(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã chính thức thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng bao gồm Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.
Ngày 29/9/2021, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 đã họp phiên thứ 2 và thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng.
Mùa giải lần thứ 14 - 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đóng băng nên ít nhiều để lại những sự lo lắng cho những người quan tâm tới giải. Thế nhưng, như chia sẻ của các thành viên Hội đồng giám khảo, rất bất ngờ, trong một năm qua, Hà Nội vẫn là cảm hứng đặc biệt cho các ý tưởng, việc làm cũng như sáng tạo của rất nhiều người.
Và, ngoại trừ một Giải thưởng Lớn sẽ được công bố vào giờ chót, 10 đề cử còn lại của mùa giải năm nay đều được Hội đồng giám khảo lựa chọn sau khá nhiều tranh luận để đáp ứng tiêu chí chủ đạo: “Có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”.
Những góc nhìn theo thời gian
Ở hạng mục giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội, điểm nổi bật ở 3 đề cử là những góc nhìn đa dạng về Hà Nội, theo những “thước đo” khác nhau về thời gian, khoảng cách và cả số phận riêng của người viết.
Với nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt, Hà Nội được tái hiện bởi những bức ảnh trong giai đoạn 1967 - 1975. Trong quãng thời gian này, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần (chưa kể 6 lần trở lại sau đó). Những bức ảnh về cuộckháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới,trong đó có những loạt ảnh giống như một biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến.
Nói như lời ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, khi ấy Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu. Hơn thế, ông còn đứng về phía lẽ phải, và đem trở về Đức không chỉ những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà mình đã tiếp nhận trên mảnh đất này.
Trong khi đó, bộ sách sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín lại tiếp cận Hà Nội trên một chiều dài gần 350 năm kể từ giữa thế kỷ 16, với đầy đủ những giao thoa chắt lọc giữa “kinh” và “tỉnh”, “thị” và “đô”, dưới một góc nhìn hòa trộn giữa “sử” và “truyện”. Ở đó, những thông tin từ sử liệu chính thống của người Việt tới các tác phẩm văn học dân gia, từ văn bản của các học giả Việt Nam xưa như Lê Hữu Trác, Phan Huy Chú tới các ghi chép của người nước ngoài... được thể hiện theo lối đan cài nhẹ nhàng, vừa có phong khí trầm lắng của sử cũ nhưng cũng có sự thân thương của lời kể bình dân, tràn đầy xúc cảm.
Còn riêng với tác giả Mai Lâm, Tay chơi (NXB Trẻ) lại là góc nhìn của một người xa Hà Nội trên dưới 30 năm. Bởi thế, trên từng trang viết, độc giả dễ nhận thấy nỗi nhớ đau đáu về một Hà Nội với những mẩu ký ức thân thương, những suy ngẫm nhân văn, những cách sống ân tình, đậm tinh thần huynh đệ hào sảng và cả những góc khuất lấm lem của cuộc đời. Ở đó, những phận người lang bạt, những công việc lao động chân tay nặng nề, những trò chơi và đồ chơi nơi đất khách với một người từng sinh ra lớn lên ở Hà Nội đều mang nét đặc thù của những người "con giai phố cổ" kĩ lưỡng, tỉ mẩn đến kinh ngạc. Và cũng chẳng lạ, khi người ta nhìn ra chân dung tác giả trong những người Hà Nội xa xứ nhưng "cứ gọi là trở về", bởi quãng đời đậm chất Hà Nội của mình.
Đan cài tương lai và quá khứ
Ở hạng mục Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội, các đề cử năm nay lại có những cách tiếp cận rất khác nhau dựa trên sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Nhưng tất cả những ý tưởng ấy đều được xây dựng, dựa trên những gì đã tồn tại ở Hà Nội trong suốt nhiều năm dài.
Chẳng hạn, dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo của SEN Heritage đã thu hút một nhóm các nhà nghiên cứu trẻsử dụng hình thức nghiên cứu liên ngành kết hợp cùng công nghệ thực tế ảo để tái lậpkiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột xưa. Với công nghệ thực tế ảo, công chúng được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội từ đây 800 năm, mà nay không còn tồn tại trên thực tế.
Trong khi đó, đúng như tên gọi Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo, mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”đã rất tích cực “đánh động” dư luận quanh đề xuất khai thác quỹ đất của hàng chục nhà máy sắp được di dời khỏi nội thành Hà Nội theo quy hoạch để kiến tạo những “lò ươm” cho công nghiệp sáng tạo và nghệ thuật.
Riêng ở 2 đề cử còn lại, những dòng sông gắn với lịch sử Hà Nội đã trở thành chủ thể được hướng tới và tôn vinh. Từ con sông Tô Lịch đã có đề xuất xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm dưới đáy sông với quy mô lớn. Không chỉ tạo dựng một luồng giao thông mới từ vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài, hệ thống đường ngầm này còn kết hợp các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước... đặt phía dưới để góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Chưa hết, bên trên hệ thống đường hầm này, lòng sông và 2 bên bờ Tô Lịch sẽ được xử lý ô nhiễm, xây dựng thành đại công viên, bao hàm các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh liên quan đến Thăng Long - Hà Nội xưa để mỗi người dân Hà Nội đều có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh hoặc tham quan, vãn cảnh.
Bên cạnh giấc mơ đẹp về con sông Tô Lịch ấy, sông Hồng của Hà Nội cũng sắp sửa được “đánh thức” bằng bản Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Dài gần 40 km, bản quy hoạch đang được hoàn thiện ấy gắn với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. Và, không chỉ giúp Hà Nội “quay mặt ra hướng sông Hồng”, điểm nổi bật ở đồ án là ý dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng, phục vụ cộng đồng - điều luôn được cộng đồng mong chờ hơn cả.
Yêu Hà Nội theo cách của mình
Có lẽ, sự khác biệt dễ nhìn thấy nhất giữa các đề cử thuộc về hạng mục Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội. Đơn giản, để đóng góp cho thành phố bằng những việc làm cụ thể, mỗi cá nhân hay tổ chức có vô vàn lựa chọn theo hoàn cảnh và đặc thù công việc của mình.
Chẳng hạn, cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội được UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng phối hợp với tạp chí Kiến trúc và một số đơn vị tổ chức. Quy tụ nhiều kiến trúc sư có tên tuổi, 25 đồ án xuất sắc nhất của cuộc thi có thể coi là 25 ý tưởng sáng tạo đặc biệt để kiến tạo những không gian sáng tạo của Hà Nội trong tương lai. Trong đó, rất nhiều đồ án gắn với việc cải tạo và tái cấu trúc những không gian cũ đang bị “bỏ quên” hoặc xuống cấp tại Hà Nội, trở thành nơi dành cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, giàu tính văn hóa và phục vụ cộng đồng - điều rất đáng được khích lệ trong xu thế phát triển các không gian sáng tạo.
Rồi, cuộc thi vẽ minh họa Hà Nội là... thuộc dự án Hà Nội Rethink do UNESCO, và UN-Habitat tổ chức với sự tham dự của hơn 250 nghệ sĩ từ trong và ngoài nước gửi bài thi và 30 tác phẩm được chọn để trao giải tại cuộc thi đều đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo. Những góc “Thành phố sáng tạo” đã được thể hiện ra bằng những chất liệu đa dạng, như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…
Và cuối cùng, trong một năm mà đại dịch Covid-19 bao trùm lên nhịp sống của Hà Nội, không thể bỏ qua chiến dịch "thần tốc" tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng. Chỉ trong một tuần lễ từ 8 - 15/9/2021, Hà Nội đã huy động 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động liên tục, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất, cao nhất là ngày 12/9 tiêm 573.000 mũi. Trong tuần lễ ấy, ngành y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine Covid-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại. 100% người dân đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Chiến dịch ấy đã kết thúc tốt đẹp, để rồi từ ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách và bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến đặc biệt với bệnh dịch.
DANH SÁCH ĐỀ CỬ
GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 14 - 2021
(Xếp theo thứ tự ngẫu nhiên)
I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI
(Công bố tại Lễ trao giải)
II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI
1. Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (Đức)
2. Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín
3. Cuốn sách Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm
III. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI
1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo
2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.
3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội
IV. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI
1. Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội
2. Cuộc thi vẽ Hà Nội là... và chuỗi hoạt động của dự án Hà Nội Rethink
3. Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch.
|
Trí Uẩn