(TT&VH) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã bước sang năm thứ tư và không còn xa lạ với những người yêu Hà Nội. 15h chiều qua 31/8, Quỹ Bùi Xuân Phái, báo TT&VH đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2011.
Để tới website chính thức của giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", hãy bấm vào đây. |
Những lo lắng về sự khó khăn trong việc tìm kiếm, phát hiện các đề cử mới, khi các chương trình về Hà Nội đã dồn dập mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long 2010. Nhưng quá trình khởi động giải thưởng đã cho thấy, tình yêu Hà Nội vẫn là động lực tự thân để mọi người làm việc, cống hiến. Tình yêu ấy luôn cháy sáng, đều đặn, bền bỉ trong những tác giả với nhiều tác phẩm, ý tưởng và việc làm vì Hà Nội. Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội như một đầu mối kết nối lại tình yêu lớn lao, sẵn có ấy.
Điều đó được chứng tỏ khi chưa đến giờ trao giải, khán phòng tại 79 Lý Thường Kiệt đã chật cứng người đến dự lễ, dù BTC đã gấp rút chuẩn bị thêm ghế nhưng vẫn không đủ chỗ cho những người quan tâm đến giải thưởng ý nghĩa này.
Bà Trương Lê Kim Hoa, TBT báo TT&VH công bố Quyết định trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2011 |
1. Vị khách đến Lễ trao giải sớm nhất là họa sĩ Vương Văn Thạo. Anh đến từ...11h trưa, tức là sớm hơn 4 tiếng, anh mang theo một xe tải chở đồ, bao gồm khoảng 20 tác phẩm hóa thạch cùng một dàn phụ kiện (bao gồm trụ đế, hộp bàn, dây điện, bóng đèn...) để phục vụ cho việc trưng bày.
Không xa lạ với những giải thưởng, trong đó có những giải mang tầm quốc tế, nhưng chàng họa sĩ trẻ này rất bất ngờ và vui sướng khi được đề cử giải Bùi Xuân Phái. Đơn giản là vì những trăn trở, đau đáu của anh với di sản Hà Nội - để từ đó kết tinh, “hóa thạch” thành những tác phẩm lạ lùng - đã được HĐGK giải thưởng thấu hiểu, chia sẻ và tôn vinh. Giải thưởng “chạm” đúng vào khối tình của anh với Hà Nội, cho nên anh như tìm được những người bạn “tri âm”, “tri kỷ”. Đó là lý do tối hôm trước lễ trao giải, anh đã đồng ý tung ra một phần gia tài hóa thạch của mình để làm cuộc trưng bày cấp tốc cho mọi người cùng thưởng thức.
Không dễ để biến phòng hội họp - nơi diễn ra Lễ trao giải - thành không gian để triển lãm nghệ thuật. Nhưng anh đã xắn tay áo cùng với 2 người bạn, hì hụi bê, khuân, vác... xuyên trưa, và kết quả thật bất ngờ, căn phòng với 4 dãy bàn úp mặt vào nhau, và các dãy ghế xung quanh, vốn rất khô cứng, chỉ dành cho hội nghị, hội thảo, bỗng chốc biến thành “khán phòng” để thưởng thức một “triển lãm sắp đặt” thực sự. Anh tận dụng khoảng ở giữa 4 dãy bàn để “trồng” lên những chân đế và đặt các khối hóa thạch màu hổ phách lên trên. Bên cạnh các hóa thạch về cổng cổ, nhà cổ, nổi bật khối hóa thạch tháp Rùa rêu phong cổ kính. Khi được chiếu ánh sáng từ dưới lên, các hóa thạch trở nên lung linh như tự nó phát sáng - thứ ánh sáng vàng sánh như mật, được khúc xạ qua bề mặt hổ phách...
Quả thật, cách làm “hóa thạch” của anh không giống ai và cũng chưa ai làm. Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình những ngôi nhà, cổng làng... điển hình, bằng đất, làm khuôn silicon rồi sau đó là đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc lấy, tạo cảm giác như một khối hóa thạch, hay nói cho đúng hơn là “đúc” những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ đó trong khối hổ phách với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp và đầy cảm xúc.
2. Bên cạnh giải Tác phẩm dành cho các “Hóa thạch sống” của họa sĩ Vương Văn Thạo, cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” đã được trao Giải Ý tưởng.
Đúng như tên gọi của nó, những người tổ chức cuộc thi cũng như các đồ án đoạt giải đã vì yêu Hà Nội mà đã suy nghĩ, trăn trở về những giải pháp để làm sao công viên Thống Nhất có thể phục vụ tốt hơn cho cả cộng đồng...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái và những tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo được trưng bày tại Lễ trao giải
Công viên Thống Nhất, nơi mà hàng vạn thanh niên Hà Nội đã lao động công ích làm nên, và qua đó thể hiện khát vọng thống nhất đất nước. Đây cũng là nơi mà trước đó cũng có một số dự án hoành tráng nhăm nhe triển khai, tất nhiên, những dự án chẳng vì “tất cả mọi người”... Không biết vì lý do nào, nhưng hẳn là tình cảm của họ với công viên Thống Nhất được bồi đắp bởi tất cả những lý do và hiện trạng đó.
Những ý tưởng thiết kế mà họ tìm kiếm trong cuộc thi này cũng không hề bay bổng ở trên mây, mà dựa trên chính những ước mơ, nguyện vọng của những người đang đi dạo, tập thể dục, thậm chí bán hàng trong công viên. Một cuộc thi thực sự vì cộng đồng, do cộng đồng và của cộng đồng.
3. TS Michael DiGregorio, đại diện Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa (ĐH Hawaii, Hoa Kỳ - một trong những đơn vị tổ chức cuộc thi - cũng là một người nước ngoài rất nặng lòng với Hà Nội từ hàng chục năm nay. Ông chia sẻ: Tôi đã sống ở VN gần 20 năm và vợ tôi là một người Hà Nội. Đối với tôi, những bức tượng “hóa thạch sống” về Hà Nội và những ý nghĩ về Hà Nội mang lại cho tôi rất nhiều ý nghĩa. Những phiến đá này như đã “vĩnh cửu hóa” những kỷ niệm, những cái gì mà tôi nhớ về Hà Nội cách đây 20 năm. Đây là thời điểm chúng ta nên nhắc nhở thế hệ trẻ về sự biến đổi của Hà Nội, về những cái gì mà chúng ta đã có trong quá khứ. Các bạn trẻ, theo quy luật rất bình thường của tự nhiên là muốn Hà Nội có những cái mới, những cái to lớn hơn, đẹp hơn. Nhưng cũng sẽ đến một thời điểm những người trẻ tuổi đó sẽ phải nghĩ lại, nhìn lại quá khứ mà họ trải qua và họ cũng phải tự hỏi là họ mất cái gì, Hà Nội mất cái gì? Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ hãy làm một điều gì đó tốt cho Hà Nội để Hà Nội có một tương lai tốt đẹp hơn. Chính tình yêu Hà Nội đã thôi thúc chúng tôi làm điều đó.
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, trưởng BTC giải cho biết: Năm nay, giải có sự khác biệt là chỉ có 1 đề cử duy nhất cho hạng mục Giải thưởng Lớn. Việc này xuất phát từ kinh nghiệm những năm trước. Giải thưởng Lớn là giải quan trọng nhất nhằm trao cho cả sự nghiệp của một tác giả có nhiều gắn bó với Hà Nội. Vì thế, những người xứng đáng được đưa vào đề cử không nhiều. Còn đã được đưa vào thì hầu hết đều xứng đáng. Cho nên, nếu đưa ra nhiều đề cử thì có thể dẫn đến sự hiểu lầm là những tác giả không được giải là không xứng đáng. |
Mạnh Cường - Nguyễn Mỹ