Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Từ 'Lê la quà vặt' đến 'Ăn quà xuyên Việt'

08:39:00 18/07/2017

Chú thích ảnh

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 8 sắp tới, cuốn sách đầu tiên trong chuỗi dự án sách artbook về những đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội của 2 tác giả, họa sĩ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ ra mắt độc giả.

Người đọc hẳn đã quen thuộc với một Nguyễn Trương Quý tẩn mẩn, hài hước “có chừng mực” qua các trang tản văn mang tính khảo cứu về Hà Nội. Lê la quà vặt vẫn tiếp tục là cuộc “rong ruổi” của anh với Hà Nội, nhưng dưới vai trò là người cố vấn ngôn từ.

Cuộc dạo chơivào thế giới ẩm thực

Lê la quà vặt là những quan sát bằng hình vẽ được “chú thích” bằng hệ thống thông tin chi tiết nhưng cũng hài hước nhẹ nhàng về một “phân khúc hẹp” của ẩm thực Hà Nội - quà vặt.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trương Quý

Thông qua phần hình ảnh dí dỏm, châm biếm được thực hiện bởi họa sĩ Đặng Hồng Quân cùng nhữngthông tin do nhà văn Nguyễn Trương Quý biên tập, người đọcsẽ có được những ấn tượng về các món ăn, bao gồm thông tin về nguồn gốc, cách chế biến, địa chỉ hàng quán và đặc biệt là “mách nước” kinh nghiệm thưởng thức một cách trọn vẹn. Bên cạnh đó, thông qua cuốn sách, các tác giả cũng muốn “đánh thức” ký ức của những người Hà Nội về một thứ “đạo” mạnh mẽ của Hà Nội - ẩm thực.

Cuộc dạo chơi trong Lê la quà vặt còn đưa độc giả đến với những mảnh ghép rất đời thường của bức tranh ẩm thực. Đó là những câu chuyện thú vị xung quanh một món ăn, là văn hóa “phở mắng, cháo chửi”. Hay đặc biệt là vấn đề đang làm đau đầu các “tín đồ” của quà vặt liên quan đến việc chính quyền dọn dẹp vỉa hè.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Đặng Hồng Quân

Tác giả Đặng Hồng Quân, người đã ấp ủ ý tưởng “thai nghén” cuốn sách từ 8 năm về trước chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại đang làm mất đi những nét truyền thống, hoặc biến đổi nó sang một hình thái mới. Do đó bản thân là người Việt Nam, tôi muốn lưu giữ lại những đặc trưng ấy trước khi nó... tuyệt chủng”.

Không chỉ có ẩm thực, anh cùng nhà văn Nguyễn Trương Quý dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện những dự án tương tự như Lê la quà vặt, để sưu tầm và hệ thống lại những đặc trưng về văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực, lối sống và đặc biệt là về các kiến trúc cổ (đình làng, cổng làng, nhà cổ…) có nguy cơ biến mất cùng với sự phát triển đô thị tương lai, trước hết là tại Hà Nội và sau đó mở rộng ra cả nước.

Chú thích ảnh
Một minh họa cho “Lê la quà vặt” của họa sĩ Đặng Hồng Quân

Chiếc “card visit” mang tên “quà vặt”

Sở dĩ 2 tác giả lựa chọn ẩm thực để bắt đầu cho chuỗi dự án hệ thống lại các đặc trưng văn hóa của Hà Nội, là bởi cả 2 đều quan niệm rằng, ẩm thực mà hẹp hơn là quà vặt có thể được ví như chiếc “card visit”mang đặc trưng không trộn lẫn của một vùng đất.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, ẩm thực là mối quan tâm thứ 2, sau chỗ ở đối với du khách. Nhớ đến Hà Nội, ngay lập tức người ta có thể “chỉ mặt đặt tên” hàng loạt các món quà vặt, quà sáng như phở, bún riêu, bún chả…

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thời nay viết sách phải biết 'làm màu'

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thời nay viết sách phải biết 'làm màu'

Nguyễn Trương Quý gọi việc giao lưu, ra mắt sách, đăng đàn, lập ngôn… của nhà văn thời nay là 'làm màu', nhưng với nghĩa trung tính, không tốt cũng không xấu. Anh vừa tham gia một cuộc “làm màu” dài ngày như thế ở Malaysia.

Đề cập đến việc liệu rằng văn hóa “lê la quà vặt” trong tương lai có bị mai một, tác giả của Tự nhiên như người Hà Nội lạc quan: “Trong những năm tháng bao cấp, đời sống thị dân hạn chế mà ta còn bảo tồn được, để rồi bây giờ quà vặt bung ra mạnh mẽ vậy, thì sao có thể mai một dễ dàng được!”.

Cùng với sự phát triển của xã hội và những biến chuyển trong đời sống thị dân, văn hóa quà vặt cũng sẽ có những thay đổi để thích nghi. Ví dụ như trước đây, mấy ai nghĩ có thể ăn vặt trong nhà hàng “sang chảnh”, mà phải là đồ Tây, Tàu, Nhật… Nhưng cùng với sự tham gia của hệ thống du lịch, sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ, các món quà vặt đã tìm được đường lên bàn ăn tại các nhà hàng hạng sang. Tất nhiên, một bát phở tại một khách sạn 5 sao sẽ chẳng giống bát phở ngoài chợ, đó chính là sự thay đổi.

“Và suy cho cùng”, nhà văn Nguyễn Trương Quý kết luận. “Nếu có một thứ đạo nào đangsống một cách mạnh mẽ bên trong con người Hà Nội thì đó chính là ăn uống. Sức sống của ẩm thực là một trong những điều người Hà Nội có thể tự hào!”.

Lê la xuyên Việt ăn quà vặt

Cùng với Lê la quà vặt, họa sĩ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ cho ra mắt đồng thời cuốn sách mang tên Ăn quà xuyên Việt. Cuốn sách thứ 2 này cũng là những ghi chép bằng hình ảnh của 2 tác giả về quà vặt, nhưng trên phạm vi cả nước.

Để thực hiện cuốn sách này, 2 tác giả đã phải lê la với quà vặttrên khắp mọi miền đất nước, tham khảo các tác phẩm của những nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội cũ như Thạch Lam, Vũ Bằng… thu thập cả hình vẽ và tư liệu đồng thời liên tục cập nhật những thay đổi để đảm bảo cốt lõi thông tin được chính xác qua thời gian.

2 cuốn sách dự kiến được ra mắt vào tháng 8/2017.

Hà My
Thể thao & Văn hóa

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)