Bản con "lẫn", con "lộn" (Kỳ 4)

19/06/2008 00:23 GMT+7 | Thế giới

Kỳ 4: Nhận bố, nhận mẹ để nhận thêm yêu thương
 
(TT&VH Online) - Thực tế là chuyện con lộn, con lẫn không phải chỉ bây giờ mới được người ta nói đến. Còn nhớ cách đây ít lâu, báo chí cả trong và ngoài nước đã đưa tin về trường hợp của một cậu bé “đầu thai” ở nước Anh, hẳn nhiều người còn chưa quên.

6 tuổi, bé Cameron Macaulay rất thích vẽ tranh. Tuy nhiên, những bức tranh về tổ ấm thân yêu của em làm bà mẹ Norma không khỏi dựng tóc gáy: một ngôi nhà màu trắng bên bờ biển Barra thật khác xa với căn hộ chung cư hiện tại của cậu ở thành phố Glasgow.

Trong các câu chuyện, Cameron cũng luôn mồm kể về những người thân “cũ” như cha, mẹ, các anh trai và chị gái. Đó là một gia đình lớn lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói, cười chứ không hiu quạnh như cuộc sống hiện tại với mẹ Norma và anh trai Martin. Cậu bé còn gọi được tên bố “trước đây” là Shane Robertson, và rằng bố đã bị chết vì “không quan sát cẩn thận hai bên” - có lẽ là do một tai nạn xe cộ nào đó - và rằng nhà cậu ngày xưa có những 3 cái toilet; rằng mẹ cậu bé có mái tóc màu hạt dẻ dài ngang hông, rất hay nhoẻn miệng cười... Lần nào nhớ lại thằng bé cũng khóc đỏ hai mắt, rồi nằng nặc đòi về đảo Barra nơi cậu tin rằng gia đình cũ của cậu vẫn đang sinh sống.

Ban đầu người trong nhà ai cũng nghi Cameron bịa chuyện. Họ còn khen thằng bé có trí tưởng tượng phong phú. Tuy nhiên, sự việc trở nên nghiêm trọng khi càng lớn cậu bé càng tỏ ra ủ rũ và sầu thảm, chẳng gì giúp cậu nguôi ngoai được cả.

Nhà Cameron không dư dả tài chính, mình mẹ Norma phải làm lụng vất vả để nuôi nấng hai anh em cậu. Trong khi đó, quãng đường từ nơi cậu bé đang ở đến nơi cậu miêu tả nằm trên đảo Barra là 160 dặm. Bởi vậy, đến đầu tháng 2/ 2006, ước nguyện về với căn nhà trên đảo Barra của cậu bé mới trở thành hiện thực nhờ sự tài trợ của Kênh 5 truyền hình Anh quốc. Cùng chuyến đi có TS Jim Tucker đến từ bang Virginia, Mỹ. Ông là người đã trực tiếp nghiên cứu khá nhiều trường hợp cho là “tái sinh” ở trẻ nhỏ như cậu bé Cameron.

Đặt chân lên vịnh Cockleshell, đoàn “hồi hương” dò hỏi tung tích gia đình Robertson và “ngôi nhà trắng bên bờ biển” theo miêu tả của cậu bé trước đó. Ông Robertson đã chết, gia đình đã ly tán. Còn ngôi nhà, đúng là có 3 chiếc toilet, cửa sổ phòng ngủ nhìn ra đường băng sân bay, và sau vườn thì có một cánh cửa bí mật ít người biết đến.

Trở về Glasgow, Cameron đã lấy lại bình tĩnh hơn. Bé không kể nhiều về Barra như trước nữa, và cũng dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Khi mẹ Norma hỏi Cameron đã về với gia đình như thế nào, Cameron trả lời: Con thấy mình “rơi tõm” vào bụng mẹ thôi!

Không chỉ ở Anh, mà rất nhiều nước khác như Pháp, Nga, Mỹ... cũng xảy ra những câu chuyện tương tự. Và bây giờ tiếp tục là những câu chuyện ở bản Cọi. Xem ra đứa nào cũng thiết tha mong muốn được người thân nhận ra mình. Phải chăng chúng tìm về chỉ để được sự công nhận của gia đình?

Cô bé có hai bố, hai mẹ

Với sự giúp đỡ của Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh, tôi tìm đến nhà cô giáo Quách Thị Đức. Cô Đức dạy ngay ở trường mầm non chi Cọi ở trong bản. Chồng chị, anh Bùi Văn Biền lại chính là em ruột Trưởng bản. Một trong số hai người con của anh chị, cháu Bùi Thị Thu, theo như nhiều người ở đấy, cũng là con lộn.
 

Cô giáo Quách Thị Đức và đứa "con lộn" Bùi Thị Thu

Chị Đức kể: Chị sinh Thu vào ngày 7/ 12/1993. Khi bắt đầu tập nói, Thu cứ bảo nó là con mẹ Tâm, chứ không phải mẹ Đức. Tưởng là chuyện trẻ con tập nói, chị Đức và gia đình bỏ qua, không để ý. Một lần, sang nhà bà ngoại, bỗng dưng Thu chỉ lên nhà gia đình chị Tâm, chồng tên là Dương, cũng là người trong bản bảo: Nhà mẹ con kia kìa. Chị Đức thấy lạ, bèn hỏi: Thế ngày xưa con tên gì? Thu đáp: Mẹ con chưa kịp đặt tên. Chỉ thấy bà nội gọi con là “Cuốc roọng” - theo giải thích của ông Tỉnh thì tiếng Mường có nghĩa là đen thui như gốc cây cháy, chỉ người xấu xí. Chị Đức lân la dò hỏi thì biết được đúng gia đình Tâm - Dương từng có một bé gái mất từ khi mới 2 tháng tuổi. Vợ chồng anh chị định đặt tên là Nhung, nhưng vì bé quá, nên chưa chính thức làm lễ. Bà nội thấy cháu đen đúa, thì cứ gọi cháu là Cuốc roọng. Khác với trường hợp của cậu bé Bình - Tiến, Thu chỉ nói thế thôi, chứ không “đòi” về nhà. “Về sau này có người bảo như thế là “nó” chỉ nói cho biết thôi. “Nó” không muốn về nhà đâu”, chị Đức nói.

Biết chuyện, gia đình anh chị Tâm - Dương đã tự tìm đến nhà chị Đức để gặp bé Thu. “Con bé lúc ấy mới 3 tuổi. Mẹ nó hỏi vì sao con chết, bé Thu kể lại chuyện mẹ mắng. Chị Tâm thừa nhận đúng và khóc mất mấy ngày trời! Nó “để” mẹ Tâm từ lúc ấy.”(“để” tiếng Mường là gọi). Thế rồi từ ấy, Thu cứ qua lại hai bên. Theo lời chị Đức, thì từ hồi đó, gia đình anh chị Tâm - Dương đã khá nhất làng về kinh tế, xây được nhà gạch, trong tủ lúc nào cũng có thức ăn. Tuy nhiên, chỉ đến chơi thế thôi, chứ Thu không bao giờ ở lại đấy. Đã có lần, bà nội của Cuốc roọng, tức là mẹ anh Dương, đã nói với cô Đức rằng “mày đẻ đứa khác đi, để con Thu tao nuôi cho!”. Tất nhiên là chị Đức không đồng ý. “Hồi nó 3 tuổi ấy, tôi mà đồng ý thì bây giờ có khi mất con rồi” chị Đức nói vậy. Đến nay cô bé Thu vẫn qua lại bên ấy mỗi khi cuối tuần hoặc bên nhà có việc. Anh chị Tâm - Dương cũng đã nhận Thu làm con nuôi. Thu khoe hôm rồi đi thi học sinh giỏi tiếng Anh của huyện, được bố mẹ nuôi thưởng cho 200 nghìn đồng. “Khuyên tai con bé đang đeo kia cũng là của bố mẹ nuôi nó cho đấy”, chị Đức nói.

Chị Đức bảo hồi bé, mỗi lần con bé nói về chuyện vì sao “nó” về nhà này, người nghe được đều khóc thút thít. Anh Tỉnh bảo phong tục người Mường, trẻ con dưới 12 tuổi chết người ta không chôn bằng quan tài, bằng quách như ở dưới xuôi. Thường là gia đình kiếm cái chăn hay cái chiếu cũ nào đó, quấn đứa trẻ vào rồi vác lên rừng, tiện có gốc bương, gốc nứa hay bụi rậm nào thì nhét vào đó rồi đi về thôi, chẳng chôn cất gì đâu. “Có lẽ vì thế nên chúng nó hay lộn lại chăng?”. Trưởng thôn Bùi Văn Tỉnh hỏi mà như tự nói với chính mình.
 
Thu lúc 3 tuổi ở nhà bố mẹ nuôi Tâm - Dương

Nhìn bề ngoài Thu cũng chẳng có gì khác biệt. Cô bé có khuôn mặt khá lanh lợi, nước da ngăm đen, giống da chị Đức. Hỏi có còn nhớ gì về chuyện ngày trước hay không, Thu trả lời rằng không. “Chuyện của cháu chỉ có vài đứa bạn thân ở trong làng biết. Có lần một đứa bạn cháu hỏi cháu đã lộn lại như thế nào để nó tìm xem em nó có lộn lại được không. Nhưng cháu không nhớ gì cả”, Thu cười rất tươi.

Ngày trước cháu... là con trai!

Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh lại dẫn tôi đi tìm gia đình cháu Bùi Hồng Thắm, cũng là một trường hợp đồn đại là con lộn của bản Cọi. Thắm là con thứ 2 của anh chị Bùi Thị Toàn và Bùi Văn Minh, thuộc xóm Vát. Thắm sinh ngày 1/6 Âm lịch, tức là ngày 12/7 Dương lịch, năm 1991.

Khác với 2 trường hợp trước, trong câu chuyện của Thắm thì “kiếp trước” em là con trai, còn bây giờ em đang là một cô gái. Vì thế, bây giờ cả bản đều gọi Thắm là “Ma Ly” - ghép với Ly là tên cậu bé đã chết. Theo lời chị Toàn, Thắm là chị em sinh đôi với một cô bé tên là Hường trong nhà vợ chồng anh Uyên và chị Nghe. Anh Uyên sinh năm 1943, là người gốc Nam Định, lên bản Cọi khai hoang từ lâu lắm rồi. Hai vợ chồng hồi đó nghèo nhất làng nhưng lại đông con. Người chị cả tên là Hằng, rồi đến 2 chị em Hường, Ly sinh đôi, sau đó mới đến cậu em út tên là Long.
 


"Ma Ly" Bùi Hồng Thắm và mẹ Bùi Thị Toàn

Nguyên do về cái chết của bé Ly, theo như lời Thắm kể lại, là do chị em rủ nhau trèo cây hái quả dái dê bên bờ sông Bưởi để ăn. Khi đó cu Ly đã hơn 7 tuổi. Lúc trèo ra chẳng may dẫm phải cành chết nên ngã xuống sông. “Khi ngã xuống, cháu va phải hòn đá trước rồi mới lăn xuống sông”, Ma Ly nói

Chị Toàn cho hay về sau này, chính vì có vết sẹo trên đầu nên gia đình Ma Ly mới nhận ra con, và cho Ma Ly đi lại hai bên. Tất nhiên, theo như lời kể lại, thì cô bé còn nhiều biểu hiện khác nữa khi “về nhà” như nhận ra người quen và nói trúng được đồ đạc, đồ chơi của mình để ở đâu, những chuyện gì xảy ra lúc trước. “Bây giờ đi đường gặp nhiều người có vợ, có chồng rồi mà nó cứ gọi mày, xưng tao. Nó bảo toàn là... bạn cũ của nó! Ban đầu người ta thấy lạ, mình cũng ngượng ghê. Nhiều người níu lại hỏi chuyện, thấy nó nói cũng đúng, lâu dần cũng thành bình thường. Nên mới gọi nó là Ma Ly là vì thế” - chị Toàn cười rũ rượi. Tuy nhiên, khi tôi hỏi vết sẹo trên đầu còn không thì Ma Ly bảo đã lâu rồi, tóc mọc che hết, không còn nữa. Cũng không hiểu là cô bé nói thật, hay vì ngại mà nói thế. Chí ít thì bây giờ Ma Ly đã là một thiếu nữ, học lớp 11 trường THPT Lạc Sơn A rồi, đâu còn bé bỏng gì.

Chuyện “lộn” của Ma Ly nghe gần giống như chuyện của cậu bé Bình - Tiến chỉ khác là Ma Ly cũng không sống chết đòi về “nhà cũ”, mà chỉ cốt nhận ra nhau thôi. Ma Ly kể rằng em “ăn giỗ” được chừng 3 - 4 năm thì về được với mẹ Toàn. Tôi hỏi: Bây giờ cháu còn nhớ gì chuyện ngày trước không? Ma Ly bảo: Còn nhớ chút ít. Thế mỗi lần về ăn giỗ, cháu vào cửa hay vào từ nóc nhà? Ma Ly cười: Nhà cháu có cửa, cháu việc gì phải về trên nóc. Tôi lại gặng hỏi: Thế bình thường thì cháu ở đâu? Ma Ly đáp: “Cháu ở trên đồi. Chỉ khi nào có giỗ, có cúng, thầy cho vào nhà thì mới được vào. Ngày thường có đi qua nhà nhưng không được vào... Có lần đi qua nhà, cháu thấy cả nhà đang ăn cơm. Đói quá mà chỉ dám đứng ngoài cổng nhìn vào...”. Ma Ly kể rằng cô bé về được nhà mẹ Toàn là vì “con thấy mẹ xinh quá, con cứ đi theo mẹ, nên con về nhà mẹ luôn”. Còn chị Toàn thì nhớ lại lần mang thai ấy, chị có giấc mơ rất lạ. “Tôi mơ có một lần đi xem hát hay cái gì đó dưới bãi đất trống dưới thị trấn, giờ là sân vận động, có một thằng bé tóc xõa cứ đi theo. Tôi sợ quá chạy khắp thị trấn, vòng trốn cả vào nhà một người quen ở dưới đó. Hồi lâu sau lẻn ra cửa, quay sau lưng lại thấy thằng bé đứng đằng sau, sợ quá tỉnh dậy. Nhưng đứa bé trong giấc mơ đó là con trai, còn tôi lại sinh con gái, tôi cũng chẳng để ý nữa. Sau này Ma Ly nói chuyện tôi mới nghĩ...”.

Bây giờ, cứ mỗi khi dịp Tết đến, Ma Ly lại đòi mẹ phải sắm cho một túi quà có đủ hộp mứt, bánh trái, hoa quả để về lễ bố mẹ nuôi. “Mà phải là mứt “xịn” cơ, ghê lắm đấy”, chị Toàn lườm trêu con gái. “Hôm rồi cậu Long, con út nhà ấy (đáng ra là em trai, nhưng vì Ma Ly phải “lộn” lại nên giờ gọi bằng anh) vừa đi bộ đội, anh em chia tay nhau bịn rịn lắm”, chị Toàn kể. Lại nghe đâu cô chị cả nhà bên ấy, chị Hằng, giờ đã lấy chồng ngoài Hòa Bình, đang bảo rủ Ma Ly khi nào học xong phổ thông thì ra đấy làm ăn với vợ chồng chị. “Cháu cũng chưa nhận lời. Cứ để học xong xem thế nào đã”, Ma Ly nhón một quả dâu vừa cùng cô bạn tên Mai bứt từ ngoài vườn vào, bỏ tọt vô miệng, nhoẻn nụ cười hàm tiếu. Hết Thu lúc 3 tuổi ở nhà bố mẹ nuôi Tâm - Dương.

Ghi chép của Việt Ba

Hết

Đón đọc trên các số sau: Phân tích khoa học về các hiện tượng dị thường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm