Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15-2022: Công bố 9 đề cử, vẫn bí mật Giải thưởng Lớn

18:26:00 26/09/2022

Cuối tuần qua, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15-2022 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã công bố Danh sách đề cử của giải năm nay.

Khởi động 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 15- 2022

Khởi động 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 15- 2022

Chiều 30/8, Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã tiến hành họp phiên đầu tiên của mùa giải năm 2022.

Từ các đề cử này, Hội đồng giám khảo sẽ chọn trao các giải thưởng chính thức trên 4 hạng mục và công bố tại lễ trao giải sẽ được tổ chức vào chiều thứ Năm 6/10 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10).

1. Trên cơ sở 41 “ứng viên” do Ban sơ khảo đưa lên, Hội đồng giám khảo (HĐGK) đã tổ chức 2 vòng chấm vào các ngày 30/8/2022 và 13/9/2022 để lựa chọn ra 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội.

HĐGK do nhà thơ Bằng Việt (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam), nhà báo Hồ Quang Lợi (nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), nhà báo Ngô Hà Thái (nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN), kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành (Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa).

Theo truyền thống của giải, mỗi năm, mặc dù xét trên một danh sách gồm nhiều ứng viên ở hạng mục Giải thưởng Lớn, nhưng HĐGK chỉ công bố duy nhất 1 đề cử ở hạng mục này và sẽ trao giải cho đề cử đó. Do đó, kết quả đề cử Giải thưởng Lớn luôn được giữ kín đến Lễ trao giải; chỉ có 9 đề cử trên 3 hạng mục còn lại được công bố.

Trải qua 14 mùa giải, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 13 nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu ở hạng mục Giải thưởng Lớn; gần 150 đề cử giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm, trong đó có gần 50 giải thưởng được trao.

Bước sang mùa giải thứ 15, cũng là đánh dấu một thập niên rưỡi tìm kiếm không ngừng nghỉ những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội", BTC sẽ phối hợp tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi Hà Nội mát xanh. Những bức ảnh xuất sắc nhất về vẻ đẹp của bầu trời, mặt nước, cây xanh Hà Nội sẽ được giới thiệu đến với công chúng và được trao các phần thưởng xứng đáng.

Chú thích ảnh
Logo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

2. Hạng mục Giải Tác phẩm gồm có 3 đề cử. Đó là tập sách ảnh Hà Nội, Hà Nội bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italy của hai tác giả Minh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Paola Boncompagni (Italy). Tập hợp những góc nhìn độc đáo về Hà Nội được Minh Phạm chụp bằng iPhone năm 2016 và được Paola Boncompagni - nhà báo, nhà sản xuất phim tài liệu người Italy - chọn ảnh dịch và chú thích bằng tiếng Italy.

Sách ra đời trên ý niệm về một Hà Nội mới còn nhiều điều khám phá và một Hà Nội cũ, nơi ẩn chứa những hoài niệm về của bố mẹ tác giả. Phần lớn các bức ảnh miêu tả cuộc sống thường nhật của người dân diễn ra hằng ngày trên các con phố Hà Nội.

Đó là cuốn Người Hà Nội - Chuyện ăn chuyện uống một thời của Vũ Thế Long. Đây không chỉ là những câu chuyện đời thường về chuyện ăn uống được viết từ trải nghiệm của chính tác giả. Đó còn là dòng hồi tưởng “tương tư về Hà Nội” của một thời đã qua. Từ chuyện ăn uống sang chuyện ứng xử, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội bằng lăng kính rất “đời” của một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động.

Đó là cuốn Tranh dân gian Kim Hoàng của Nguyễn Thị Thu Hòa. Hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, Kim Hoàng là dòng tranh rất nổi tiếng ở Vân Canh, Hoài Đức (thuộc Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội) mỗi dịp Xuân về, tuy nhiên gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng năm 1947. Và dự án khôi phục dòng tranh này được được triển khai từ năm 2016 với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam cùng các họa sĩ, nhiếp ảnh gia.

Chú thích ảnh
Hội đồng Giám khảo trong phiên họp chiều 13/9

3. Hạng mục Giải Việc làm cũng có 3 đề cử. Đầu tiên là Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, được triển khai tại quận Hoàn Kiếm từ tháng 4/2022. Đây là căn biệt thự có diện tích gần 1000 mét vuông, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 và có nhiều giá trị về kiến trúc.

Kế đến là cột mốc 40 năm xây dựng, giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa (còn có tên là làng Hoàng Dương, thuộc xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội). Theo hồi ức của các vị bô lão, thì tao đàn thơ làng Chùa đã có trên 100 năm. Đến năm 1954, thì cụ Hàn Thịnh đã là người có công lớn trong việc lập lại tao đàn thơ làng Chùa. Sau một thời gian gián đoạn do điều kiện lịch sử, ngày 20/8/1982, Hội thơ làng Chùa đã tái lập với 40 hội viên, đến nay nhiều nhà thơ nổi tiếng đã trở thành những công dân, hội viên danh dự Hội thơ làng Chùa.

Cuối cùng là việc Trùng tu, tồn tạo, bảo tồn di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao. Bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, được xây dựng từ 1906-1911, không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình. Năm 2019, Bộ VH,TT&DL trao đã bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia cho công trình này.

4. Hạng mục Giải Ý tưởng cũng có 3 đề cử. Thứ nhất là Đề xuất dỡ bỏ hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian “mở” kết nối với xung quanh. Đây là nội dung nằm trong Kế hoạch nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 của UBND TP Hà Nội. Cụ thể, cùng với việc hoàn thành xây mới 6 công viên, cải tạo, nâng cấp 45 công viên,vườn hoa, Hà Nội còn xem xét biến Công viên Thống Nhất thành công viên mở thay vì quây hàng rào để thu phí vào cửa như hiện nay.

Thứ hai là Dự án thí điểm 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng và nghiên cứu xây dựng làn đường riêng cho xe đạp. Theo ý tưởng này, vào quý IV/2022 tới đây, người dân Hà Nội sẽ được trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 2.000 xe tại 200 điểm trạm thí điểm cho thuê xe, trải khắp 7 quận Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Đây là dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Thứ ba là việc Nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội. Đây là ý tưởng đang được UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nghiên cứu, thực hiện. Cụ thể, khu vực bãi giữa sẽ tổ chức các khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng… Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây cảnh, cây hoa theo mùa kết hợp phục vụ khách du lịch, kết hợp tổ chức khu dịch vụ, không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo…

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Anh Bảo

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)