tạo thành trung tâm thống nhất của thành phố. Việc chỉnh trang ven sông Sài Gòn, trong đó có bến Bạch Đằng, là đúng đắn, chủ trương tốt. Tuy nhiên, thành phố cần lưu ý việc chỉnh trang bến Bạch Đằng phải nằm trong tổng thể việc quy hoạch ven sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, thành phố cần làm sao để có thể kết nối hai bờ Đông Tây, kết nối với Thủ Thiêm một cách tốt hơn. Trục đường Tôn Đức Thắng và Công viên bến Bạch Đằng sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu mảng xanh được tăng cường. Ngoài ra, để tăng tính kết nối khu vực bên trong với công viên, nên làm cầu vượt qua đường Tôn Đức Thắng ở khu vực cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ. Việc này nhằm tăng tính tương tác với luồng người ở khu vực phố đi bộ, ga metro ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
"Để Công viên bến Bạch Đằng ngày càng hấp dẫn du khách, thành phố có thể kéo dài không gian công viên ven sông để người dân có nhiều nơi nghỉ ngơi, vui chơi, tập thể dục… Điều quan trọng và đáng quan tâm là đoạn chạy dài từ cầu Sài Gòn tới cảng Sài Gòn cần được liên thông cho người đi bộ, đi xe đạp", Tiến sỹ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Theo ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2045" và kế hoạch thực hiện đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và đưa vào triển khai với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và chính quyền thành phố Thủ Đức, các quận, huyện. Tiến trình triển khai được thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Trong đó, bờ sông Sài Gòn là khu vực có vị trí rất quan trọng, theo quy hoạch có rất nhiều hạng mục khác nhau nên không thể triển khai ngay tất cả các hạng mục trong thời gian ngắn. Căn cứ theo đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (930 ha), việc chỉnh trang khu vực Công viên bến Bạch Đằng Quận 1 sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, cải tạo chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng và bảo tồn cột cờ Thủ Ngữ, đến nay đã thực hiện cơ bản. Giai đoạn 2 sẽ cải tạo chỉnh trang, ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng. Giai đoạn 3 sẽ bố trí các khu đậu xe và thương mại ngầm ở khu vực Công trường Mê Linh.
Trong tương lai, khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đoạn đường Tôn Đức Thắng dọc bến Bạch Đằng sẽ trở thành không gian đi bộ kết hợp với công viên bờ sông. Giao thông cơ giới sẽ đi ngầm tách biệt khỏi giao thông đi bộ, thực hiện đúng theo đồ án quy hoạch 930 ha.
Thu Hương/TTXVN