Olympic Bắc Kinh 2008: Giấc mơ phương Đông

08/08/2008 17:10 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Từ việc bỏ ra hàng chục tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng các đội tuyển cho tới ý tưởng chọn ngày giờ đẹp cho lễ khai mạc (8 giờ 8 phút ngày 8/8/2008), các nhà thể thao Trung Quốc đang làm hết sức mình để thực hiện tham vọng bá chủ thế giới trên đấu trường Olympic. Khẩu hiệu "One world, one dream" của Olympic cũng chính là khẩu hiệucủa đất nước đông dân nhất hành tinh này.

Không chỉ là những cường quốc về kinh tế, chính trị, Mỹ và Liên Xô (và sau này là Nga) còn được xem là hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí dẫn đầu ở các kỳ Thế vận hội trong lịch sử. Tại Moskva năm 80, Liên Xô với lợi thế chủ nhà đã vô địch áp đảo với 80 HCV, hơn đoàn thứ nhì Đức đến 33 HCV, nhưng khi đó, Mỹ không tham dự. 4 năm sau, đến lượt Liên Xô không tới Los Angeles 1984, và đoàn chủ nhà Mỹ đã thể hiện một sức mạnh khủng khiếp với 83 HCV, gấp 4 lần so với đoàn thứ nhì Romania (chỉ 20 HCV).
 
Trong 2 kỳ TVH liên tiếp sau đó ở Seoul và Barcelona, Liên Xô đều chiếm ưu thế, đặc biệt là năm 1988, khi họ giành 55 HCV, còn Mỹ thì sa sút nặng khi chỉ có 36 HCV, dưới cả Đức (37). Sự cạnh tranh quyết liệt tiếp tục được thể hiện khi Mỹ vượt qua Nga ở 2 kỳ TVH sau đó. Nhưng một thế lực khác đã dần nổi lên: Trung Quốc, sau khi họ lần đầu tiên leo lên vị trí thứ 3 TVH Sydney 2000 với 25 HCV.
 

Song phải đến TVH Athens 2004, Trung Quốc mới thực sự mang hình hài một người khổng lồ trong lĩnh vực thể thao. Tại Hy Lạp, đoàn Trung Quốc đã viết lên một câu chuyện cổ tích thực sự khi lần đầu tiên leo lên ngôi thứ nhì, đẩy lùi Nga xuống vị trí thứ 3. Các VĐV Trung Quốc đã giành tới 32 HCV, hơn Nga đến 5 HCV và chỉ kém Mỹ 4 HCV. Thành tích ấy khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của thể thao Trung Quốc. Từ vị trí thứ 4 ở Atlanta, thứ 3 ở Sydney, thứ nhì ở Athens. Liệu đà thăng tiến ấy có thăng hoa ở Bắc Kinh vào mùa Hè này?

Nắm lấy cơ hội

Trong quan niệm phương Đông, "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thành công. Chính vì thế mà người Trung Quốc hiểu rằng kỳ Olympic lần này là một cơ hội rất lớn mà họ cần phải nắm lấy. 7 năm trước, khi vượt qua Moskva, Toronto, Istanbul, Osaka và Sevilla để giành quyền đăng cai sự kiện này, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch đầy tham vọng để thực hiện giấc mơ của mình.

Dĩ nhiên, người Trung Quốc không hề e ngại tốn kém. Để chuẩn bị cho 16 ngày thi đấu của TVH, ước chừng họ đã phải bỏ ra hàng chục tỷ USD, một con số khổng lồ nếu mang so sánh với con số 11,2 tỷ USD mà Athens đã chi cho Olympic 2004. Trong suốt 7 năm qua, về mặt cơ sở hạ tầng, chính quyền Trung Quốc đã tập trung xây mới 31 địa điểm thi đấu tại Bắc Kinh, 6 công trình phục vụ thi đấu ngoài Bắc Kinh và 59 trung tâm huấn luyện thể thao. Trung tâm của khối công trình này là SVĐ Bắc Kinh với sức chứa 90.000 chỗ ngồi, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Herzog & de Meuron (cha đẻ của các SVĐ Allianz Arena và St Jacob Park). Đây sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc vào tối nay.

Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Tại TVH năm nay, Trung Quốc là đoàn có số lượng VĐV đông đảo nhất với 639 người (cả các HLV và quan chức là 1099 người), và tham dự toàn bộ 28 môn thể thao của Đại hội. Trong số này, có 469 người lần đầu ra mắt Thế vận hội, 165 người từng dự Athens 2004 và 37 cựu binh từ Sydney 2000 và 3 người từ Atlanta 96, với độ tuổi bình quân là 24,2. Ngoài vị thế độc tôn ở môn bóng bàn, Trung Quốc còn có nhiều môn thế mạnh khác như điền kinh, lặn, cử tạ, cầu lông, taekwondo, bắn súng, vật…

Còn nhớ ở Athens 2004, riêng bộ môn lặn đã mang về tới 6 tấm HCV cho Trung Quốc, đứng thứ hai là cử tạ với 5 HCV. Trong khi đó quần vợt bất ngờ mang về một tấm HCV ở nội dung đôi nữ với sự xuất sắc của Li Ting và Sun Tiantia.

Mỹ vẫn là đại gia

Mới đây, nhà cái Ladbrokes của Anh thậm chí đã xem Trung Quốc là ứng cử viên số một cho vị trí số 1 toàn đoàn với tỷ lệ cược là 4/11. Trong khi đó, Mỹ (số 1 ở Athens 2004) chỉ xếp thứ hai với tỷ lệ 2/1 còn Nga đứng thứ 3 với khoảng cách khá xa: 25/1. Dĩ nhiên, những đánh giá đó chỉ mang tính tham khảo, và các VĐV Trung Quốc không được phép chủ quan bởi Mỹ vẫn là một cường quốc lớn và họ cũng rất quyết tâm bảo vệ vị thế độc tôn đã giành được suốt 3 kỳ TVH vừa qua.

Tại kỳ Đại hội này, Mỹ chỉ mang tới Bắc Kinh 596 VĐV, chỉ kém hơn chút ít so với Trung Quốc. Các VĐV Mỹ chỉ dự tranh 27 trên 28 môn thể thao, do các đội bóng ném nam và nữ của họ không vượt qua vòng loại. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa họ chịu thua kém nước chủ nhà. Nên nhớ rằng điền kinh, với tổng số 47 bộ huy chương, vẫn là thế mạnh lớn nhất của Mỹ với những tên tuổi như Tyson Gay (100m nam), Allyson Felix (200m nữ) hay Bernard Lagat (1.500m nam). Ngoài ra, còn có thể kể đến các môn bóng chày, bóng rổ, bơi lội, quyền Anh,…

Theo thống kê của Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) thì trong năm 2007 vừa qua, các VĐV của Mỹ đã giành được tổng cộng 100 huy chương ở tất cả các giải VĐTG và Wolrd Cup, nhiều nhất thế giới. Đứng thứ 2 chính là Trung Quốc với 87 huy chương. Điều này càng khẳng định cuộc đua tranh giữa hai đoàn thể thao này sẽ hấp quyết liệt và hấp dẫn.

Tại TVH năm ngoái, Nga đã sa sút hẳn khi kém Trung Quốc 5 HCV. Năm nay họ với số VĐV là 467 người và không dự các môn bóng chày, bóng đá, hockey, bóng mềm và taekwondo. Xem ra các VĐV xứ bạch dương khó lòng đua tranh được với Mỹ và Trung Quốc dù họ vẫn có những môn thế mạnh như xe đạp, điền kinh, bơi và thể dục nghệ thuật. Australia vốn có truyền thống về bơi lội, song sau khi Ian Thorpe giải nghệ, họ không còn giữ vị trí độc tôn nữa, song việc tham dự 26/28 môn thi đấu là một lý do khiến họ có thể vượt mặt Nga. Còn các đoàn như Nhật, Đức, Pháp, Italia, Anh, Hàn Quốc thì có lẽ chỉ đặt mục tiêu vào tốp 5 là tốt lắm rồi.
 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm