TS Nguyễn Thị Hậu: Luật Đạo hiếu cũng là một lối thoát của xung đột

05/07/2013 12:35 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài về việc “luật hóa” đạo hiếu (xem trên TT&VH số 184, 185 ra ngày 3, 4/7/2013), TT&VH nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của độc giả. Để tiếp tục đưa ra những quan điểm đa chiều về sự việc này, TT&VH có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thị Hậu (TP.HCM). 

Dù chuyên môn sâu của TS Nguyễn Thị Hậu là về khảo cổ, nhưng trong cương vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chị tham gia phân tích khá nhiều vụ việc liên quan đến tiến trình thay đổi và phát triển của xã hội. Biết đến Luật Đạo hiếu của Trung Quốc ngay từ khi nó ban hành, quan điểm của TS này là ủng hộ việc làm luật về tình cảm, đạo nghĩa.

“Một khía cạnh nào đó thì xã hội Việt Nam khá giống xã hội Trung Quốc, cả thời xưa và thời nay. Mức độ phức tạp của xã hội Trung Quốc hiện nay cũng gấp nhiều lần nước ta. Những vấn đề xã hội Trung Quốc đặt ra luôn là những cảnh báo cần thiết và không hề sớm đối với xã hội Việt Nam”, Nguyễn Thị Hậu khẳng định. Chị còn là Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM. Nhìn từ góc độ lịch sử, Luật Đạo hiếu cũng có thể được cắt nghĩa theo các chiều hướng khác nhau.

Thiết chế mới của văn hóa đương đại

TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: Tiểu Anh
* Trên cương vị người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhiều năm, chị nghĩ Luật Đạo hiếu (nếu có) và nhu cầu về luật này phản ánh đời sống xã hội như thế nào?

- Sự ra đời của một thiết chế quản lý, điều tiết xã hội là phản ánh thực tế cuộc sống đã và đang ở vào tình trạng mà cần phải có sự điều chỉnh của luật pháp để đảm bảo quyền lợi hợp lý của những đối tượng nhất định trong xã hội. Thông qua và bằng luật pháp thì việc quản lý xã hội phù hợp với thực tế, giải quyết được các vấn đề cuộc sống đặt ra và ngăn ngừa những hiện tượng không tốt.

Luật Đạo hiếu ra đời ở Trung Quốc, tôi nghĩ, nó đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội nước này. Nó phản ánh tình trạng quan hệ và những trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, ông bà... không thể chỉ dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống, mà cần được điều chỉnh bằng luật pháp cho phù hợp với thực trạng xã hội hiện nay. Luật Đạo hiếu là một thiết chế mới của xã hội, của lịch sử, cũng là của văn hóa đương đại.

* Định tính cho một nhu cầu hay quan hệ tình cảm rất là khó, nên thật khó mà ra luật thật khoa học. Chị có nghĩ như vậy không? Bởi một ví dụ đơn giản cho thấy, một người mẹ ở Quảng Nam có ba đứa con sống ở Sài Gòn, có một đứa rất ít về nhà và cũng ít gọi điện hỏi thăm, nhưng người mẹ ấy lại hay nói: Cái thằng ấy tuy dửng dưng, lạnh lùng nhưng lại có hiếu nhất nhà.

- Nhu cầu hay quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái thật khó mà có thể định tính (đánh giá chính xác về mức độ) nhưng có thể nhận biết mối quan hệ ấy gắn bó mật thiết hay không bằng một số biểu hiện có thể định lượng được (những hình thức biểu lộ tình cảm, sự quan tâm...). Sự biểu hiện này vừa thể hiện tình cảm nhưng đồng thời cũng biểu hiện cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Tôi nghĩ luật chỉ can thiệp khi nào mối quan hệ này được biểu hiện bằng những hành vi xấu của con cái, gây hại hoặc vi phạm lợi ích hợp pháp của cha mẹ.

“Tất nhiên luật không thể quy định cụ thể mức độ tình cảm con cái dành cho cha mẹ, nhưng có thể quy định mức độ những biểu hiện cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái với cha mẹ”.

Trong ví dụ trên, có thể hiểu anh con trai ít khi biểu hiện tình cảm với cha mẹ qua ngôn ngữ, cử chỉ... nhưng có thể anh ta đã biểu hiện tình cảm bằng cách khác. Ví dụ như góp thêm tiền bạc cho cha mẹ sinh sống, biết cha mẹ có nhu cầu vật chất gì thì cố gắng đáp ứng trong khả năng của mình... hoặc đơn giản hơn, anh đã làm được một điều gì đó mà cha mẹ kỳ vọng nơi anh, như sự thành đạt, nổi tiếng, có địa vị... chẳng hạn. Đấy cũng là thể hiện sự hiếu lễ.

Lý hay tình…

* Chữ hiếu và quan niệm về chữ hiếu có phải đang thay đổi? Nhiều khi nó chỉ khác với cái cũ (mà không có gì xấu) cũng làm cho những ai khi giữ giá trị cũ thấy lo lắng nên sinh ra cần luật?

- Quan niệm về chữ hiếu tôi nghĩ thuộc về phạm trù đạo đức, còn Luật Đạo hiếu là để điều chỉnh nghĩa vụ của con cái với cha mẹ. Tất nhiên, luật không thể quy định cụ thể mức độ tình cảm con cái dành cho cha mẹ, nhưng có thể quy định mức độ những biểu hiện cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái với cha mẹ.

* Chị cắt nghĩa ra sao sự quan tâm, tranh luận sôi nổi về điều này?

- Tranh luận sôi nổi, trái chiều thực chất cũng là sự phản ánh nhận thức về tình trạng này trong xã hội: thừa nhận có tình trạng “mâu thuẫn, xung đột” giữa thế hệ cha mẹ và con cái, nhưng giải quyết bằng cái “Tình” theo quan niệm đạo đức truyền thống - nhất là của người phương Đông, châu Á; hay bằng cái “Lý” của xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây? Đã có luật, tức là sẽ có việc giải quyết tại tòa án, có thể tâm lý đa số chưa sẵn sàng với việc này.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm