(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 1/9 tới đây, chân dung nhà giáo Nguyễn Bá Đạm qua những nét ký họa của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sẽ được trưng bày tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, 63 Hàm Long (Hà Nội) nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của cố họa sĩ.
Ở Làng Mọc (Giáp Nhất, Hà Nội), ai cũng biết cụ Nguyễn Bá Đạm, nhất là với những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.
Những bức ký họa của Bùi Xuân Phái được mang ra trưng bày lần này thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) – một nhà sưu tập khá quen thuộc trong giới mỹ thuật Việt Nam khi ông là một trong số ít những nhà sưu tập nghệ thuật nước ngoài gắn bó với nghệ thuật Việt bằng một tình yêu đặc biệt.
Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ không ít chân dung bạn bè, người thân, đồng nghiệp như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà văn- nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, họa sỹ Nguyễn Sáng, nhà giáo Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Nhưng có một người được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ ký họa nhiều nhất, đó là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành” Nguyễn Bá Đạm – người vừa được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội thuộc Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 11 năm 2018 do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức, vì đã có những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.
Theo đó, những năm 60-70 của thế kỷ trước - ngày cụ Nguyễn Bá Đạm còn làm nghề dạy học ở trường Chu Văn An, cụ thường xuyên đến chơi nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái mỗi ngày. Hầu như mỗi lần đến, cụ Đạm thường được họa sĩ Bùi Xuân Phái “bắt” làm mẫu tranh thủ vẽ ký họa chân dung với đủ các chất liệu, trong đó có cả “chất liệu” vỏ bao diêm mà theo như cụ Đạm “khoe” thì gồm 12 bức và là bộ ký họa chân dung nhỏ nhất Việt Nam. Còn nếu tỉnh tổng số ký họa trên mọi chất liệu thì họa sĩ Bùi Xuân Phái đã “múa bút” về cụ Đạm chính xác là 242 bức.
Dẫu được họa sĩ họ Bùi vẽ tặng hơn 200 bức ký họa chân dung, nhưng cho đến nay, cụ Nguyễn Bá Đạm chỉ giữ được duy nhất một bức tranh gốc, treo ngay gần cửa phòng khách. Số còn lại, theo như cụ cho biết cụ đều tặng cho bạn bè, hoặc ai thích mà ngỏ lời xin, đổi tranh lấy cổ vật ông đều sẵn lòng.
Năm nay đã 97 tuổi nhưng ông Nguyễn Bá Đạm vẫn minh mẫn, vẫn viết sách về Hà Nội và chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc cuốn mới vào cuối tháng 10 năm nay. Nói như nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội, chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội: “Có thể công chúng chưa biết nhiều về Nguyễn Bá Đạm với những công việc thầm lặng đó, nhưng ai biết ông đều rất ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sĩ Hà Nội. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, nhưng sử dụng rất nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng...”.
Ông Tira Vanichtheeranont sinh năm 1949. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Học viện công nghệ DeVry, Chicago, Mỹ và làm việc chuyên về ngành viễn thông tại Bangkok, Thái Lan từ năm 1983 - 1987. Từ 1987 - 2006, ông làm về viễn thông và điện lực tại Bưu điện Việt Nam và Công ty Điện lực TP HCM. Từ khi nghỉ hưu vào năm 2006, ông làm chủ một phòng tranh tại Bangkok.
Năm 2010, Tira được sở hữu nhiều bản vẽ của họa sĩ Tôn Đức Lượng, trong đó có bộ ký họa "Khu kinh tế thanh niên 1971 - 1972". Từ những lần sưu tập, Tira có cơ hội quen biết và làm bạn với nhiều họa sĩ Việt Nam. Để kết nối tình bạn giữa họa sĩ Thái - Việt, cuối năm 2010, ông tổ chức một chuyến đi sáng tác tại Hà Nội cho các họa sĩ Thái Lan. Sau đó, ông tổ chức triển lãm tại Hà Nội mang tên: "Triển lãm Mỹ Thuật Thái Việt - Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước".
Triển lãm “Ông Phái vẽ ông Đạm” sẽ khai mạc vào 18h Chủ nhật ngày 1/9/2019, tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, số 63 Hàm Long, Hà Nội.
Google vinh danh cố họa sỹ Bùi Xuân Phái
Ngày 1/9/2019, lần đầu tiên trang chủ Google thiết kế hình ảnh Doodle để kỷ niệm 99 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái.
Đây là lần thứ 2 Google Doodles vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Ngay sau khi Google thay đổi biểu tượng, đại diện phía gia đình của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là con trai ông, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã gửi lời cảm tạ thông qua trang fanpage chính thức mang tên Bùi Xuân Phái.
"Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ Google, tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ đã dành tình cảm và vinh danh Bùi Xuân Phái, cha chúng tôi, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (1-9-1920 – 1-9-2019).
Bùi Xuân Phái là một người yêu quê hương, yêu Hà Nội và là một tên tuổi trong ngành hội họa tại Việt Nam, với những tác phẩm đặc trưng góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự kiện Google tôn vinh ông với Doodle thiết kế đặc biệt nhân ngày sinh của ông là một hoạt động ý nghĩa không chỉ với gia đình mà còn đối với những người mến mộ ông, những người yêu văn hóa Việt Nam qua hình ảnh con phố cổ".
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội).
Theo dữ liệu Google Doodle, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người có công định hình sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trở thành một trong những họa sĩ Đông Nam Á nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Những đóng góp của ông cho nền hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu "Phố Phái" sẽ còn sống mãi với thời gian.
|
Phạm Huy