Ca khúc 'You Can’t Always Get What You Want': Anh không thể luôn có thứ mình muốn!

19:09 05/07/2020

(Thethaovanhoa.vn) - You Can’t Always Get What You Want (Anh không thể luôn có thứ mình muốn) là ca khúc nằm trong album năm 1969 Let It Bleed của nhóm nhạc rock huyền thoại The Rolling Stones. Được Mick Jagger và Keith Richards sáng tác, khi ra đời, nó là ca khúc kết thúc thập kỷ rớm máu và sau nhiều năm, được xếp thứ 100 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Rolling Stone bình chọn năm 2004.

The Rolling Stones phát hành album tuyển hợp

The Rolling Stones phát hành album tuyển hợp

Nhóm nhạc rock Anh huyền thoại The Rolling Stones đã khiến người hâm mộ vô cùng hứng khởi khi hôm 4/9, họ thông báo sẽ phát hành album tuyển hợp các ca khúc ăn khách nhất nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập ban nhạc.

Sau hơn nửa thế kỷ ra mắt, You Can’t Always Get What You Want vẫn là ca khúc thường xuyên được nhắc tới không chỉ bởi tính kinh điển của nó, mà còn bởi nó là cú khai hỏa nhằm vào vấn nạn lạm dụng các tác phẩm âm nhạc vì mục đích chính trị.

Hoàng hôn của những thần tượng

Chính xác là vào tháng 12 của 50 năm trước, The Rolling Stones quyết định củng cố công cuộc tái sinh nhạc blues mà họ đã bắt đầu từ album Beggars Banquet với album mới Let It Bleed. Đây là album đánh dấu bước chuyển mình của nhóm, với trưởng nhóm Brian Jones, do nghiện ngập mụ người, nên chỉ chơi một vài bài và phần còn lại bị thay thế bởi Mick Taylor. Bất chấp những bất ổn trong nhóm, đây vẫn là album khiến Mick Jagger và Keith Richards hài lòng, với sự giúp sức của nhiều khách mời ngôi sao.

Tuy vậy, sự hỗn loạn vẫn hiện lên rõ nét trong album, bắt đầu từ ca khúc Gimme Shelter rồi nối tiếp là những bản dữ dội, căng như dây đàn như Live With Me, Midnight RamblerMonkey Man. Ca khúc cuối cùng, You Can’t Always Get What You Want, trong nỗ lực hợp lý hóa tất cả, hóa ra lại mơ hồ, nếu không muốn nói là hơn, thì cũng chẳng kém những ca khúc trước.

Đáng chú ý là ca khúc ra đời đúng vào cuối thập niên, thời điểm Chủ nghĩa lý tưởng của giới trẻ đang đi tới đoạn kết trong thất vọng và vỡ mộng. Mick Jagger là tác giả chính của ca khúc, và nếu ông từng nỗ lực thâu tóm hệ tư tưởng của thời đại thì, còn xa mới chạm tới đó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng You Can’t Always Get What You Want là anh em với những ca khúc đình đám như Bridge Over Troubled Water hay Let It Be khi đều là liều thuốc xoa dịu những trái tim và tâm hồn rỉ máu.

Chú thích ảnh
Sau nhiều năm kiên trì phản đối, The Stones cuối cùng cũng có điều họ cần

Vì ca khúc nằm phần cuối của album, The Rolling Stones quyết định sẽ rút toàn bộ các điểm dừng, bắt đầu bằng một bản phối cảm động, đoạn điệp khúc và phiên khúc do dàn hợp xướng London Bach thể hiện. Sau tiếng kèn cor than thở của Al Kooper, Jagger đơn độc xuất hiện và lặp lại đoạn mở đầu của dàn hợp xướng. Sự tương phản giữa 2 lần càng làm tăng vẻ cô đơn trong giọng hát của ông. Nhưng The Rolling Stones không để nó rơi vào âu sầu quá lâu, thế nên, ngay sau đó, khán giả được thấy cơn bùng nổ trong tiếng trống của Jimmy Miller cùng tiếng tambourine, congas và maracas của Rocky Dijon.

Về mặt nội dung, như đã nói, ca khúc rất mơ hồ với hàng loạt hình ảnh: Một cô gái đang làm màu để thu hút sự chú ý một anh chàng phóng khoáng, một cuộc biểu tình nơi trút giận của đám đông, một anh chàng Jimmy ốm yếu như nạn nhân của thập kỷ với phát ngôn đầy chết chóc, cô gái ban đầu trở lại nhưng đã gỡ mặt nạ thân thiện. Vượt lên trên, đó là chân lý được lặp đi lặp lại ở cuối mỗi hình ảnh trong điệp khúc: “Anh không thể luôn có thứ mình muốn/ Nhưng đôi khi, nếu anh thử, anh có thể tìm thấy thứ mình cần”.

Thật vậy, con người với bản chất vị kỷ vô biên, luôn muốn hái sao trên trời (như Rhett Butler từng nói với Scarlett O’Hara) mà nhiều khi, chẳng thu được gì ngoài những mất mát. Không chỉ như nhiều bạn trẻ trước Chủ nghĩa lý tưởng vào cuối thập niên 1960, đây có lẽ là vấn nạn muôn đời. Chỉ khi vỡ mộng, người ta mới thấy thứ mình cần, chứ không phải muốn.

The Rolling Stone phản đối ông Donald Trump sử dụng ca khúc này

Có lẽ vì nhiều lý do như thông điệp hấp dẫn, nhạc bắt tai và tính chất lịch sử của của You Can’t Always Get What You Want mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt yêu thích nó, bất chấp thực tế là nó tới từ một ban nhạc Anh.

Ông Trump đã bật ca khúc ngay khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016. Không những thế, khi kết thúc phát biểu nhậm chức được phát trên truyền hình quốc gia, ông Trump cũng bật You Can’t Aways Get What You Want. Và tới tận gần đây, khi gần hết nhiệm kỳ, ông vẫn “trung thành” với ca khúc kinh điển này.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “You Can’t Always Get What You Want” của The Rolling Stones, phát hành năm 1969

Tình cảm bền bỉ và đặc biệt của ông Trump lại không được The Rolling Stones đón nhận. Nhóm đã liên tục phản đối, yêu cầu ông Trump lập tức ngừng sử dụng các ca khúc của họ. Theo Jagger, nhóm coi việc sử dụng ca khúc để kết thúc các bài phát biểu của ông Trump tại các cuộc mít-tinh là điều “quái đản”, vì nó là “bản ballad chán chường về nghiện ngập ở Chelsea”.

Tuy nhiên, bất chấp mọi phản đối, ông Trump vẫn thường xuyên dùng ca khúc như một khẩu hiệu. Lý do là bởi chiến dịch của ông đã có giấy phép chung từ Cục tác quyền biểu diễn ASCAP, cho phép họ khai thác ca khúc. Vì giấy phép này, nhiều nghệ sĩ chỉ còn nước ngậm đắng nuốt cay - điển hình như Neil Young - còn ông Trump luôn có điều mình muốn, ít nhất là cho tới gần đây.

Nhưng cũng từ năm 2016, các chuyên gia cũng đã nhận định rằng The Rolling Stones là trường hợp đặc biệt, có khả năng kiện ông Trump thành công.

Tất cả bắt đầu từ năm 2013, khi Flo & Eddie của ban nhạc The Turtles đệ đơn kiện về bản quyền với tiền đề táo bạo: Họ đề xuất rằng luật bản quyền liên bang chỉ áp dụng với các bản thu sau năm 1972 còn trước đó, luật tiểu bang đứng ra bảo vệ quyền tác giả. Luật liên bang có thể không cung cấp cho người sở hữu quyền phát bản thu nơi công cộng nhưng luật tiểu bang thì có lẽ có. Một giấy phép ASCAP cho phép biểu diễn ca khúc nơi cộng cộng nhưng không phải là phát bản thu. Một bản thu trước năm 1972 như You Can’t Always Get What You Want do đó có thể cần cấp phép đặc biệt để phát nơi công cộng. Bất cứ ai sở hữu bản quyền ca khúc - dù là The Rolling Stones hay hãng đĩa - đều có thể theo đuổi vụ kiện về hành vi chiếm đoạt.

Chiến dịch của ông Trump còn dùng rất nhiều ca khúc thu âm trước năm 1972 như Happy Together (1967) của The Turtles hay Here Comes the Sun (1969) của George Harrison nhưng những chủ sở hữu này không thể kiện vì các ca khúc đều do ban nhạc chơi lại chứ không phải phát từ bản thu như You Can’t Always Get What You Want.

Tuy vậy, sau nhiều năm kiên trì phản đối, cũng phải tới gần đây, The Rolling Stones mới có điều họ cần. Hôm 26/6 vừa qua, sau khi ông Trump một lần nữa phát You Can’t Always Get What You Want khi rời bục phát biểu, đại diện của nhóm đã thông báo rằng đội ngũ pháp lý đang làm việc với Tổ chức quyền biểu diễn BMI để giám sát việc sử dụng tác phẩm của họ nơi công cộng, tránh để chúng bị dùng vào mục đích chính trị.

Tổ chức quyền biểu diễn BMI cũng cho biết chiến dịch của ông Trump có giấy phép cho phép biểu diễn nơi công cộng hơn 15 triệu tác phẩm âm nhạc trong danh mục của BMI ở bất cứ nơi nào diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, có một điều khoản cho phép BMI loại trừ tác phẩm khỏi giấy phép trong trường hợp nhạc sĩ hoặc đơn vị xuất bản phản đối việc sử dụng nó trong một chiến dịch. BMI hiện đã gửi thông báo tới chiến dịch của ông Trump, yêu cầu ngừng phát nhạc The Rolling Stones.

Nếu ông Trump vẫn tiếp tục phát You Can’t Always Get What You Want, The Stones đe dọa sẽ kiện ra tòa. Và nếu họ thắng, thì sẽ tạo tiền lệ quan trọng trong quyền sử dụng âm nhạc với mục đích chính trị trong tương lai. Ngay cả là tổng thống có lẽ cũng không thể luôn có thứ mình muốn!

Nếu nhạc sĩ hoặc đơn vị xuất bản phản đối…

Tổ chức quyền biểu diễn BMI cho biết chiến dịch của ông Trump có giấy phép cho phép biểu diễn nơi công cộng hơn 15 triệu tác phẩm âm nhạc trong danh mục của BMI ở bất cứ nơi nào diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, có một điều khoản cho phép BMI loại trừ tác phẩm khỏi giấy phép trong trường hợp nhạc sĩ hoặc đơn vị xuất bản phản đối việc sử dụng nó trong một chiến dịch.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự