Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Chiều nay, trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội"

07:54:00 31/08/2011

(TT&VH) - Vào lúc 14h30 chiều nay (31/8) tại trụ sở TTXVN, 79 Lý Thường Kiệt, HN, Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2011 sẽ chính thức được trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có ý nghĩa tôn vinh Hà Nội và được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh. Trọng tâm của lễ trao giải chính là hạng mục Giải thưởng Lớn. Tiếp theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), tác giả nào sẽ giành giải thưởng quan trọng nhất của giải thưởng năm nay?

Mời bạn đọc truy cập website Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội bấm vào đây.

Trước tiên phải nhấn mạnh lại là Giải thưởng vốn không phải là kết quả chấm thưởng trao cho một cuộc thi gồm các bài có sẵn gửi đến BTC, mà theo đúng quy chế xác lập từ ban đầu, là tập hợp các đề cử vô tư, hết sức rộng rãi, từ những người sáng lập ra Quỹ Bùi Xuân Phái, cho đến các thành viên BTC và HĐGK của giải, cũng như của tất cả công chúng, của mọi người yêu Hà Nội. Ai cũng có quyền bình đẳng đề cử những tác giả, tác phẩm, ý tưởng và hoạt động - việc làm thể hiện một tình yêu Hà Nội, mà mình xét thấy là xứng đáng. Trên cơ sở những đề cử rộng rãi đó, HĐGK sẽ tập hợp lại, nghiên cứu, thảo luận, trao đổi dân chủ và thẳng thắn, cân nhắc toàn diện và công tâm, để tiến tới định giải theo các tiêu chí đã được đề ra trong Quy chế giải thưởng đã được công bố.

Năm nay, hẳn nhiều người sẽ có chút băn khoăn khi nhìn vào danh sách đề cử, khi chỉ thấy mỗi đề cử GS-NGND Phan Huy Lê?! Trong giải thưởng năm ngoái, ông là người đã đại diện cho nhóm các tác giả và chuyên gia nhận giải Việc làm -Vì tình yêu Hà Nội vì “đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được hồ sơ đề cử, để khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Thật ra, BTC đã có nhiều dự kiến đề cử cho hạng mục giải này. Song, sau khi cân nhắc toàn diện, bám sát theo tiêu chí của Giải thưởng Lớn - giải dành cho tác giả có nhiều gắn bó với Hà Nội trong cả sự nghiệp của mình thể hiện qua các tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có tác động xã hội rộng rãi, được dư luận biết đến như một biểu tượng của Hà Nội, thì nhiều dự kiến đề cử (xin không nêu tên) vẫn còn non so với tiêu chí hoặc chưa thật sự phù hợp.

Vì vậy, HĐGK đã đi đến quyết định chỉ để mình tên của GS - NGND Phan Huy Lê trong danh sách đề cử chính thức vì xét thấy, ông đáp ứng được xuất sắc các tiêu chí đề ra đối với Giải thưởng Lớn.

GS Phan Huy Lê được đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Trong ảnh là GS Phan Huy Lê tại Lễ trao giải năm ngoái

GS, NGND Phan Huy Lê là chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam. Ông đã dành nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử Hà Nội xưa và nay. Ông là chủ biên hồ sơ đăng ký di sản thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời đóng góp công sức vào hồ sơ Lễ hội Phù Đổng, Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Giáo sư Phan Huy Lê còn chủ trì nhiều Hội thảo lớn về Thăng Long - Hà Nội, đã chủ biên hoặc viết 36 công trình nghiên cứu về Hà Nội, trong đó có việc chủ biên các cuốn Bách khoa thư Hà Nội, (tập I - Lịch sử Hà Nội 2010), Địa bạ cổ Hà Nội (2 tập, Nxb Hà Nội 2010).

Ngoài ra, GS Phan Huy Lê còn viết nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân Hà Nội, đào tạo, tập huấn nhiều cán bộ sở ngành về các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học của Thủ đô. Gần đây, với việc phát hiện di vật khảo cổ của đoạn thành cổ trong khi thi công đường Hoàng Hoa Thám, một lần nữa GS Phan Huy Lê cùng các nhà khoa học lại lên tiếng bảo vệ và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và thu thập các di vật thời Lý, Trần, Lê... Theo sử liệu thì đây là đoạn thành cổ còn lại duy nhất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long - Hà Nội.

Danh sách các tham luận khoa học, các tác phẩm, công trình về Hà Nội của GS Phan Huy Lê, TT&VH sẽ tiếp tục cập nhật trên các số báo sau. Với những sự gắn bó đó, và lại là ứng cử viên duy nhất, liệu GS-NGND Phan Huy Lê có được ghi danh vào “bảng vàng” các tác giả tiêu biểu “Vì tình yêu Hà Nội”? Kết quả vẫn còn được “niêm phong” cho đến phút cuối. Chỉ biết rằng cũng như năm ngoái, BTC lấy làm tiếc vì không có dịp được biểu dương và tôn vinh các ứng cử viên khác - đành hẹn lại năm sau, vì theo Quy chế đề ra, mỗi năm chỉ chọn duy nhất một Giải thưởng Lớn để trao cho tác giả “yêu Hà Nội nhất” bằng cả sự nghiệp của mình!.

Phạm Nguyễn

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)