Rằm tháng Tám là Tết Trung thu - một ngày Tết dành riêng cho trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng. Tết Trung thu cũng được biết đến với tên gọi Tết Đoàn viên.
Chiều 7/9 tại Cung văn hoá Thiếu Nhi Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm “Tết Trung thu cổ truyền - gìn giữ, phát huy và lan toả” với mong muốn những giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền ngày càng được thế hệ trẻ biết đến và gìn giữ.
Nguồn gốc Tết Trung thu
Về nguồn gốc của Tết Trung thu, sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), của tác giả Bùi Xuân Đính ghi: Ở Việt Nam theo tài liệu ghi lại, tết Trung thu là ngày vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Trong văn hóa Trung Hoa có sự tích về Dương Quý phi (Dương Ngọc Hoàn), người có nhan sắc khuynh thành, được Đường Huyền Tông sủng ái. Tuy nhiên, triều thần cho rằng do vua quá say đắm nàng mà bỏ bê triều chính, nên đã ép vua ban cái chết cho nàng.
Sau khi Dương Quý phi mất, vua nhớ thương da diết. Cảm động trước tình cảm này, các nàng tiên đã quyết định đưa vua lên trời gặp lại Dương Quý phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Sau khi trở về trần gian, vua lấy ngày rằm tháng Tám để tưởng nhớ nàng phi của mình.
Sách Tìm hiểu các ngày lễ tết trong năm (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, năm 2016), tác giả Bùi Sao có nhắc tới chuyện về chú Cuội và Hằng Nga, người cai quản cung trăng. Hằng Nga là người thích chơi đùa, ham mê cảnh đẹp nên thường xuyên xuống trần gian chơi. Vào ngày rằm tháng Tám nọ Ngọc Hoàng mở cuộc thi làm bánh, ai thắng cuộc sẽ được thực hiện bất kỳ điều gì theo mong muốn.
Hằng nga bắt tay làm bánh theo sự chỉ dạy của chú Cuội, khi chiếc bánh nướng lên có mùi thơm phức, vị ngon đặc biệt, nên đã được Ngọc Hoàng chấm giải nhất. Ngọc Hoàng đặt cho bánh tên gọi là bánh Trung thu, Hằng Nga được ban điều ước, nàng đã ước rằng mỗi năm đến ngày rằm tháng Tám sẽ được cùng chú Cuội xuống trần gian để vui chơi thỏa thích. Ngọc Hoàng chấp thuận và đặt tên cho ngày rằm tháng Tám là tết Trung thu.
Ngoài ra còn có chuyện khác kể rằng vào đêm rằm tháng Tám âm lịch, gió mát trăng thanh, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi vườn Ngự Uyển. Nhà vua đang say mê thưởng thức cảnh đẹp thì được đạo sĩ La Công Viễn dùng phép tiên đưa lên cung trăng.
Ở đó cảnh trí vô cùng đẹp đẽ, tiếng đàn hát du dương, ánh sáng huyền diệu, các nàng tiên múa hát trong những bộ xiêm y đủ màu sắc. Nhà vua say mê đến mức quên cả thời gian, gần sắc đạo sĩ nhắc thì nhà vua mới ra về trong niềm luyến tiếc. Về tới trần gian nhà vua cho chế khúc Nghê Thường Vũ Y, cứ đến đêm rằm tháng Tám lại mở tiệc ăn mừng, nghe nhạc, đọc thơ và thưởng nguyệt.
Tên gọi Tết Trung thu
Người Việt sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ Tết Trung thu, mỗi tên đều gắn với những ý nghĩa biểu tượng khác nhau.
Tết rằm tháng Tám: Đây là cách sử dụng ngày để làm tên gọi của tết, tết diễn ra vào ngày rằm của tháng Tám âm lịch.
Tết Trung thu: Thời gian diễn ra tết vào giữa mùa thu.
Tết trông Trăng: Người ta sử dụng hành động biểu tượng trong buổi tối của ngày tết là trông trăng để gọi cho dịp tết này.
Tết Đoàn viên: Vào dịp tết này người thân đi xa thường về nhà để thăm nom cha mẹ, cùng nhau uống trà và thưởng trăng.
Tết Thiếu nhi: Người Việt quan niệm đây là ngày tết dành cho thiếu nhi.
Phong tục Tết Trung thu
Tết Trung thu là nơi mà mỗi thành viên trong gia đình có dịp quây quần đoàn tụ bên nhau. Mỗi đứa trẻ lớn lên đều mang trong mình hành trang là những "mùa trăng rằm" được phá cỗ bên gia đình, bạn bè, được rước đèn ông sao, được ăn bánh trung thu và nghe những câu chuyện của ông bà, bố, mẹ. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này và đây cũng là dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương với con trẻ.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá...
Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ... những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ…
- Múa Sư tử múa Lân
Người Việt tổ chức Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà.
Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu Lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu Lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của Lân. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu Lân... Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.
- Bánh trung thu
Bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và những người thân đã khuất vào mỗi mùa trung thu.
Ăn bánh trung thu cũng là nội dung quan trọng của Tết Trung thu. Thông thường bánh trung thu có hai loại, bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.
Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh. Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp. Bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng...
Bảo Anh (tổng hợp)