Giải Cống hiến lần 18 - 2024: Các giải sẽ nghiêng nhiều về phía nghệ sĩ trẻ

08:08 22/03/2024

Giải Cống hiến 2024 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đang đi đến những bước cuối cùng để chọn ra những cái tên tiếp theo ghi danh vào bảng vàng của 18 mùa giải thưởng. Để có được Top 5 đề cử chính thức của Giải Âm nhạc Cống hiến, công chúng và Hội đồng bầu chọn ở Vòng đề cử đã có những quyết định không hề dễ dàng, bởi năm nay, các đề cử ở mỗi hạng mục có những màu sắc và sức hút riêng biệt.

Có thể nói, bên cạnh những tên tuổi gạo cội, Top 5 đề cử năm nay cho thấy sự "chiếm lĩnh" của những nghệ sĩ trẻ đang định hình cá tính cũng như đang định vị giá trị Việt Nam trong dòng chảy âm nhạc đại chúng. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo Ngô Bá Lục, thành viên Hội đồng bầu chọn, xoay quanh những nội dung này.

* Với 50 ứng viên trên 10 hạng mục, Top 5 đề cử Cống hiến đã cho thấy một bức tranh vô cùng phong phú, đa dạng của âm nhạc đại chúng năm vừa qua. Trước tiên, nhìn vào danh sách Top 5 ấy, anh nhận thấy điều gì?

- Trong 18 mùa Cống hiến, cá nhân tôi đã được đồng hành 16 năm. Và đây là một mùa giải có sự thay đổi cực kỳ ngoạn mục. Nếu như ở những mùa trước, sự tiếp nối giữa các thế hệ được thể hiện rất rõ, thì năm nay, nhìn vào Top 5 có thể thấy, chiếm hơn 90% là những người trẻ, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, trong đó quá bán là các bạn Gen Z! Thực sự họ chính là những người mà đang đại diện cho thị trường âm nhạc, đang chiếm lĩnh nền âm nhạc đại chúng.

Điều đó cho thấy rằng, Giải Cống hiến có sự thay đổi không chỉ là về fomat, hay các hạng mục mà ở đây là sự đánh giá của Ban tổ chức cũng như Hội đồng bầu chọn và khán giả. Họ lựa chọn những nghệ sĩ đương thời, đang có những thành tựu nổi bật nhất, đúng với tiêu chí của Giải Cống hiến, đó là những người làm âm nhạc đại chúng.

Chú thích ảnh
Nhà báo Ngô Bá Lục, thành viên Hội đồng bầu chọn Cống hiến

Cá nhân tôi là người mà theo dõi sát sao thị trường âm nhạc, nên luôn trân trọng những nghệ sĩ của thế hệ 8X, 9X trở về trước nhưng vẫn luôn luôn chào đón và cổ vũ những nghệ sĩ trẻ, bởi vì họ là những người tiếp cận với nền âm nhạc của thế giới để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ cách vận hành đến gu thẩm mỹ về âm nhạc.

Các nghệ sĩ trẻ hiện nay, đặc biệt là các nghệ sĩ Gen Z đã thực sự biết cách xây dựng cho mình hình ảnh, con đường âm nhạc phù hợp với văn hóa Việt Nam nhưng lại tiệm cận được với thế giới.

Trong Top 5 đề cử Cống hiến năm nay, khi nhìn vào những hạng mục như MV của năm, Bài hát của năm, Nhà sản xuất của năm, Nhạc sĩ của năm, hay Ca sĩ của năm, chúng ra dễ dàng thấy tất cả các yếu tố đó.

Theo sát đời sống âm nhạc, cũng là người luôn luôn ủng hộ các nghệ sĩ trẻ, anh nhận thấy sự định hình các tính âm nhạc của họ trong đời sống ngày hôm nay đã được thể hiện rõ ràng hay chưa và như thế nào?

- Thực ra thì các bạn trẻ bây giờ rất thông minh! Tôi ví dụ như những người có gu âm nhạc và tạo ra được thương hiệu riêng như DTAP. Đây là một nhóm các bạn trẻ luôn tiếp cận được với xu hướng của thế giới và biết khai thác chất truyền thống cùng những giá trị âm nhạc Việt Nam. Một ví dụ khác, chúng ta đã thấy, trong đời sống âm nhạc hiện nay, có những rapper rất trẻ, như tlinh chẳng hạn. Album ái mà tlinh giới thiệu trong năm vừa qua rất hiện đại, "rất tây"  và nó thể hiện đặc trưng, cá tính của của nữ nghệ sĩ này.

Bên cạnh đó, khi nhìn vào trường hợp của Hòa Minzy, chúng ta lại thấy những giá trị thuần Việt, nhưng đầy cuốn hút. Rõ ràng, các bạn ấy vẫn mang những nét đặc trưng của âm nhạc Việt Nam nhưng lại tạo ra nét riêng. Hòa Minzy cho chúng ta thấy một cô gái đầy năng lượng, mang nhiều âm sắc của Việt Nam. Trong tất cả những sản phẩm của cô ấy đều cho thấy, việc định hình phong cách âm nhạc được thực hiện rất rõ ràng.

Hoặc những trường hợp của Wren Evans hay HIEUTHUHAI, đó là những bạn trẻ định hình phong cách rất nhanh dựa trên nền tảng mạng xã hội, tinh hoa thế giới và văn hóa Việt Nam. Rõ ràng, những nghệ sĩ trẻ tiếp cận được những tinh hoa của thế giới và biết cách vận dụng phù hợp với văn hóa Việt Nam thì sẽ thành công.

* Các nghệ sĩ ngày nay đang có một cách định vị cá nhân cũng như định vị dân tộc từ câu chuyện âm nhạc của mình. Theo đánh giá của anh, những giá trị Việt Nam đã và đang được khai thác như thế nào?

- Câu chuyện của Double2T, một nghệ sĩ rap lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc thi âm nhạc, sau đó lọt ngay vào Top 5 đề cử Cống hiến là một trường hợp khá đặc biệt! Double2T được đề cử cả trong hạng mục Bài hát của năm (với À lôi, sáng tác: Bùi Xuân Trường; Thể hiện: Double2T ft Masew) và Nghệ sĩ mới của năm. Và Double2T chính là một ví dụ cực kỳ rõ nét trong việc sử dụng bản sắc Việt Nam trong những sáng tác của mình.

Có thể, Double2T chưa phải người rap hay nhất, nhưng bạn sẽ thành công bởi vì bạn biết vận dụng cái gì, chất liệu gì làm nên con người bạn, đó là sự riêng biệt. Tất cả những bài rap mà Double2T tham gia trong sân chơi Rap Việt thì đều thì đều sử dụng những âm sắc dân tộc miền núi phía Bắc làm chủ đạo. Nội dung của những bài hát này cũng không lấy câu chuyện tình yêu đôi, không phải là những tâm sự về lứa tuổi như các rapper khác, Double2T chọn sự cần cù lao động, bản lĩnh, sự lạc quan của người miền núi, mặc dù còn rất khó khăn nhưng họ vẫn vươn lên trong cuộc sống… và truyền cảm hứng tới hàng triệu, hàng triệu người đã nghe, đã yêu thích và bình chọn. À lôi - bài hát lọt vào Top 5 đề cử Bài hát của năm là ví dụ rất rõ.

Vậy ta có thể thấy gì ở đây? Trước đây, nhiều ca sĩ như Tùng Dương, Ngọc Khuê hay Hoàng Thùy Linh mới đây, rồi thì Hòa Minzy và bây giờ là Double2T…, họ là những người đã khai tác hiệu quả chất liệu dân gian và đã xây dựng chính xác con đường âm nhạc của mình bằng cái bản ngã vốn có, nhưng hơn hết nó phải phù hợp. Như Hòa Minzy là những nét rất Bắc Bộ, ví dụ như chèo, ví dụ như ca trù hoặc một trường hợp khác không góp mặt trong Cống hiến nhưng cũng có cách xây dựng hình ảnh tương tự là Hà Myo…

Thị trường âm nhạc hiện nay cho thấy có rất nhiều bạn trẻ đã sử dụng những giá trị âm nhạc truyền thống và lồng ghép vào đó hình ảnh cá nhân để tạo ra bản sắc riêng mình, từ đó định hình rõ hơn phong cách cá nhân, phong cách âm nhạc và giới thiệu văn hóa dân gian Việt Nam thông qua âm nhạc. Ngay cả thời trang đi cùng các nghệ sĩ này cũng trở thành một cách định vị rất rõ nét. Double2T luôn xuất hiện với những trang phục rất thời trang, rất hiện đại nhưng được thiết kế dựa trên chất liệu dân tộc… Điều đó tạo ra hình ảnh nhất quán về người nghệ sĩ mang giá trị kết nối với văn hóa truyền thống, với đương đại và với quốc tế.

* Từ những phân tích ấy, anh có thể đưa ra một vài dự đoán của mình?

- Tôi nghĩ rằng, năm nay là năm mà các bạn trẻ thực sự chiếm lĩnh, nên các giải thưởng sẽ nghiêng nhiều về phía nghệ sĩ trẻ! Đương nhiên, phân tích kỹ hơn ở các đề cử trong 10 hạng mục thì có thể thấy, tất cả các hạng mục khá đồng đều nhau và vì thế cuộc đua càng trở nên kịch tính.

Ở hạng mục Bài hát của năm, các đề cử đều là những bài hát triệu view vừa đảm bảo mặt chuyên môn, lại vừa đảm bảo tính đại chúng. Ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm, có những cái tên rất tài năng như Hà An Huy, Double2T…  Các hạng mục khác cũng tương tự. Từ Vòng tham khảo đề cử, tới Top 10 và tiếp theo là Top 5, mỗi đề cử đều phải thỏa mãn được tiêu chí của Giải Cống hiến là dựa trên 2 yếu tố "công luận" và "phát hiện" để làm cơ sở chính cho việc xét đề cử và bầu chọn (Những khám phá sáng tạo có thể được đông đảo công chúng biết đến (yếu tố công luận) hoặc cũng có thể chưa được đông đảo công chúng biết đến, nhưng nó thật sự là những khám phá sáng tạo thiết thực (yếu tố phát hiện).

Và chính vì thế, dù là đề cử nào đoạt giải thì tôi cho rằng cũng rất xứng đáng. Bởi vì sức lan tỏa của họ rất là lớn trong công chúng. Và tôi nghĩ rằng, cho dù các bạn có đoạt giải hay không thì lọt vào Top 5 đề cử đã là một sự ghi nhận rất là lớn của công chúng cũng như giới chuyên môn.

* Xin cảm ơn anh!

"Cá nhân tôi luôn trân trọng những nghệ sĩ của thế hệ 8X, 9X trở về trước nhưng vẫn luôn luôn cổ vũ những nghệ sĩ trẻ, bởi họ là những người tiếp cận với nền âm nhạc của thế giới để bắt kịp với xu hướng, từ cách vận hành đến gu thẩm mỹ về âm nhạc" - nhà báo Ngô Bá Lục.
Lễ trao giải Cống hiến lần 18 - 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 27/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội do nhạc sĩ Lưu Quang Minh làm giám đốc âm nhạc với sự dẫn dắt của MC Phí Linh và BLV Trương Anh Ngọc.

Yên Khương (thực hiện)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự