Đề cử "Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần 17- 2024: Tầm nhìn từ hành trình "Bát cảnh Tây Hồ"

06:26 07/10/2024

Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ" là ý tưởng trong Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận đang được quận Tây Hồ dày công chuẩn bị từ việc nghiên cứu thực tế đến xây dựng các nội dung chi tiết.

Dù mới chỉ đang dừng lại ở ý tưởng "thai nghén", song đề xuất này đã cho thấy tầm nhìn của quận Tây Hồ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung.

Từ định hướng phát triển chiến lược

Ngày 10/1/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành các quyết định số 178/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ và quyết định số 02/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây. Trên cơ sở này, Ban quản lý Hồ Tây đã xây dựng Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận trong định hướng chiến lược phát triển quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Về tiến độ của đề án này, ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó trưởng ban Thường trực Ban quản lý Hồ Tây (quận Tây Hồ) cho biết: "Chúng tôi đã hoàn thiện tất cả các thủ tục liên quan đến mời thầu, đấu thầu và kết quả phê duyệt nhà thầu tư vấn đã có. Ngay từ tháng 10 này, chúng tôi xác định, trong thời gian làm việc với công suất và cường độ cao nhất, dự kiến trong khoảng 2 tháng, để có được một đề án hoàn thiện. Sau đó, chúng tôi sẽ trình lên UBND thành phố để xin ý kiến, cũng như báo cáo Thường trực Thành ủy để thông qua đề án này, và chuẩn bị cho các bước thực hiện trong thực tế".

Chú thích ảnh
Đền Đồng Cổ - nơi có đàn thề Đồng Cổ (một trong “Bát cảnh Tây Hồ”) vốn thuộc làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông (nay thuộc phường Bưởi, Tây Hồ). Ảnh: Trang thông tin điện tử Tây Hồ 360

Ông Quốc cũng cho biết, phạm vi của đề án có rất nhiều nội dung, trong đó có nội dung về đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ".

Ở đây, "Bát cảnh Tây Hồ" vốn là 8 thắng cảnh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các áng thơ văn và thư tịch cổ. Bao gồm: bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, tượng Phật say Thụy Chương, sâm cầm Hồ Tây, cánh đồng hoa Nghi Tàm, làng Khán Xuân, tiếng đàn Hành cung.

Trong thực tế, trải qua thời gian, đến nay "Bát cảnh Tây Hồ" đã thay đổi rất nhiều, có thắng cảnh hầu như không còn hiện hữu. Do đó, để hiện thực hóa ý tưởng phục dụng "Bát cảnh Tây Hồ", ông Nguyễn Hưng Quốc cho biết, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và các CLB những người yêu Hà Nội, người dân các làng nghề quanh Hồ Tây để có thông tin rõ ràng về dư địa chí của Hồ Tây, từ đó tập hợp và đưa vào đề án cho phù hợp và thuyết phục nhất.

Rõ ràng, đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ" là một ý tưởng độc đáo khi khai thác những giá trị văn hóa nổi bật của vùng đất Tây Hồ. Song, ý tưởng này cũng đặt ra nhiều vấn đề trước thực tế hầu hết các địa danh của bát cảnh đến nay chưa xác định được vị trí cụ thể. Chưa kể tới, tốc độ đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ có những tác động trực tiếp đối với không gian - cảnh quan của Hồ Tây hiện nay cũng là một vấn đề đáng lưu ý đối với việc hiện thực hóa ý tưởng này.

Từng bước hoàn thiện ý tưởng

Theo ông Nguyễn Hưng Quốc, trước mắt, đề án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi phê duyệt, các đơn vị chức năng chuyên môn của quận Tây Hồ sẽ coi đây là nhiệm vụ để triển khai trong thực tiễn.

Đối với những khó khăn, thách thức để hiện thực hóa đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ", ông Quốc cho biết, bộ phận xây dựng đề án cũng đã dự kiến một số phương án giải quyết trước mắt.

"Chúng ta có thể sử dụng không gian của các đền, đình, chùa,… trên địa bàn 8 phường của quận Tây Hồ để tái hiện những ký ức liên quan đến "Bát cảnh Tây Hồ". Nội dung lịch sử gắn với những thắng cảnh này có thể được hình tượng hóa thông qua các mẫu tượng, mô hình trưng bày để gợi nhớ ký ức. Về cơ bản, chúng tôi vẫn đang trong quá trình tập hợp, cập nhật những thông tin liên quan để từng bước hoàn thiện ý tưởng này" - ông Quốc chia sẻ.

Chú thích ảnh
“Bát cảnh Tây Hồ”

Cùng với đó, trong nội dung đề án đang được hoàn thiện này, quận Tây Hồ cũng đặc biệt chú trọng xây dựng các hạng mục công trình điểm nhấn gợi nhắc về những thắng cảnh xưa xung quanh Hồ Tây, trọng tâm hướng đến tạo dựng hành trình "Bát cảnh Tây Hồ" trong sự kết nối với các hạng mục không gian - cảnh quan khác của Hồ Tây.

Cụ thể, dự kiến quận Tây Hồ sẽ ưu tiên quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị phù hợp với tính chất của các tiểu vùng xung quanh Hồ Tây. Đây sẽ là những công trình chiếu sáng nghệ thuật với chủ đề cố định, là nơi thăm quan, check-in, tạo điểm nhấn để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch đêm tại khu vực Hồ Tây.

Ví dụ, ở vùng đô thị Kim Ngưu nằm ở bán đảo Quảng An và phía Đông của Hồ Tây dự kiến xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật khu vực bến trúc mờ sương với các cụm đèn đặt tại các hàng trúc được trồng ven hồ; chiếu sáng nghệ thuật khu vực sâm cầm Hồ Tây tạo hình từ đèn led với hình dáng chim sâm cầm. Trong khi đó ở tiểu vùng đô thị Tây Hồ nằm ở phía Đông Nam của Hồ Tây dự kiến sử dụng công nghệ 3D mapping để chiếu sáng nghệ thuật khu vực tiếng đàn Hành cung với hình ảnh tiên nữ đánh đàn, nhảy múa...

Phía Nam và Tây Nam của Hồ Tây dự kiến xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật "chòi vọng cảnh" với đèn led đặt tại khu vực thi đàn trông trăng. Cùng với đó, ở tiểu vùng này cũng sẽ xây dựng khu vực cổng chào đàn thề Đồng Cổ với hệ thống trang trí đèn lồng nhiều màu sắc, tạo không gian lung linh, huyền ảo. Khu vực ven hồ sẽ có hệ thống trang trí chiếu sáng đô thị bằng đèn led trên lan can với hoạ tiết trống đồng.

Điểm tựa của trầm tích văn hóa

Khách quan mà nói, từ ý tưởng đến thực tế đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ" sẽ còn là một hành trình dài. Thế nhưng, nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là một điểm nhấn trong phát triển văn hóa, du lịch của khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Mặt khác, ngay ở thời điểm chỉ mới là một ý tưởng sơ khai, đề xuất này đã thể hiện được khát vọng, tầm nhìn và tình yêu sâu sắc của những người xây dựng đề án đối với Hà Nội.

Chú thích ảnh
Lễ ra mắt Ban quản lý Hồ Tây vào ngày 31/1/2024

Như lời ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, trước tiên phải yêu mảnh đất này, rồi từ yêu mới trăn trở làm ra những ý tưởng khởi nguồn từ nền tảng văn hóa để bản sắc Hà Nội thêm giàu đẹp. Như trường hợp của đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ", đó cũng là ý tưởng xuất phát từ điểm tựa của những trầm tích văn hóa riêng có của vùng đất Tây Hồ. Hiện thực hóa được ý tưởng này sẽ có ý nghĩa để Hồ Tây trở thành là điểm đến, nơi đến của người dân cả nước, cũng như của du khách khi đến với Hà Nội.

"Chúng tôi đã xây dựng một đề án tổng thể và rất mong muốn đề án được thông qua để triển khai các nội dung ý tưởng trong thực tế. Tất nhiên, để triển khai được công việc này là cả một hành trình dài, phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố khác nhau như kinh tế, xã hội, chính sách, sự hỗ trợ của các ngành, đơn vị chức năng, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân" - ông Tịnh chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Định hướng phát triển của chúng tôi đối với đề án, ý tưởng này rất cụ thể và đơn giản. Đó là, để Hồ Tây - Tây Hồ trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước và trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Để tiếp cận 2 mục tiêu này, chúng tôi xác định có 4 vấn đề trụ cột cần quan tâm: một là, môi trường, cảnh quan phải sạch đẹp; hai là, tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa; ba là hướng đến con người và bốn là có quy hoạch phù hợp".

Danh sách đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024

(xếp theo thứ tự a, b, c)

 

  • ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN: Công bố tại Lễ trao giải
  •  

II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM (3 đề cử):

1. Cuốn sách Chuyến thăm Hà Nội của nhà văn người Mỹ Susan Sontag (Phan Xích Linh dịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2024)

2. Phim điện ảnh Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn (Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất)

3. Cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của Đào Thị Diến do NXB Hà Nội và Nhã Nam xuất bản

 

III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM (3 đề cử):

1. Dự án "Chuyện đình trong phố" do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cùng nhóm nghệ sĩ thực hiện

2. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề Dòng chảy do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức

3. Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV Going Home của nghệ sĩ saxophone Kenny G do báo Nhân dân và IB Group Việt Nam thực hiện

 

IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG (2 đề cử):

1. Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình "Bát cảnh Tây Hồ" của quận Tây Hồ

2. "Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận" do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023

Công Bắc

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự