Tranh cãi sôi sục ở Trung Quốc: Khi chữ 'hiếu' được đưa vào luật

02/07/2013 11:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/7, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới yêu cầu các thành viên trong gia đình phải thường xuyên viếng thăm và chăm sóc cha mẹ đang ngày càng già đi của họ. Việc luật hóa một hoạt động thuộc về chữ hiếu và đạo làm con này đã lập tức gây ra một cuộc tranh cãi sôi sục trong nước.

Luật mới về cơ bản là sự sửa đổi Luật Bảo vệ Quyền lợi của Người cao tuổi, đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 12.

Tăng trách nhiệm của con cái

Luật sửa đổi nói rằng các thành viên trong gia đình phải tới thăm các bậc cha mẹ, ông bà cao tuổi nhiều hơn. Luật cấm mọi hoạt động bạo hành đối với người già, ví dụ chửi mắng, dùng ngôn từ mang tính phân biệt, đánh đập hoặc bỏ rơi.

Luật nhắc lại trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi, cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế. Ngoài ra con cái không được cản trở các hoạt động mang tính tự do khác của người già như kết hôn. Con cái phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đã già của mình, không cần biết tình trạng hôn nhân của họ ra sao. Nếu con cái không chăm sóc cha mẹ tử tế, họ có thể bị các bậc thân sinh ra họ đâm đơn khởi kiện.

Người già neo đơn, bị ngược đãi đang dần trở thành một vấn nạn trong xã hội Trung Quốc

Các công ty tuyển dụng lao động ở Trung Quốc cũng bị yêu cầu phải đảm bảo cho những người làm có cha mẹ sống ở nơi xa phải được hưởng tối thiểu 20 ngày nghỉ phép. Tuy nhiên không ít người đã nghi ngờ việc này có thể trở thành hiện thực.

"Tôi muốn thăm cha mẹ mình thường xuyên, nhưng không có đủ tiền bạc và cũng không có thời gian. Tôi cũng không tin chủ lao động thích thú với việc mình xin nghỉ để về thăm cha mẹ" - Chen Jian, người tới từ Khu tự trị Uyghur ở Tân Cương và hiện đang làm việc ở Bắc Kinh cho biết.

Bảo vệ người già khi dân số đang già hóa

Giới quan sát nói rằng luật mới nhằm chống lại các vụ ngược đãi cha mẹ nói riêng, người già nói chung, đã tăng lên ở Trung Quốc trong mấy năm gần đây.

Đầu tháng này, báo chí chính thống nói rằng một bà mẹ 90 tuổi ở tỉnh Giang Tô giàu có đã bị đứa con trai của bà buộc phải sống trong một cái chuồng lợn trong suốt 2 năm trời.

Một bà mẹ 81 tuổi ở Thiên Kinh cho Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc biết rằng bà đã muốn chết trước lễ Trùng Cửu hồi năm ngoái. Đây là ngày lễ trong đó người Trung Quốc thể hiện sự kính trọng với các bậc tiền nhân và người cao tuổi trong gia đình. Bà muốn chết vì 3 đứa con gái của mình đều đã đi lấy chồng ở nơi xa và chẳng đứa nào buồn về ngó ngàng xem bà ra sao.

Luật mới cho phép các bậc phụ huynh ở Trung Quốc đưa con cái họ ra tòa, nếu hoạt động chăm sóc cha mẹ không được thực hiện tử tế

Hồi tháng 2 vừa qua, một cặp vợ chồng cao tuổi ở tỉnh Hồ Bắc đã tự sát tại Bắc Kinh, sau khi bị con họ buộc phải sống ở một túp lều nhỏ bên ngoài căn nhà của anh ta và chỉ được cấp cho chút thức ăn để tồn tại. Trên báo chí Trung Quốc cũng không hiếm các câu chuyện về việc con cái tìm cách chiếm của cải, tài sản của cha mẹ già, hoặc về những người già chết trong nhà không ai hay.

Tuổi thọ ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong 5 thập kỷ qua, từ 41 tăng lên 73. Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc có 185 triệu người chạm ngưỡng 60 tuổi hoặc hơn vào cuối năm 2011. Con số này bằng 13,7% quy mô dân số. Tới năm 2050, khoảng 1/3 dân số Trung Quốc sẽ hơn 60 tuổi.

Việc người già ngày càng đông trong khi số trẻ mới chào đời thấp đã đẩy Trung Quốc vào quỹ đạo già hóa dân số nhanh. Tình trạng này mang tới các mối đe dọa lớn cho sự ổn định kinh tế và xã hội trong nước, bởi gánh nặng hỗ trợ những người già đổ lên vai lớp trẻ, trong khi an sinh xã hội vẫn còn rất yếu.

Nhưng bị "ném đá" tơi bời

Được biết ngay từ khi mới ở mức đề xuất, luật mới đã gây tranh cãi. Nay nó tiếp tục thu hút nhiều lời chê bai từ cộng đồng mạng và cả giới nghiên cứu. Trước tiên, luật không nêu rõ con cái viếng thăm cha mẹ bao nhiêu lần và trong một khoảng thời gian kéo dài bao lâu thì mới không bị xem là bất hiếu. Luật cũng không nêu rõ án phạt mà một người sẽ phải nhận nếu không tới thăm cha mẹ già.

"Luật này khó khả thi. Nhà chức trách định nghĩa thế nào về chữ “thường xuyên” và họ sẽ đưa luật vào đời sống ra sao" - một người dùng mạng Sina Weibo giấu tên viết. Một người dùng mạng khác nhận xét trên tờ South China Morning Post: "Ý định của chính quyền thì tốt, nhưng phương thức thực hiện thì quá dở. Luật pháp không phải công cụ để quản lý các vấn đề liên quan tới đạo đức. Đạo đức không phải là thứ ta có thể cưỡng ép".

Xia Xueluan, giáo sư của Viện Xã hội học và Nhân chủng học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc cần bổ sung "các biện pháp và tiêu chuẩn mang tính định lượng vào trong đạo luật". Ông đánh giá luật hiện trông giống như "một lời nhắc nhở thanh niên cần quan tâm tới các giá trị gia đình, hơn là một quy định mang tính cưỡng ép phải tuân theo"

Các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ các quyền của người già, thay vì đổ hết trách nhiệm lên con cái họ. "Đảm bảo lương hưu và phúc lợi tương xứng cho người già nên là điểm chính của đạo luật, bởi nó rất dễ thực hiện" - Yu Shaoxiang, một chuyên gia về an sinh xã hội tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm