Bản con “lộn”, con “lẫn” (Kỳ 2)

11/06/2008 13:50 GMT+7 | Thế giới

Thắc mắc của chính người trong cuộc

Trong bài trước, có một chi tiết, đó là khi nghe tin lạ về thằng bé người Mường ấy, anh Tân đã bật ngay dậy và đòi đi tìm con. Về sau, khi đã trở nên thân tình, anh Tân mới tâm sự với tôi rằng khi “thằng cò” nhà anh mất (người trong vùng thường hay gọi các bé trai một cách yêu thương như thế), anh đã đi chạy vạy nhiều nơi. Theo lời anh Tân thì nguyên do là bởi ngày mất của cu Tiến cũng có sự trùng lặp ngẫu nhiên với ông nội. Tuy khác năm, khác tháng, song ông nội cu Tiến mất vào ngày 23 âm lịch, 17 dương lịch, là ngày Chủ nhật. Còn ngày cu Tiến ngã xuống sông Bưởi cũng là ngày Chủ nhật, nhưng lộn ngược lại, là ngày 17 âm và 23 dương lịch.
 
Chị Bùi Thị Dự bên tấm ảnh cậu con trai Bùi Lạc Bình
 khi vừa tròn 3 tháng tuổi.

Chính bởi thế, nên có lẽ việc anh Tân chịu khó “tay nải” đi nhiều nơi cũng là điều có thể thông cảm được. Anh đóng giả xe ôm đưa vợ đi gặp “thầy” Duy ở Yên Thuỷ để “xem bói lá trầu”, và đã từng chầu chực hơn 10 ngày trời ở nhà bà Thi “Mán” ở Hoà Bình vì nghe đồn có... khả năng ngoại cảm để mong “gặp lại” con! “Trong 10 ngày ăn nghỉ ngay tại đó, chính mắt tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp những người vào đó đã rất hả hê vì gặp được đúng người nhà họ. Tuy nhiên, đến trường hợp của tôi, thì lại không phải”, anh Tân nhớ lại. Tôi hỏi tại sao, anh Tân bảo “khi gọi đến tên nhà tôi, tôi tiến lại gần để nghe cho rõ. Đúng lúc có vẻ như “hồn nhập” thì tôi thấy bà Thi dùng tay phải đập con muỗi đậu vào tay trái đánh “bốp” một tiếng. Thế là tôi không tin nữa!” Và hôm đó, bà Thi “mán” nói cũng không đúng – anh Tân nói. Trong nỗi đau mất mát, bậc cha mẹ lặn lội khắp nơi mong được “gặp lại con” cũng là tâm lý dễ hiểu thôi.

Khi tôi đặt câu hỏi, liệu việc nhận cu Bình - Tiến còn có khúc mắc gì bên trong hay không, anh Tân hiểu ngay. Anh Tân biết xung quanh có rất nhiều người tỏ ý hoài nghi về chuyện này. Có người nói rằng có thể do vợ chồng anh gặp khó khăn về đường con cái, nên đón cu Bình - Tiến về nuôi và dựng lên câu chuyện mang màu sắc bí hiểm. “Bản thân gia đình chúng tôi cũng không hề có ý muốn khẳng định điều gì”, anh Tân nói. “Tôi chỉ muốn mọi người biết một điều rằng thằng bé Bình - Tiến hiện giờ đang ở với chúng tôi, và nó là một đứa trẻ hết sức bình thường”. Rồi anh Tân nói không giấu nổi xúc động: “con tôi đã chết rồi. Cháu chết còn trẻ quá. Tôi không hề có ý định đem nó ra để dựng lên một câu chuyện như thế!”

Nguyễn Phú Quyết Tiến (Bình) cũng đùa
nghịch bình thường như bao đứa trẻ khác.
Riêng điều anh Tân nói, tôi tin. Tôi tin là bởi trước khi tôi lên Vụ Bản để thực hiện loạt bài này, được biết ông Nguyễn Phúc Giác Hải ở Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người cũng có nghe chuyện và đề nghị được lên tìm hiểu nhưng bị từ chối. Và khi tôi đặt vấn đề với anh để được tiếp xúc tìm hiểu cháu Bình - Tiến, mặc dù đồng ý và tạo điều kiện cho tôi thực hiện công việc nhưng anh cũng nói đi nói lại với tôi rằng “chú thấy đấy, trước hết tôi khẳng đinh cháu nó là một đứa trẻ bình thường, hết sức bình thường như những đứa trẻ khác thôi!”

Có hay không một mối quan hệ thần giao?

Trở lại trường hợp của cậu bé Bình - Tiến, anh Tân khẳng định trước đến nay gia đình anh chưa hề quen biết chị Dự, anh Hoan. Cho đến giờ phút này, anh cũng chưa biết cô giáo Phương mà chỉ vợ anh biết mặt. Khi gặp chúng tôi, cô giáo Phương cũng xác nhận trước đến nay chưa có quan hệ gì với gia đình này. Cô Phương biết đến chị Thuận chẳng qua chỉ trong một lần đi lễ, gặp đoàn công chức của huyện, người ta nói chị mới biết. Những gì cô Phương biết về cu Bình - Tiến cũng là do một cô giáo tên là Hải ở chi Cọi kể lại. Tạm tin những lời nói đó thì mối hoài nghi về một sự sắp xếp có thể được loại trừ.

Sau khi đón Bình - Tiến về, anh Tân đã bỏ rất nhiều thời gian để theo dõi, tìm hiểu thằng bé. Gần hai năm qua anh Tân đã nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc và tìm hiểu cháu. “Từ cách ăn nói, chơi đùa, đòi đánh nhau với bố, nó rất giống thằng Tiến nhà tôi ngày xưa”, anh Tân quả quyết vậy. Anh Tân bảo anh và chị Thuận không hề bảo thằng bé gọi bố, mẹ, nhưng việc “để” bố (tiếng Mường, “để” là “gọi”) xưng con đối với cu Bình - Tiến cứ tự nhiên đến từ bao giờ. Có thời gian bố con thủ thỉ với nhau, thi thoảng Bình - Tiến cũng kể chuyện cũ ra cho bố Tân nghe. “Những chuyện đó, tôi nghe chỉ biết vậy. Cũng có nhiều cái nó nói tôi thấy đúng, nhưng tôi không vin vào đấy. Thực tế là có những chuyện khác, khi nó đã về đây, còn khiến tôi thắc mắc hơn nhiều” anh Tiến trầm ngâm nhớ lại.

Lần thứ nhất, anh Tân, chị Thuận cho cậu bé về thăm bà nội ở thành phố Hoà Bình. “Lần đầu tiên đến nhà mà nó như đã quen lắm. Nó thông thuộc từng ngóc ngách trong nhà. Vừa vào sân, thấy bà ngồi ở ngoài sân, tôi còn chưa kịp nói thì nó đã tót ngay vào lòng bà. Bà nội cũng chưa biết nó là ai... Tôi cứ tin là nếu không có tình máu mủ, một đứa trẻ 4 tuổi không thể cư xử được như thế, dù có ai xui đi chăng nữa”, anh Tân nhớ lại với một vẻ xúc động.

Dịp tháng 10/2007, anh Tân lại về nhà để sửa lại khu công trình phụ cho mẹ, đi mua vật liệu xây dựng thì không may bị ngã xe, làm rách chiếc quần đang mặc. Buổi tối, anh Tân điện về cho chị Thuận bảo sớm mai gửi một chiếc quần dài khác theo xe chuyến ra Hoà Bình cho anh. Chị Thuận hỏi vì sao rách quần, anh Tân bảo ngã. Chị Thuận cứ gặng hỏi lên hỏi xuống rằng có đúng bị ngã xe hay không, anh Tân lấy làm lạ, bèn hỏi lại. Thì ra lúc chiều đi đón cu Bình - Tiến tự dưng nói “mẹ ơi, con biết rồi nhé, bố bị ngã xe đấy!” Như là có thần giao cách cảm vậy?! Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, thì thần giao cách cảm là hiện tượng truyền ý nghĩ, cảm xúc qua khoảng cách không gian dựa vào các giác quan cảm xúc, chứ không dựa vào các phương tiện kỹ thuật. Hiện tượng kỳ lạ này đang được nghiên cứu, chưa khẳng định rõ ràng về bản chất vật lý, cơ chế của sự mã hoá các thông tin, các phương sách, sự giải mã và ảnh hưởng của nó đến các quá trình sinh lý thần kinh và các quá trình tâm lý như thế nào. Đa phần các trường hợp thần giao cách cảm đều xảy ra giữa những người thân thích với nhau như vợ - chồng hoặc là những người có mối quan hệ huyết thống. Nếu chuyện Bình - Tiến biết anh Tân bị ngã xe ở cách đó gần 60 cây số là có thật, thì có thể giải thích thế nào về mối quan hệ giữa hai người?

Chính quyền: Chúng tôi có nghe chuyện này!

Bà Phạm Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn thừa nhận có nghe những câu chuyện xung quanh “thằng bé nhà chị Thuận”. Theo bà Hảo, thì đấy là cuộc sống riêng của gia đình người ta, chính quyền không tìm hiểu sâu. Tuy nhiên “câu chuyện thằng bé tự tìm về ở nhà chị Thuận tôi có nghe. Hôm nọ tôi gặp hai mẹ con ở ngoài kia, thằng bé nó còn chào tôi”, bà Hảo tươi cười. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hảo cho biết ngoài trường hợp của chị Thuận, bà cũng đã nghe một số trường hợp con lộn, con lẫn khác trên địa bàn, trong đó có trường hợp con lộn khi tìm về được nhà rồi còn bảo vẫn giấu cái đồng mảng (vật hình tròn dẹt trẻ con Mường hay chơi, tựa như đánh đáo) trên ống máng nhà. Người nhà trèo lên tìm mà thấy đúng có thật… “Nhưng những chuyện như thế ở đây người ta thấy cũng bình thường thôi, chẳng mấy ai quan tâm đâu” - bà Hảo kết luận.

Còn ông Hoàng Tiến An, Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Sơn, là lãnh đạo trực tiếp của chị Thuận thì dè dặt hơn. Trước hết ông An xác nhận chị Thuận đang làm công tác thủ quỹ của uỷ ban và từng chuyển từ công tác văn thư đánh máy của Văn phòng lên. “Nếu bây giờ thằng cu nhà chị Thuận còn sống, chắc nó phải học cấp 3 rồi ấy chứ.” Ông An nói mới nghe về trường hợp “thằng cò” nhà chị Thuận, và cũng đã được gặp nó một lần. “Tôi thấy thằng bé cũng bình thường như những đứa trẻ khác, cũng khôi ngô, nhanh nhẹn lắm”, ông An cho biết. Giống như bà Hảo, ông An thừa nhận đã nghe một số chuyện về con lộn, con lẫn tương tự. Ông An còn cho biết theo “kinh nghiệm của nhiều người có tuổi trong vùng”, thì “những trường hợp như thế thường là đến ngoài 12 tuổi, chúng lại tìm đường quay trở về với bố mẹ đẻ thôi.”

Câu chuyện của bà Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Chánh Văn phòng tuy không có lời nào khẳng định trực tiếp về trường hợp của bé Bình - Tiến, song lại khiến chúng tôi nảy sinh suy nghĩ rằng phải chăng chính vì đã có không ít trường hợp tương tự xảy ra ở đây thì các cụ già trong vùng mới có được kinh nghiệm rằng ngoài 12 tuổi, những đứa con lộn, con lẫn sẽ “trở về hẳn với trần gian”, nơi chúng đang ngày đêm sinh sống và học tập?

Khoa học đã liệt các hiện tượng sau đây vào nhóm “lạ thường”: trị liệu tâm linh, ngoại cảm, nhà có ma, ma quỷ và linh hồn, thần giao cách cảm, người ngoài hành tinh thăm trái đất, liên lạc với người chết, thuật chiêm tinh, phù thủy, luân hồi, tiên tri và thấu thị.

Tiếp xúc riêng với người dân trong vùng thị trấn Vụ Bản thì được biết đúng là có rất nhiều chuyện con lộn, con lẫn được... lưu truyền! Theo những câu chuyện đó thì đa phần đều liên quan tới những đứa trẻ chết một cách bất thường (không nằm trong vòng “sinh, lão, bệnh, tử”, hay chuẩn xác hơn mà dân gian vẫn hay dùng là “chết bất đắc kỳ tử”) chứ không phải vì những lý do thông thường. Ngoài ra, cũng theo những câu chuyện thì phần lớn trong các trường hợp con lộn, con lẫn ấy, những đứa trẻ nhớ rất rõ những gì xảy ra trong vòng 100 ngày trước khi chúng qua đời và khi đã “lộn” lại rồi, chúng sẽ cố gắng tìm mọi cách để quay về nhận người thân cũ. Tuy nhiên, không phải đứa nào cũng cố để “quay về nhà cũ” mà thường chỉ là nhận ra nhau hoặc ở đó một thời gian rồi lại quay về với bố mẹ đẻ. Và còn một chi tiết nữa, rằng giai đoạn bộc lộ ham muốn “tìm về chốn cũ” của chúng mạnh nhất là từ 2 đến 6 tuổi, sau đó nhạt dần và nếu đứa trẻ đó sống được đến ngoài 12 tuổi thì sẽ không còn thiết tha tìm lại người thân nữa?

Những câu chuyện “ bất bình thường” như vậy đang nghiễm nhiên tồn tại bình thường trong đời sống xã hội của mảnh đất này.

(Còn nữa)

Ghi chép của Việt Ba

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm