Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Một Hà Nội truyền thống đang vươn tầm

06:50:00 28/08/2019

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Nét u hoài, trầm mặc trong tranh Bùi Xuân Phái, cũng như những hoài niệm về thăng trầm của Hà Nội trong những mùa giải trước, khiến cho cảm giác “hoài cổ” dễ xuất hiện trong giải thưởng mang tên ông. Nhưng năm nay, giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” của Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lại mang một gam màu mới: Nét xưa cũ song hành cùng màu sắc hiện đại, ký ức xưa trở thành động lực để tìm cảm hứng nay...

Bảng vàng Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái - Vì Tình Yêu Hà Nội' từ 2008 - 2019

Bảng vàng Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái - Vì Tình Yêu Hà Nội' từ 2008 - 2019

Giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái phát động từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác Văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Và như mọi năm, hai chữ “Hà Nội” là lý do để hàng trăm con người cùng có mặt trong Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 - 2019 vào chiều qua, 27/8.

“Hà Nội là của chúng ta”

Trước lễ trao giải, một cuộc triển lãm đặc biệt đã được khai mạc ngay tại sảnh Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Toàn bộ thông tin, hình ảnh và tư liệu quanh 10 đề cử lọt vào chung khảo năm nay được trưng bày tại đây và lập tức thu hút quan khách, cũng như người dân Hà Nội.

Đây không phải lần đầu tiên, những triển lãm liên quan tới giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái được tổ chức. Nhưng cũng Hiếm khi, những người yêu mến giải thưởng lại được chứng kiến một cuộc trưng bày đa dạng như vậy, với đủ cả tranh, ảnh, sách, tư liệu và... đồ án thiết kế.

Ở đó, người xem có thể chiêm ngưỡng nhịp sống yên bình cùng những đường nét kiến trúc cũ kỹ thân thuộc, đầy hoài niệm về các khu tập thể cũ trong 60 bức ký họa của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Rồi, chiêm ngưỡng những tấm ảnh và áp phích nhuốm màu thời gian của một Hà Nội cũ - gắn với tuổi trẻ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - hoặc những đồ án vẽ nên tương lai của những ngôi chợ Hạ, chợ Ngọc Lâm, chợ Châu Long trên thành phố với nét gần gũi, thân thiện nhưng vẫn đầy sức lôi cuốn.

Chú thích ảnh
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm trước lễ trao giải. Ảnh: Hòa Nguyễn

Không khó hiểu về sự đa dạng và phong phú này, khi chủ nhân của những đề cử ở mùa giải năm nay thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề. Ở đó, có những kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà văn; có những cụ già ở tuổi ngoài 80 như học giả Nguyễn Thừa Hỷ và cả những bé gái mới chỉ học lớp 2 trong cộng đồng Ký họa đô thị Hà Nội. Những gương mặt ấy, đã và đang yêu Hà Nội theo cách của mình.

Nói như ông Lê Xuân Thành (Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa,Trưởng Ban tổ chức, thành viên Hội đồng giám khảo)trong phát biểu khai mạc, không phải ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những văn nghệ sĩ để sáng tác về Hà Nội hay những nhà quản lý với tầm nhìn chiến lược để nâng tầm vị thế Thủ đô. Nhưng, là người bình thường, bất cứ ai cũng có thể đóng góp cho thành phố mà mình đang sống.

“Danh sách đề cử đã phản ánh được phần nào bức tranh một Hà Nội đương thời. Một thành phố cổ kính, đầy hoài niệm đang vươn lên ở một tầm cao mới với những công trình, những hướng đi năng động, sáng tạo, hiện đại, hội nhập mà vẫn giữ được cái nền truyền thống ngàn năm. Có lẽ tất cả chúng ta đều mong sống trong một Hà-Nội-mới như thế” - ông Lê Xuân Thành cho biết.

Một Hà Nội hiện đại

Và ngay khi giải thưởng đầu tiên được trao ở hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội, chúng ta đã được đến với câu chuyện về những sáng tạo hiện đại cho thành phố khi nghe ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ về hành trình đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Hà Nội.

Như lời kể của ông Chung, thực chất, từ giai đoạn giữa thập niên 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã giao lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đưa giải đua F1 vào Việt Nam. Nhưng do những khó khăn khi đó, ý tưởng phải dừng lại sau một số vòng đàm phán.

Hơn 20 năm sau, câu chuyện được khởi động một lần nữa, khi vào tháng 7/2016, đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã chính thức tìm hiểu và tiếp cận với giải đua này trong chuyến công tác tại Australia. Tại đây, chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có cuộc gặp gỡ với Ron Walker, ông chủ của đường đua Australia Grand Prix (khi đó đã 86 tuổi) để trao đổi. Tỷ phú này nhận lời sẽ hỗ trợ Hà Nội trong việc xin đăng cai tổ chức giải đua F1.

Chú thích ảnh
Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho “Việc xây dựng đường đua F1 Hà Nội và đăng cai tổ chức chặng đua Formula 1 Vietnam vào 4/2020”. Trong ảnh: Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (trái) trao giải thưởng này cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Từ ý tưởng ban đầu ấy, sau khi nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng, thành phố Hà Nội bắt đầu một cuộc chạy đua đặc biệt với thời gian và các yêu cầu cần thiết để chạm tới cái đích này.

“Trong quá trình đàm phán, chúng tôi luôn nỗ lực vì một nguyện vọng lớn: Việt Nam có tên trong danh sách 22 quốc gia tổ chức các chặng đua F1 - giải đua danh giá nhất trong ngành đua ô tô có động cơ” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói - “Đã đi nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy một thực tế: Những người cao tuổi và trung niên đều biết đến một Việt Nam của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biết đến một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thế nhưng, thế hệ trẻ thì lại ít chú ý đến điều này, thậm chí nhiều người trong số họ còn tưởng rằng… chiến tranh tại Việt Nam chưa chấm dứt. Bởi vậy, việc đưa Hà Nội xuất hiện trong bản đồ của hệ thống F1 sẽ biến thành phố thành một điểm đến thu hút khách quốc tế, để chúng ta có cơ hội giới thiệu thêm về những giá trị của mình”.

Nỗ lực của thành phố Hà Nội đã thành hiện thực, khi vào tháng 4/2020 tới, chặng đua F1 sẽ chính thức diễn ra tại Mỹ Đình. Như ước tính ban đầu, với sức hút từ một giải đua có 700 triệu fan hâm mộ khắp thế giới, khoảng hơn 3.000 CEO của các tập đoàn quốc tế và nhiều quan chức cấp cao của các nước cũng sẽ có mặt tại Hà Nội. Cơ hội để quảng bá về một Hà Nội vừa đậm vẻ cổ kính ngàn năm,vừa có những bước phát triển năng động, hiện đại đang tiếp tục mở ra trước mắt chúng ta.

Trước cơ hội ấy, người đứng đầu chính quyền Hà Nội không quên gửi lời nhắn tới cộng đồng: “Để có một Hà Nội đẹp hơn, tôi mong trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng được hẳn một nét văn hóa có tên “Vì tình yêu Hà Nội”, giống như thương hiệu đang được biết đến từ giải thưởng mang tên cố danh họa Bùi Xuân Phái,” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Truyền thống: Động lực cho tương lai

Khá thú vị, trong lời phát biểu của chủ nhân các giải thưởng, chúng ta cũng tìm thấy những ý tưởng tương đồng với âm hưởng của mùa giải năm nay: Truyền thống và bề dày văn hóa ngàn năm của thành phố cần được nhìn nhận như những động lực để khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho một Hà Nội đang vươn tầm quốc tế.

Tuổi 83, lên nhận Giải thưởng Lớn trên chiếc xe lăn, PGS-TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ trong xúc động: “Tôi luôn có một trăn trở: Hà Nội sẽ phát triển như thế nào, khi đang cho thấy tiềm năng của một thành phố dần vươn tới chiều kích quốc tế. Nói như một triết gia xưa, chúng ta cần mở cửa để gió vào cho thông thoáng nhưng lại cần biết đứng vững và không để bị gió cuốn đi trong chính ngôi nhà của mình. Làm sao để đứng vững như vậy, đó là câu chuyện về phát huy truyền thống từ bề dày văn hóa”.

Nhóm ký họa Hà Nội cũng là một trường hợp tương tự. Đại diện cho nhóm tác giả có lẽ là đông nhất lịch sử giải thưởng (có tới 4.000 thành viên), KTS Trần Thị Thanh Thủy nhắc tới sự kiện Ký họa Châu Á- dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới với nhiều thành viên quốc tế. “Qua các hoạt động của mình, chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh Hà Nội đầy chất thơ, nhiều nét văn hóa đến bạn bè khắp nơi trên thế giới” - chị nói - “Và với vinh dự khi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, chúng tôi sẽ cố gắng có thêm những việc làm thiết thực, để lan tỏa tình yêu về một Hà Nội ngàn năm tuổi tới cộng đồng.”

Rồi Nguyễn Trương Quý, chủ nhân giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội, chia sẻ: “Xin cám ơn những nhân chứng sống, những bảo tàng sống một thời của Hà Nội đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách của mình.Và các bạn có thể yên tâm rằng theo thời gian, những ký ức về Hà Nội sẽ không bao giờ mất đi. Bởi trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn dựa vào những ký ức ấy để gửi gắm tình cảm và tiếp tục hành trình kiếm tìm cái đẹp - nhất là trong bối cảnh, cuộc sống hiện đại có thể phần nào làm Hà Nội bớt đi vẻ lãng mạn bề ngoài”.

Kết quả Giải thưởng

1.Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho PGS-TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ

2. Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho cuốn sách “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý

3. Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội

4. Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội, gồm 2 giải được trao cho:

- Các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội.

- Việc xây dựng đường đua F1 Hà Nội và đăng cai tổ chức chặng đua Formula 1 Vietnam vào 4/2020 do UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (Tập đoàn Vingroup) thực hiện.

Anh Bảo

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)