Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Phục dựng 'trái tim' của Hoàng thành Thăng Long

05:21:00 21/09/2015

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể coi, việc phục dựng lại điện Kính Thiên là giấc mơ lớn và cũng là… sự dũng cảm đặc biệt của các chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Bởi ở thời điểm hiện tại, ngoài bậc thềm đá chạm rồng được cho là một phần của nền điện cũ, toàn bộ các phần còn lại của kiến trúc này đã bị người Pháp phá bỏ vào cuối thế kỷ 19.

Ước mơ của giới nghiên cứu

"Quyết tâm lắm, chúng tôi mới dám tham gia đề án này. Đó là công việc dễ mang lại… tai tiếng, hơn là nổi tiếng" - ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ cùng báo giới. Tháng 3/2015, Trung tâm này chính thức được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư đề án nghiên cứu phương án phục dựng điện Kính Thiên.

Theo các sử liệu cũ, điện Kính Thiên là kiến trúc chính trị quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long và tồn tại qua các thời Lý (có tên điện Càn Nguyên), Trần (có tên điện Thiên An), Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng… Hầu hết các nghi thức chính trị liên quan tới vận mệnh của mỗi vương triều đều diễn ra tại đây như lễ đại triều, lễ đăng quang, lễ khánh thọ, lễ tiếp sứ thần các nước…

Cần nói thêm, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên từng được thành phố Hà Nội nhắc tới vào năm 2001. Và khoảng thời gian 14 năm giữa ý tưởng và bước khởi động lập phương án là nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên môn về vấn đề này.


Khu vực được cho là nền điện Kính Thiên hiện nay, với bậc thềm đá cổ còn lại

Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Thế giới (2010), ý tưởng này lại được giới nghiên cứu, cũng như du khách tới thăm Hoàng thành, nhắc tới nhiều hơn.

Đặc biệt, cơ sở khoa học của ý tưởng này bắt đầu lộ diện, khi trong 4 năm gần nhất, 4 cuộc khai quật đã được triển khai quanh khu vực nền điện cũ. Một số di vật và dấu móng kiến trúc cũ phát lộ, cho phép đặt ra những giả thiết về cấu trúc của trục thần đạo, hệ thống đường thoát nước cũ, sân Đan Trì…

"Quả thật VN chưa có tiền lệ phục dựng một công trình lớn trong điều kiện hạn chế về thông tin như vậy. Nhưng nếu không làm, du khách tới thăm Hoàng thành vẫn sẽ chỉ mãi mãi… tưởng tượng về di sản của cha ông qua những móng kiến trúc dưới lòng đất" - PGS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN) nhận xét - "Hơn thế, phục dựng thành công điện Kính Thiên cũng là ước mơ của giới nghiên cứu, sau bao nhiêu năm dồn tâm huyết để tìm hiểu về Hoàng thành”.

Dầu ấn cho lịch sử ngàn năm…

Hội Khảo cổ học VN là đơn vị giữ vai trò tư vấn chuyên môn cho đề án. Không chỉ có vậy, dự kiến toàn bộ các chuyên gia hàng đầu về khảo cổ, di sản, văn hoá… trong nước cùng nhiều gương mặt quốc tế cũng sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội mời đóng góp ý kiến.

Một "núi" công việc của đề án đang được triển khai theo 3 hướng chính: tiếp tục khai quật khảo cổ để tìm hiểu cơ sở khoa học, thu thập các tư liệu cũ về điện Kính Thiên, so sánh tham khảo mô hình phục dựng các kiến trúc hoàng gia cũ tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...

Được biết, đến tháng 9 này, cả 3 hướng triển khai trên đều ít nhiều có những thành quả ban đầu: đợt khai quật thứ 5 gần cổng Đoan Môn đang được tiến hành, một nhóm chuyên gia đã sang tham khảo kinh nghiệm phục dựng điện Changdeok (Hàn Quốc) và cố đô Nara (Nhật Bản), đồng thời, một số ghi chép có giá trị về điện Kính Thiên của các thương gia Tây Ấn tại VN trong thế kỷ 17 cũng được tìm ra.

Theo kế hoạch, vào cuối 2016, phương án phục dựng điện Kính Thiên phải được hoàn thành và trình lên lãnh đạo thành phố Hà Nội để làm cơ sở cho những bước đi tiếp theo.

Rất nhiều câu hỏi về chuyên môn đang được "bỏ ngỏ" để chờ tới thời điểm ấy. Chỉ có thể tạm khẳng định" điện Kính Thiên sẽ được phục dựng theo niên đại thời Lê Trung hưng - giai đoạn có thể thu thập được nhiều tư liệu nhất về kiến trúc của nó.

"Đề án sẽ phải giải được bài toán liên kết, để chúng ta có thể vừa chiêm ngưỡng điện Kính Thiên thời Lê, vừa tìm hiểu về giá trị của các di tích gắn với cuộc chiến tranh chống Mỹ, thậm chí là tìm hiểu về kiến trúc của nó trong các thời Lý, Trần qua công nghệ 3D" - ông Việt Anh chia sẻ.

Rất khó và rất dài, nhưng việc xây dựng phương án phục dựng điện Kính Thiên cũng bắt đầu nhen lên hy vọng về việc Hà Nội có thêm một dấu ấn cho lịch sử ngàn năm của mình.

3 Đề cử Giải Ý tưởng - Vì Tình yêu Hà Nội

- Dự án Xây dựng các đập dâng sông Hồng nhằm khôi phục lại dòng chảy  của nhóm các nhà khoa học Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam.

Đề án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội).

- Chùm đồ án đoạt giải Cuộc thi tuyển Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến...

Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 14h15 ngày 23/9 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)