(Thethaovanhoa.vn) - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trong lời nói đầu tập Truyện ngắn chọn lọc của Thu Hằng ấn hành 2019 có nhận xét, bà là người “kín tiếng nhất” là người “miệt mài sáng tác văn học trong im lặng”. Là tác giả của 17 tập truyện ngắn, Thu Hằng mới có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt mới, bắt đầu sử dụng từ năm học 2021-2022.
"Vầng trăng của ngoại" là tên truyện ngắn của nhà văn nữ Lê Thanh Nga ở trang 107 sách Tiếng Việt 2 (tập 1), bộ SGK "Cánh Diều". Truyện được dạy ở bài 13 theo chủ điểm “yêu kính ông bà”.
Nhóm biên soạn Tiếng Việt 2 (tập 1) bộ Chân trời sáng tạo đưa truyện Cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng vào dạy ở chủ điểm Ông bà yêu quý.
Qua chuyện nhỏ, nói được chuyện lớn
“Ông ngoại ở quê ra chơi. Đến bữa cơm, thấy thức ăn mẹ nấu hấp dẫn, Vân liền chạy tới bàn, định nếm thử. Ông nhìn Vân, nheo mắt cười: “Mời cả nhà cùng ăn cơm nào!” Nghe ông nói, Vân bẽn lẽn: “Cháu mời ông, con mời bố mẹ”.
Ăn xong, ông nhìn Vân âu yếm: “Tăm nhà mình để ở đâu nhỉ? Cô chủ nhà tí hon lấy giúp ông với nào”. Ông gọi Vân là “cô chủ nhà tí hon” đấy! Vân bỗng thấy mình thật quan trọng. Cô bé bèn chạy đi lấy tăm, lễ phép đưa cho ông. Em cũng không quên mang tăm cho cả bố và mẹ. “Cô chủ nhà tí hon ngoan quá!” - ông cười khích lệ.
Chỉ ra chơi mấy hôm, ông đã mang đến cho Vân biết bao điều thú vị. Vân cảm thấy mình ra dáng một cô chủ nhà tí hon, đúng như lời ông nói” (Cô chủ nhà tí hon).
Từ 582 âm tiết của truyện ngắn cùng tên in trong tập Vương quốc tí hon (NXB Kim Đồng, 1998) tác giả Thu Hằng tự “cắt cúp” chỉ còn 162 âm tiết để vừa sức đọc của học sinh lớp 2. Tác giả khéo dồn nén nên truyện vẫn có mặt đủ 4 nhân vật thuộc 3 thế hệ nhà bé Vân, tạo được nét xưa, thời “tam đại đồng đường”. Và, giữ được nếp xưa, trên kính dưới nhường quanh mâm cơm gia đình ấm cúng với nhiều “âu yếm” “lễ phép”.
Truyện có diễn biến nhanh, những vẫn được tu từ kỹ lưỡng, nhóm từ khóa chủ đề “cô chủ nhà tí hon” được dùng tới 4 lần như một điệp ngữ, thể hiện đậm nét niềm tin yêu, thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Qua truyện riêng của một bé Vân, tác giả nói được chuyện chung lớn hơn - quyền trẻ em trên đời.
So sánh giữa nguyên bản văn học và phiên bản sách giáo khoa như trên, người viết bài muốn nói, đã có sự ăn ý, đồng điệu, hòa nhịp rất cần có giữa người cung cấp văn liệu - nhà văn Thu Hằng, với nhóm biên soạn văn liệu thành văn bản giáo khoa - nhóm “Chân trời sáng tạo”. Nhưng khi được hỏi: “Là phụ huynh học sinh sẽ có những đứa cháu vào lớp 1 bà muốn cháu mình được học sách Tiếng Việt lớp đầu cấp được biên soạn như thế nào?” thì nhà văn Thu Hằng trả lời: “Tôi quan niệm bộ sách nào cũng rất nhiều ưu việt, quan trọng là cô giáo, nhà trường và cả phụ huynh sẽ đem sách ấy đến cho các cháu như thế nào thôi! Như mỗi bộ sách là một ngôi nhà, mà cô giáo, nhà trường và gia đình là người chủ nhà. Em bé vỡ lòng lớp 1 ấy là khách đến nhà đấy... nhà giàu hay nghèo, to hay nhỏ với tôi không quan trọng, mà tôi lại lưu ý đến cách chủ nhà đón khách đãi khách cơ!”.
Một cách trả lời rất thực tế, hợp lý hợp tình, biết người biết ta, đặt niềm tin vào các chuyên gia trong lãnh vực chuyên môn của họ và tự nhận lấy trách nhiệm tích cực hợp tác.
Đẹp trong văn, đẹp trong cách sống...
Nhà văn Thu Hằng có nhiều năm phụ trách trang văn học của báo Nhi đồng (nay là Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) được làm việc với các nhà văn bậc thầy, nhà văn đàn anh, được làm việc với các cây bút nhí.
Bà tâm sự: “Tôi được gặp, được biết nhiều nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực viết cho nhi đồng...học hỏi tiếp thu được ở mỗi người mỗi bài học, mỗi kinh nghiệm. Nhưng cái quý giá nhất mà tôi nhớ được và luôn chia sẻ với các bạn nhỏ khi các bạn ấy gửi sáng tác đến cho chuyên mục Những cây bút nhỏ (chuyên mục sáng tác thơ văn của thiếu nhi mấy chục năm qua tôi phụ trách trên báo Nhi đồng) là: Lắng nghe cuộc sống, thiên nhiên, và xung quanh, ta sẽ thấy cuộc sống của mỗi đồ vật, cỏ cây... và cả những thứ nhỏ nữa như hạt cát, ngọn gió, giọt sương, tia nắng... hay những thứ như nỗi buồn, niềm vui, tiếng cười, những thứ như thành công bé xíu hay thất bại cỏn con hàng ngày của chính mình, của ai đó, cũng đều là câu chuyện, là thông điệp, và đều đẹp, đều có ý nghĩa cho hôm nay và ngày mai của ai đó, và của chính mình. Tôi có 2 người anh- 2 người thầy trong lĩnh vực văn học thiếu nhi của mình, ấy là nhà văn Trần Đức Tiến và nhà văn Tạ Duy Anh. Tôi học được ở họ cách yêu quý trẻ em bằng sự trân trọng nâng niu từng con chữ. Đẹp trong văn, đẹp trong cách sống”.
Cần mẫn học đại học ngành văn để viết, rồi vừa viết vừa học như thế, chuyện nhỏ như que tăm của bé Vân vào tay Thu Hằng, cũng thành truyện hay như ta đã thấy. Nhưng lớn đến như cuộc chiến vĩ đại, giữ lấy trọn vẹn non sông, mà thế hệ ông và cha bé Vân gánh trên vai, Thu Hằng cũng biết cách kể thật hay, thật “hình sự” cho các em.
Trong truyện Ông Tùng (tập Cô tiên tóc xanh, NXB Kim Đồng, 2005), Thu Hằng tạo được xung đột căng thẳng giữa những đứa bé hiền lành, nhút nhát trong ngõ phố kia, với một “ông mặt quỷ”, “người không bao giờ cười” người “hỏng một mắt, bay cả quai hàm, rạn vỡ xương gò má” lại còn “suốt ngày đeo kính râm đen sì như ma-phi-a...”!
Diễn biến truyện dẫn tới đoạn, nhưng đứa trẻ quyết tìm thêm những khác thường của ông mặt quỷ kia, khi đã dám đối mặt với ông ta. “…thằng Việt tự nhiên hỏi: Sao ông không có vợ con? thì ông Tùng trầm giọng: Có chứ. Nhưng bom Mỹ cướp mất rồi. Ngày ấy, cu Bẹp nó cũng bằng các cháu bây giờ... Tôi huých thằng Việt, ý nhắc nó đừng gợi chuyện buồn làm khổ ông thì nó đã trang nghiêm đề nghị: Ông ơi... ông cho chúng cháu làm con trai ông nhé”. Và truyện kết thúc thật bất ngờ, “ông mặt quỷ” - ông Tùng, cựu tuyển thủ đội bóng Thể Công vang danh một thời, ông Tùng thương binh trở về từ mặt trận Quảng Trị “dang rộng cánh tay ôm lấy vai tụi tôi, giọng ấm và nghẹn ngào: Các con... các con tôi!”.
Câu chuyện bút danh
Từ những năm đầu thập niên1990, Thu Hằng đã có truyện ngắn đăng báo ký tên thật Thu Hằng. Tới năm 1999 khi có con gái đầu lòng bà thường dùng tên con làm bút danh - Đan Thi. Nhưng bà kể: “…đến năm 2008, cháu Đan Thi bắt đầu viết và có những bài đăng báo, thì tôi không dùng bút danh Đan Thi trong những bài báo và sáng tác văn học thiếu nhi nữa để trả lại tên của con gái”.
Việc trả lại thật kịp thời vì cô bé khăn quàng đỏ Đan Thi trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 là thủ khoa cuộc thi Cây bút tuổi hồng do Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong phát động. Ban giám khảo cuộc thi năm 2013 có nhận xét rất khuyết khích với “con nhà nòi” của mẹ Thu Hằng: “Giọng văn vừa trong sáng vừa hiện đại. Ở một số truyện ngắn đạt tới độ sâu sắc, tinh tế về giáo dục đạo đức, hướng tới những giá trị nhân văn, có nhiều tiềm năng và triển vọng trở thành cây bút chuyên nghiệp”.
Đã thật chuyên nghiệp như mẹ chưa? Chỉ biết, cô gái tuổ 9X Đan Thi đã là tác giả của 2 đầu sách Nụ cười của thiên thần (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2011) và Nào, cùng hát lên giai điệu gió (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2013) và năm 2021 này đã gửi tới NXB Hội Nhà văn bản thảo Nghĩa trang dành cho các vì sao.
Nhà văn Thu Hằng tiếp tục câu chuyện bút danh của mình: “Khi tôi có một vài truyện ngắn gửi báo Văn nghệ, ngồi cà phê với nhà văn Dạ Ngân là người biên tập cho tôi, chị bảo cái tên Thu Hằng khó làm người ta để ý, em nên chọn bút danh nào đó cho ấn tượng hơn và khác với mọi người. Không nên dùng tên con dễ nhầm lẫn em ạ. Cũng không nên dùng tên chồng vì duyên chồng vợ không phải ai cũng đi với nhau tới cuối con đường... Rồi 2 chị em đã chọn tên ghép của bố mẹ tôi Nguyễn Thụy Lê. Nhưng khi báo Văn nghệ in ra, tôi nhìn lạ hoắc! Chắc tại tôi dùng tên Thu Hằng để in sách đã quá lâu mất rồi”.
Quá lâu rồi, quá quen rồi, nhưng vẫn thích khiêm nhường tựa vào người thân nơi văn đàn, bà “cấy ghép, chiết tỉa” tên chồng Nguyễn Nghiêm Nhan - nghệ sĩ ưu tú, nhà thơ, đạo diễn điện ảnh, với tên mình để có bút danh mới Nghiêm Thu. Với bút danh mới lại có lao động văn chương mới, Nghiêm Thu thường viết lời bình cho các phim tài liệu nghệ thuật mà chồng mình là đạo diễn. Năm 2018,LHP ngắn quốc tế Top Shorts trao giải Best Trailer (Giới thiệu phim hay nhất) cho Nguyễn Nghiêm Nhan, đạo diễn phim Thu Thủy - những giấc mơ gốm thì phim ấy có kịch bản và lời bình Nghiêm Thu góp vào.
Ngoài ra,Thu Hằng còn làm thơ nữa! Người viết bài tìm thấy trên mạng bài thơ như là cách bà tự bạch về sự kín tiếng của mình: “Đêm huyền tựa vai, đan áo/ Đêm xanh tỉ tê hát ru/ Đêm mưa vụng về son phấn/ Lược gương, tóc rụng, bẽ bàng,// Mênh mang đất trời rất rộng/ Mà không một chỗ dung thân/ Thôi thì ta xin trú ngụ/ Vào mình- đêm nhé, đêm ơi...”.
Vài nét về nhà văn Thu Hằng
Nhà văn Thu Hằng tên thật là Nguyễn Thu Hằng sinh năm 1964, tốt nghiệp Khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội 1985. Bà từng dạy ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, nhiều năm là biên tập viên báo Nhi đồng thuộc Trung ương Đoàn. Bà vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, là tác giả của 17 tập truyện ngắn đã phát hành. Hiện bà sống và sáng tác tại Hà Nội.
|
(Còn tiếp)
Lê Thị Lại Yên