“Việc cần thiết lập một công viên tại bãi giữa sông Hồng từng được nhắc tới từ rất lâu, nhưng vẫn bế tắc vì quá nhiều trở ngại. Còn bây giờ, những gì đang diễn ra cho thấy một tín hiệu rất đáng mừng: Chúng ta đang nỗ lực để khắc phục một món nợ đeo đẳng từ quá khứ” - nhà sử học Dương Trung Quốc, giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nhận xét.
Cuối tuần qua, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15-2022 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã công bố Danh sách đề cử của giải năm nay.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Đơn vị này đang đặt mục tiêu phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành một quần thể công viên văn hóa - du lịch của Thủ đô.
Tìm “mặt tiền” mới cho trung tâm Hà Nội
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi Hà Nội quyết định Quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 2 năm nay, địa phương này đã tổ chức họp bàn với các quận liền kề để cùng nghiên cứu và đề xuất giải pháp triển khai bản quy hoạch này trên địa bàn các quận trung tâm.
“Trên chiều dài 40km chảy qua Hà Nội của sông Hồng, đoạn đi qua quận Hoàn Kiếm, khu vực trung tâm của trung tâm, có chiều dài 4km. Đặc biệt, khu vực này lại có cầu Chương Dương và cầu Long Biên lịch sử, chưa kể cầu Trần Hưng Đạo đã được quy hoạch xây dựng” - ông Long cho biết - “Như vậy, đây là một trong những đoạn quan trọng nhất của sông Hồng tại địa phận Hà Nội. Và việc cải tạo chỉnh trang phần bãi bồi và bãi giữa sông Hồng là rất cần thiết để phát huy giá trị của cây xanh, cảnh quan mặt nước ở không gian này”.
Theo lời ông Long, ý tưởng của quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự đồng tình và thống nhất từ những quận liền kề. Hiện tại, các đơn vị này đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lên kế hoạch thu thập số liệu hiện trạng, điều tra cơ bản để tổng hợp và xây dựng nhiệm vụ thiết kế đồ án.
Những ý tưởng ban đầu của đồ án này gắn với việc tạo dựng một quần thể không gian du lịch văn hóa lịch sử trên bãi bồi và bãi giữa sông Hồng. Cụ thể, khu vực bãi giữa có thể tổ chức không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, cho phép vừa trồng cây ngắn ngày vừa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, hưởng thụ các giá trị nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ngoài ra, các khu chức năng dành cho không gian sáng tạo, sân chơi thể thao, trượt cỏ, câu cá, tham quan mặt nước sông Hồng… cũng được tính đến.
Trong khi đó, khu vực bãi bồi ven sông sẽ là nơi tổ chức không gian cây xanh, khu chức năng trồng hoa và cây ngắn ngày, các không gian sáng tạo, không gian sinh hoạt cộng đồng gắn với mặt nước.
Về phần kết nối, việc tiếp cận khu vực này theo các hướng tiếp cận từ trên cao (qua các cây cầu), đường sông, đường bộ và hệ thống giao thông nội bộ, đường dạo… đã được tính đến. Các mảng không gian cây xanh, tiểu cảnh gắn với cảnh quan thiên nhiên, bãi tắm gắn với mặt sông… cũng sẽ được thiết lập.
“Cơ sở nền tảng trong cách tiếp cận của chúng tôi là hạn chế tối đa các tác động kỹ thuật và xây dựng tại khu vực này, đồng thời ưu tiên việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi tường. Những không gian được thiết lập sẽ gắn với nguyên tắc tôn trọng và thuận theo tự nhiên để đưa ra các giải pháp thích ứng với điều kiện địa chất và thủy văn” - ông Phạm Tuấn Long cho biết thêm - “Đồng thời, tùy thuộc điều kiện kinh tế, các hạng mục triển khai sẽ được linh hoạt lựa chọn theo từng thời điểm thích hợp”.
Ngoài ra, cũng theo ông Long, để triển khai đề án này, các bên liên quan sẽ cùng nghiên cứu đề xuất đổi mới phương thức quản lý bãi bồi và bãi giữa sông Hồng nhằm chống tái lấn chiếm và cải tạo hạ tầng kĩ thuật, đặc biệt là giải quyết tận gốc việc đổ xả nước thải ra sông Hồng như hiện nay.
Những bước đi đầu tiên
Trước khi có đề xuất mang tính tổng thể của quận Hoàn Kiếm, một số dự án đơn lẻ cũng được cộng đồng và các cơ quan tiến hành với mục đích cải tạo phần bãi bồi sông Hồng. Điển hình, năm 2020, một số nghệ sĩ đã cùng quận Hoàn Kiếm tổ chức dự án Con đường nghệ thuật Phúc Tân, qua đó biến một đoạn bãi rác ven bờ sông thành không gian công cộng gắn với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Hoặc, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, một đoạn bờ sông Hồng tại phường Phúc Tân cũng được “xanh hóa” và cải tạo thành sân chơi, vườn rừng theo một dự án do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cùng các cấp chính quyền, một số tổ chức xã hội và người dân chung tay thực hiện.Đây có thể coi là những bước đi đầu tiên để thực hiện ý tưởng quy hoạch bãi giữa và bãi bồi sông Hồng.
|
Chờ thực thi “giấc mơ đẹp”
Thực tế, khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu thuộc các phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích của khu vực này không cố định mà phụ thuộc vào mức nước lên xuống trong các mùa mưa lũ hàng năm. Riêng phần bãi giữa có diện tích khoảng 23 hecta, phân bổ trên địa giới của các phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Hiện tại, khu vực bãi bồi ven sông Hồng có nhiều khu vực bị bỏ hoang - trong khi một số nơi lại bị lấn chiếm với nhiều công trình tạm bợ và rác thải. Trong khi đó, phần đất bãi giữa chủ yếu là nơi canh tác của nhiều hộ dân.
Như phân tích của nhiều chuyên gia, cột mốc dẫn tới việc không gian đặc biệt này bị “bỏ quên” diễn ra từ hơn một thế kỷ trước, khi người Pháp bắt đầu cho đắp cao tuyến đê chạy dọc sông Hồng sau trận lụt lớn năm 1915. Bị ngăn cách với mặt sông, theo thời gian, những hạn chế về điều kiện kinh tế, đầu tư hạ tầng - và cả tư duy quản lý đô thị - đã khiến khu vực này phát triển một cách lộn xộn và nhem nhuốc như hiện tại.
Bởi thế, tiếp sau việc công bố quy hoạch phân khu sông Hồng của thành phố Hà Nội, đề xuất biến bãi giữa và bãi bồi ven sông thành công viên du lịch văn hóa đã nhận được sự quan tâm lớn từ các chuyên gia. Đặc biệt, ý tưởng ưu tiên dành không gian này vào mục đích sinh thái, thuận theo tự nhiên - thay vì xây dựng những công trình lớn - của quận Hoàn Kiếm được xem là phù hợp với bối cảnh đô thị hiện tại.
“Không bị kè cứng hay bê tông hóa mà được phủ lên bằng những mảng xanh tự nhiên, không đô thị hóa bằng những công trình lèn chặt 2 bờ nhưng vẫn có sự chăm chút để giữ gìn môi trường và cảnh quan, sông Hồng sẽ dần trở thành một dòng sông chảy lững thững giữa thành phố trên nền thiên nhiên hiền hòa của nó” - GS-KTS Hoàng Đạo Kính, giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nhận xét về ý tưởng này.
GS Hoàng Đạo Kính phân tích thêm: “Làm được như vậy, Hà Nội sẽ là thành phố có sự xen cài cộng sinh giữa những phần đô thị hóa “cứng” đang phát triển với những phần đô thị hóa “mềm” ở sông Hồng và bãi giữa. Nơi đó, có không gian của cây xanh mặt nước, có dáng dấp của những công viên được chăm sóc tốt - nhưng là những công viên tự nhiên, nơi con sông thở, đất thở và con người cũng muốn bước tới đó để hít thở và tìm kiếm sự tự do, khoan thai cho mình”.
Theo ông Phạm Tuấn Long, việc xây dựng, cải tạo bãi bồi và bãi giữa sông Hồng là một dự án phức hợp, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nên rất cần sự nghiên cứu kĩ lưỡng, cũng như những tham vấn của các chuyên gia. “Thẳng thắn, đây là đồ án khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới có thể hoàn thành. Ngoài ra, dự án cũng cần có hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành - đặc biệt là ngành thủy lợi - và cũng cần nguồn lực rất lớn từ xã hội. Chúng tôi hy vọng các cơ quan và cộng đồng người dân cùng ủng hộ để dự án có thể từng bước trở thành hiện thực” - ông Long cho biết.
3 đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội
Ngoài ý tưởng nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội, các đề cử giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội năm nay còn có Đề xuất dỡ bỏ hàng rào công viên Thống Nhất, tạo không gian “mở” kết nối với xung quanh (của UBND TP Hà Nội) cùng với Dự án thí điểm 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng và nghiên cứu xây dựng làn đường riêng cho xe đạp (của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội).
Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 sẽ diễn ra vào 14h ngày 6/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là đơn vị đồng hành cùng Giải thưởng.
|
Cúc Đường