Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008

14:02:00 19/08/2010

Năm 2008, trong Lễ ra mắt Giải thưởng, do chưa có điều kiện xét Giải chính thức, nên Hội đồng Giám khảo  quyết định sẽ trao 5 Tặng thưởng cho 5 tác phẩm và công trình. Ngày 22/11/2008, các tác phẩm được trao Tặng thưởng này đã mắt công chúng thủ đô trong một cuộc trưng bày tổng hợp tại tại Nhà Triển lãm 45- Tràng Tiền, Hà Nội. Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 28/11/2008.


                        Các tác giả lên nhận Tặng thưởngnăm 2008
   
1. Bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập về triều Trần: “Bão táp cung đình", “Thăng Long nổi giận", “Huyền Trân công chúa" và “Vương triều sụp đổ"  của nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI.

 Được trao Tặng thưởng vì: Đã tái hiện được những giai đoạn mấu chốt đẹp đẽ và hào hùng về một triều đại có công rất lớn với dân tộc trong suốt 175 năm lịch sử, với tình yêu con người và mảnh đất Thăng Long – Hà Nội sâu sắc của tác giả.   


2. Dự án chỉnh trị lòng sông Hồng đoạn qua Hà Nội và Thành phố Sông Hồng, của họa sĩ VĂN THƠ, bao gồm việc nắn lại đê, kè bê tông 2 bờ và xung quanh Bãi Giữa, tạo ra một quỹ đất dành cho việc xây dựng mới một Thành phố bên sông và giữa sông gọi là Thành phố Sông Hồng, nối vào bờ bằng các cầu ( Đã đăng ký bản quyền từ 2006 ).
  
 Được trao Tặng thưởng vì: Tính sắc sảo và lãng mạn của Dự án, kết hợp với những tính toán khoa học cụ thể, táo bạo, có tính khả thi, xuất phát từ khát vọng muốn làm đẹp cho Hà Nội và đổi mới bộ mặt đô thị của Hà Nội tương lai.

3. Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng của nghệ sĩ NGUYỄN THU THỦY và nhóm cộng sự, với dự kiến sẽ làm một dải tranh gốm khổng lồ trải dọc theo đê Hà Nội, dài suốt 6 km ven sông Hồng từ An Dương xuống đến Phà Đen, chia làm 4 phần: Phần tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông; phần tranh gốm đương đại của họa sĩ Việt Nam và quốc tế; phần tranh gốm dựa trên chất liệu dân gian các làng nghề nổi tiếng cả nước; và phần tranh thiếu nhi đắp thành gốm thể hiện chủ đề Hà Nội – Thành phố vì hòa bình .

Được trao Tặng thưởng vì: Ý tưởng mới mẻ và độc đáo, muốn tạo ra một cảnh quan mới vừa thơ mộng vừa hiện thực, biết làm đẹp không gian sống thường ngày bằng một không gian nghệ thuật huyền ảo và dân dã, hoàn toàn khả thi.



4. Vở cải lương “Cung phi Điểm Bích" của Nhà hát Cải lương Việt Nam (tác giả kịch bản: HOÀNG CÔNG KHANH; đạo diễn: QUỲNH MAI; cùng các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát).

Được trao tặng thưởng vì: Thể hiện xuất sắc phẩm chất tinh thần cao cả, luôn hướng tới lý tưởng và giữ gìn đạo đức trong trẻo của con người, vượt qua mọi thử thách và cám dỗ vật dục tầm thường, tiêu chí thiêng liêng của giới trí thức thời Lý – Trần.


5. Phác thảo bức tranh khổng lồ “Hà Nội chiến lũy và hoa “ của họa sĩ DOÃN SƠN, thuộc thể loại tranh hoành tráng lịch sử, khổ 2,15 x 9,3m.
    

Với cách diễn tả theo từng mảng đa diện nhưng cô đọng, tác giả đã tái hiện được những hình ảnh không thể nào quên của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946, với những giao thông hào, trận chiến giá lá cà trong phố, với hình ảnh những chiến sĩ tự vệ, em bé giao liên,cô gái tiếpt ế mang cả hoa vào chiến lũy, những giây phút cảm động giữa 2 trận đánh...

 Tác phẩm được trao Tặng thưởng vì: Đã diễn tả được lòng yêu Hà Nội cụ thể và chi chút, cảm động và hào hoa trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng nhất, đồng thời biết nâng lên thành tấm lòng tri ân với quá khứ anh hùng, với những lớp người bất tử của Thủ đô.                                                 
                    
                                                      Hà Nội ngày 31/08/2008
                                          HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO GIẢI THƯỞNG


Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)