Bầu Kiên: Không có tranh giành quyền lực giữa VPF với VFF

14/12/2011 19:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online) – Sáng 14/12, lãnh đạoVFF, 24 ông bầu (14 của các CLB V-League và 10 của các CLB hạng Nhất), cùng sự sát cánh của giới truyền thông đã góp phần tạo nên một buổi sáng Đại hội cổ đông nhiều màu sắc của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Tại đấy, không chỉ có những cam kết, những lời kêu gọi, những lá phiếu mà còn thấy rõ những tính toán và cả những “đấu khẩu” giữa một số nhân vật trong làng bóng đá nước nhà.

 * "Trấn an" VFF và các CLB

VPF đã chính thức ra đời và đi vào hoạt động được xem là một bước ngoặt của bóng đá Việt Nam khi những người trong cuộc thực sự mong muốn có một nền bóng đá trong sạch, minh bạch hơn trong quá trình điều hành các giải VĐQG. Tuy nhiên, với một VPF còn non trẻ, kéo theo nhiều bình luận lo lắng cho tương lai của bộ máy này khi những người trong cuộc đối mặt với những vấn đề về tài chính, về giải quyết quyền lợi với VFF, với các CLB, về hoạt động của bộ máy tập hợp nhiều ông bầu (ở HĐQT) và nhiều nhân vật ở các CLB nay trực tiếp tham gia Ban điều hành, thậm chí cả sự tái xuất của một “cựu binh” như cựu Phó chủ tịch VFF Trần Duy Ly (nay được bổ nhiệm làm Trưởng Ban tổ chức giải ngoại hạng, V-League 2012). 


Đại hội cổ đông VPF ngày 14/12 tại Hà Nội

  

Tuy nhiên, những sáng lập viên của VPF, trong đó có bầu Kiên, đã có những giải thích công khai để làm rõ những vấn đề nhiều người còn thắc mắc, đặc biệt là câu chuyện liên quan đến tài chính. Khi VPF hoạt động, các nguồn thu của VFF từ giải VĐQG sẽ bị cắt giảm bởi VPF sẽ tiếp quản việc điều hành quản lý giải và nhiều người băn khoăn bộ máy VFF sẽ “đói” và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động khác như đào tạo trẻ, hoạt động của các ĐTQG. Một lãnh đạo VFF đã ước tính có tới 90% nguồn thu của VFF đã chuyển sang cho VPF.      

Trong phát biểu ngay trên bàn chủ tịch đoàn điều hành Đại hội cổ đông VPF, bầu Kiên đã khẳng định: “Lợi nhuận trước thuế của VPF sẽ được trích một phần phù hợp cho công tác đào tạo trẻ, hỗ trợ cho các ĐTQG. Ngay ở cuộc họp trù bị trước Đại hội, chúng tôi đã hội ý  hỗ trợ VFF như thế nào để duy trì và phát triển các ĐTQG, cho công tác đào tạo trẻ. Chúng tôi đảm bảo sẽ trích kinh phí một cách phù hợp và không thấp hơn các mức VFF đã chi. Xây dựng bóng đá Việt Nam là trách nhiệm chung của mọi người. Chúng tôi tạo ra VPF là chọn mô hình phù hợp với quy luật phát triển, là muốn bóng đá Việt Nam phát triển chứ không phải là tranh giành quyền lực giữa VFF và VPF”.


Bầu Kiên và bầu Đức ở Đại hội cổ đông VPF sáng 14/12 - Ảnh D.A

Từ kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường và có hơn chục năm làm bóng đá, bầu Kiên đã cho biết VPF sẽ không lỗ ngay từ năm đầu tiên. Tân Phó chủ tịch HĐQT của VPC cũng khẳng định nguồn vốn pháp định 30 tỷ đồng của các cổ đông sẽ được bảo toàn, VPF sẽ không sử dụng một đồng nào từ đấy. Các phương án tài chính cụ thể về việc đóng góp tài chính sẽ được HĐQT, Ban điều hành làm việc cụ thể trong các ngày tới để ổn định tình hình khi mùa giải mới đã cận kề. Theo ông Kiên, trong vòng 1 tuần nữa, HĐQT sẽ trình các cổ đông một kế hoạch chi tiết về kinh phí hoạt động và các nguồn thu của năm 2012.  

* "Đấu khẩu" ngay tại Đại hội cổ đông   

Đúng như dự kiến, “nóng” nhất ở Đại hội cổ đông lần thứ nhất VPF vẫn là bài toán nhân sự. Việc ai sẽ làm chủ tịch Hội đồng quản trị khi Ban trù bị thành lập VPF "nghiên cứu", hay khi giới thiệu các ứng viên cho HĐQT tập hợp nhiều ông bầu là các doanh nhân tên tuổi ở Việt Nam đã được thảo luận sôi nổi.

Về chiếc ghế chủ tịch HĐQG trước đây dự kiến được nhắm cho Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (đại diện phần vốn cho VFF chiếm tới 15,4% vốn điều lệ của VPF, nhiều nhất trong số các cổ đông), theo giới thiệu của bầu Kiên thì ông Dũng không sẵn sàng cho vị trí chủ tịch VPF vì không có nhiều thời gian khi phải đảm nhận nhiều vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp (ngoài vai trò Phó chủ tịch VFF). Bầu Kiên cũng nhắn nhủ các cổ đông: “Tôi mong muốn quý vị không bầu cho tôi vì tôi không có nhiều thời gian. Ban trù bị chúng tôi đã thuyết phục anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB ĐT.LA, từng là đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Tôi cũng muốn rút không tham gia HĐQT, nhưng anh Thắng kiên quyết là nếu tôi rút lui thì anh ấy sẽ không làm Chủ tịch HĐQT nếu được bầu”.    

Phát biểu của bầu Kiên đã nhận được một vài tiếng xì xào và đại diện của CLB Hà Nội (thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần thể thao T&T) đã đứng lên bày tỏ: “Nếu anh Kiên không muốn và không có thời gian thì nên rút ngay từ đầu”. 


Bầu  Kiên phát biểu về chuyện nhân sự  ở ĐH cổ đông VPF - Ảnh  D.A

Theo quy định ở Đại hội cổ đông, chỉ có các CLB ở V-League mới được đề cử các ứng viên để chọn 4 thành viên đại diện cho 14 CLB V-League ở HĐQT VPF (gồm 9 thành viên với cơ cấu 3 đại diện của VFF, 4 đại diện của các CLB V-League, 1 đại diện của các CLB hạng Nhất và 1 đại diện là ứng cử viên độc lập) và với việc một đại diện của một CLB hạng Nhất “vào nhầm địa chỉ”, ông Kiên đã thẳng thừng: “Đề nghị anh ở giải hạng Nhất về bàn chuyện ở hạng Nhất, để quyền đó cho 14 CLB V-League”.

Ông Kiên đã chia sẻ thêm về chuyện đề cử nhân sự vào HĐQT: “Anh Đức gần như là Chủ tịch của một doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Anh Đức không có nhiều thời gian, đang tập trung sức lực cho kế hoạch kinh doanh ở Lào, Campuchia, cả đời chưa làm phó cho ai, nhưng hôm nay đã chấp nhận làm phó cho anh Thắng”.

Tiếp lời bầu Kiên, bầu Đức đã lên tiếng: “Tôi có cảm giác phát biểu vừa rồi là thiếu tinh thần xây dựng. Trong số chúng tôi nhiều người không có thời gian, nhưng đến đây vì bóng đá Việt Nam. Nếu không vì bóng đá Việt Nam thì chúng tôi đã không ngồi đây”.

Dù sao, những chuyện bên lề đó ở sáng 14/12 tại trụ sở VFF đã được nhanh chóng gạt sang một bên và các cổ đông đã lựa chọn được những đề cử mà họ cho là thích hợp nhất vào thời điểm này cho các vị trí quan trọng ở HĐQT, Ban điều hành của VPF.    

Cùng với những phát biểu “nóng” quanh chuyện nhân sự, các đại biểu dự Đại hội đã được thông báo về những thay đổi lớn ở các mùa giải tới liên quan đến công tác đào tạo trẻ, vấn đề sử dụng ngoại binh (theo hướng giảm dần sự phụ thuộc của các CLB vào ngoại binh), vấn đề về đại diện cầu thủ… 

                                         Trần Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm