PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Văn hóa Việt chưa cần 'luật hóa' chữ hiếu!

04/07/2013 09:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/7 vừa qua, Trung Quốc vừa thông qua đạo luật mới bắt buộc con cái phải thường xuyên chăm sóc cha mẹ. Việc “luật hóa” chữ hiếu của nước láng giềng đã khiến cộng đồng mạng Việt Nam “nổi sóng” về việc nên chăng ta cũng cần có một đạo luật tương tự...

Nhân sự việc này, Thể thao & Văn hóacó cuộc trao đổi với PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Quan ngại văn hóa gia đình

PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói: Trung Quốc ra đạo luật vừa rồi một phần cũng là để gắng giữ gìn và tiếp nối văn hóa Nho giáo. Hệ tư tưởng này đặt hai chữ “trung”, “hiếu” làm đầu. Nên khi xã hội xảy ra tiếp biến văn hóa dữ dội, những giá trị truyền thống dần phai mờ, họ đã quyết định ban hành luật để giữ gìn văn hóa của cha ông.

“Còn Việt Nam, chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề của Nho giáo. Chữ “hiếu” cũng là một trong những giá trị cội nguồn của ta (cùng “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”, “tín”). Và việc những giá trị này đang bị công phạt quá lớn đáng để chúng ta quan ngại.”- ông Bình nói tiếp.

Lý giải về những yếu tố đang tác động trực tiếp tới văn hóa gia đình Việt, khiến xã hội càng hiện đại, con cái càng xa cách bố mẹ, ông Bình cho hay: Do tốc độ phát triển của xã hội, quá trình hội nhập quá nhanh đã gây ra những sự rạn vỡ của những mối quan hệ giữa con cái với bố mẹ.

“Thêm nữa, xã hội trong guồng quay công nghiệp khiến lối sống thực dụng, thói vị kỷ, đang làm các mối quan hệ tình cảm trong xã hội  nói chung và văn hóa gia đình nói riêng vụn vỡ nhiều” - ông Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Chữ “hiếu” nay đã khác

Ông Bình nói tiếp: Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, quan niệm về chữ “hiếu” trong xã hội hiện đại đã khác rất nhiều. Trước đây, con cái hiếu lễ là phục tùng răm rắp kiểu “con không nghe mẹ trăm đường con hư”. Còn giờ, con cái không hoàn toàn nghe và làm theo lời cha mẹ nữa. Họ làm theo cái đúng. Và tôi không cho rằng đó là bất hiếu.

Cũng theo ông Bình, chính sự không hiểu nhau giữa các thế hệ xoay quanh chữ “hiếu” như trên khiến nhiều người con “bị oan” (?!). “Vẫn biết, trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của những lớp văn hóa mới khiến nhiều giá trị bị bóp méo. Nhưng trong quá trình tiếp nhận văn hóa, có những giá trị mới, xuất hiện trong bối cảnh mới đáng để ta chọn lọc, tiếp thu và thích nghi trong xã hội thay đổi từng ngày. Miễn sao ta giữ được giá trị nguồn của mình” - ông Bình nói.

“Trước đây, con cái hiếu lễ là phục tùng răm rắp kiểu “con không nghe mẹ trăm đường con hư”. Còn giờ, con cái không hoàn toàn nghe và làm theo lời cha mẹ nữa. Họ làm theo cái đúng. Và tôi không cho rằng đó là bất hiếu” (PGS-TS Trịnh Hòa Bình).

Về tâm điểm của câu chuyện “luật hóa” chữ hiếu như ở Trung Quốc là hạn định số ngày thăm nom cha mẹ, ông Trịnh Hòa Bình bày tỏ: Trung Quốc là một câu chuyện riêng với những nét văn hóa và đặc điểm xã hội riêng. Còn ở Việt Nam, việc quy định ngày tới thăm cha mẹ ở dạng bắt buộc là không cần. Thời buổi công nghệ phát triển vũ bão, không nhất thiết cứ phải gặp mặt mới là có hiếu.

“Theo tôi, chừng nào ở Việt Nam, những người con còn gọi điện, hoặc E-mail, chat... hỏi han bố mẹ thường xuyên, chăm sóc bố mẹ khi đau ốm; chừng đó chữ “hiếu” vẫn bền chặt” - ông Bình chia sẻ.

Chưa cần “luật hóa”!

“Thế nên, tôi thấy, đề xuất của một số luồng dư luận về việc cần ban hành luật chống bất hiếu ở Việt Nam là không cần thiết. Bởi thực tế ta đã có những điều luật chưa tính toán tỉ mỉ cung cách điều hành, cơ sở văn hóa, tính khả thi.... Và nếu điều này còn tái diễn, ắt sẽ dẫn đến tâm lý nhờn luật” - ông Bình chia sẻ.

Ông nói tiếp: “Ví như những ý tưởng: ngực lép không được lái xe, hạ tuổi kết hôn xuống 16 tuổi... những điều luật này không thể triển khai ngay từ “trứng nước” bởi sự lố bịch. Thậm chí, ngay cả những điều luật rất tiến bộ như cấm hút thuốc, ta cũng không tính kỹ cơ chế phạt dẫn đến quá trình thực hiện luật khó khăn và việc phạm luật diễn ra thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.

Khi được hỏi về bộ luật Hồng Đức của Việt Nam, trong đó bất hiếu là tội thứ 7, PGS-TS Trịnh Hòa Bình trả lời: “Luật Hồng Đức vẫn được khen với tính chất chặt chẽ trong các bộ luật của Việt Nam. Song dù sao nó cũng là sự san định, kế thừa của luật Trung Quốc và bị ảnh hưởng nặng nề trong tư duy của Nho giáo. Tôi không bảo tư duy Nho giáo là hoàn toàn lạc hậu, lỗi thời, nhưng giờ tư tưởng ấy không còn là khuôn vàng thước ngọc cho xã hội và hệ văn hóa hiện tại”.

“Hơn thế, mọi hành vi thái quá trong mối quan hệ gia đình hiện tại đều đã có những khung hình phạt nhất định trong bộ luật Việt Nam hiện thời” - ông Trịnh Hòa Bình nói.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm