"Cảnh sắc 4 mùa Hà Nội, đặc biệt là mùa Thu yên bình của Thủ đô, gần như không nơi nào của Việt Nam có được. Vẻ đẹp đó mang lại tình yêu, cảm xúc cho các nhiếp ảnh gia" - Trần Huy Hùng nói.
Cuộc thi ảnh - video clip "Hà Nội mát xanh" đã kết thúc thời gian nhận tác phẩm dự thi lúc 0h00 ngày 1/9/2022. Ban giám khảo đã tổ chức 2 vòng chấm vào các ngày 13/9 và 19/9 để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất.
>> Xem chùm ảnh dự thi "Hà Nội mát xanh" của tác giả Trần Huy Hùng TẠI ĐÂY
Anh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về những kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiệnbộ ảnh tham dự cuộc thi“Hà Nội mát xanh” mang tên Vẻ đẹp của những nút giao thông xanh và hiện đại của Thủ đô. Lễ trao giải và triển lãm cuộc thi sẽ diễn ra vào 14h ngày 6/10 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội trong khuôn khổ của Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Đi bộ 20 tầng, gãy cánh flycam để có hình ưng ý
* Từ khi nào anh có ý tưởng thực hiện bộ ảnh này?
- Ở Hà Nội trong hơn 10 năm gần đây, các công trình giao thông đã được đầu tư hiện đại đồng bộ, không còn là những con đường chỉ nặng về bê tông, cốt thép mà con mang tính thẩm mỹ, với hạ tầng cây xanh ngày càng được quan tâm.
Bản thân là phóng viên theo dõi ngành giao thông từ năm 2010, tôi đã chụp rất nhiều các công trình giao thông của Thủ đô. Và ý tưởng về chụp bộ ảnh này đã được hình thành ngay khi Thể thao và Văn hóa phát động cuộc thi Hà Nội mát xanh vào dịp tháng 10/2021.
* Anh có thể chia sẻ thêm về phương pháp chụp, khó khăn, thuận lợi, sự đầu tư… cho tác phẩm của mình?
- Tôi đã phải thực hiện trong khoảng thời gian hơn 3 tháng. Trước khi chụp tôi phải khảo sát, tham khảo hình ảnh, tìm hiểu thông tin về các nút giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lên đề cương chi tiết cho chuyên đề này.
Các công trình này hầu hết phải thực hiện ở góc độ chụp trên cao xuống, nhiều nơi không có nhà cao tầng, do đó phải đầu tư về phương tiện máy móc như flycam. Ngoài ra, người chụp phải để ý các góc độ tạo hình của nhiếp ảnh, hoặc để ý về khung thời gian trong ngày để chọn thời điểm thích hợp thì mới đạt hiệu quả cao.
Mỗi một nút giao thông tôi thường phải dành thời gian tối thiểu 1 ngày, chọn hôm thời tiết đẹp, ánh sáng không gắt quá, có độ xiên nhất định để thực hiện. Tuy nhiên cũng có những nút giao thông phải đi chụp lúc mặt trời đứng bóng để tránh bóng đổ lên hình ảnh…
* Hơn 3 tháng thực hiện bộ ảnh, chắc hẳn anh cũng có những kỷ niệm riêng?
- Không phải địa điểm nào cũng dễ dàng thực hiện và chọn được bức ảnh ưng ý nhất. Có những lúc tôi phải tới 1 địa điểm trong 3 thời điểm để chọn được bức ảnh ưng ý.
Chẳng hạn, lần đầu tiên chụp nút giao thông Pháp Vân-Cầu Giẽ, tôi tới và liên hệ để lên tầng thượng của một tòa nhà cao tầng. Nhưng vừa lên đến nơi thì trời đang nắng đẹp lại đổ mưa, tôi không thể nào thực hiện được. Lần thứ 2, tôi lại đến đúng hôm hỏng thang máy, phải leo bộ hơn 20 tầng mới lên được tầng thượng, rất may vẫn thực hiện được hình ảnh như mình mong muốn.
Hoặc hôm chụp ảnh tại nút giao thông đường cầu Thanh Trì, flycam của tôi đột nhiên gặp sự cố và bị rơi cách đấy gần 2km. Tôi phải lội xuống khu ruộng ngập quá đầu gối để lấy lại máy bay. Rất may máy bay bị rơi xuống đúng vào nơi cây cối rậm rạp nên chỉ bị hỏng cánh, không bị mất hình ảnh…
Cần tăng cường không gian xanh cho Thủ đô
* Anh đã chụp về Hà Nội từ khi nào? Và qua quan sát của anh Hà Nội đẹp và đáng yêu nhất ở điểm nào?
- Tôi chụp ảnh về Hà Nội ngay từ những ngày đầu bước vào nghề nhiếp ảnh (2005). Hà Nội là nơi tôi sinh ra và lớn lên nên với tôi, tình yêu đối với Hà Nội luôn ở trong tâm khảm.
Hà Nội đối với tôi có rất nhiều cảm xúc, đó là cảnh sắc của 4 mùa trong năm, những góc phố, con đường, sông hồ... Có lẽ không chỉ riêng tôi, vẻ đẹp của Hà Nội luôn mang lại cảm xúc cho các nhiếp ảnh gia. Vẻ cổ kính của phố cổ, cảnh sắc mùa Thu yên bình tại Hà Nội gần như không một nơi nào của Việt Nam có được.
* Yêu và chụp nhiều ảnh về Hà Nội, góc nhìn của anh về những không gian xanh của Hà Nội hiện nay như thế nào?
- Những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm đến mật độ cây xanh, gắn với cảnh quan đô thị, nhiều khu đô thị đã dành gần 60% diện tích cho không gian xanh. Tuy nhiên, mặt nước (hồ, ao) tự nhiên của Hà Nội ngày càng giảm sút và ô nhiễm là mối lo chung của người dân. Nhiều công viên, cây xanh đang xuống cấp, không được sự đầu tư của Nhà nước.
* Nếu được đưa ra những giải pháp, mong muốn để phủ xanh, làm đẹp cho các không gian của Hà Nội, anh có đề xuất nào?
- Hà Nội cần tăng cường không gian xanh, cải tạo lại những công viên, cây xanh vốn có của Thủ đô (như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Yên Sở...). Rồi, nên đưa yêu cầu bắt buộc có tỷ lệ không gian xanh từ 40-50% diện tích xây dựng ở các công trình giao thông hay đô thị. Chúng ta cũng cần cải tạo và giữ nguyên hiện trạng các ao hồ trên địa bàn Thủ đô…
* Anh thích chụp gì khi tiếp tục bấm máy về Hà Nội, vì sao?
- Tôi sẽ tiếp tục thực hiện những hình ảnh vể giao thông, đô thị của Hà Nội thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp với mật độ không gian xanh nhiều hơn, xứng đáng với tên gọi thành phố vì hòa bình, trái tim của cả nước, phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Vài nét về tác giả Trần Huy Hùng
Trần Huy Hùng hiện đang công tác tại Phòng Ảnh Chuyên đề, Ban Biên tập Ảnh, TTXVN (từ năm 2005)
Anh từng được trao một số giải thưởng: Giải Ba ảnh báo chí Khoảng khắc vàng năm 2018; Top 10 Khoảnh khắc Báo chí năm 2020 (giải thưởng do báo Nhà báo và Công luận tổ chức); Huy chương Đồng cuộc thi ảnh Việt Nam đất nước và con người năm 2014 do Báo Ảnh Việt Nam và Hội NSNA tổ chức; Giải A giải thưởng báo chí TTXVN năm 2008, 200, Giải B TTXVN năm 2020, 2021…
|
Tiểu Phong (thực hiện)