VPF và bài toán kinh tế: Để trở thành “con gà đẻ trứng vàng”

14/12/2011 13:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Theo những con số do tập đoàn kiểm toán kinh tế thế thao Deloitte mới công bố thì doanh thu tổng cộng của các CLB đang chơi ở Premier League trong mùa giải 2010-2011 là 2,2 tỷ bảng Anh, tăng 8,37% so với mùa giải trước (ở mùa giải 2009-2010 con số này là 2,03 tỷ).

Cũng theo những con số của Deloitte dựa trên nền tảng của tổng doanh thu tại Premier League thì khoản lợi tức mà Premier League thu được nhiều nhất là từ kinh doanh và dịch vụ. Trong đó, từ mùa giải năm ngoái đến năm nay, lợi nhuận của Premier League đã tăng lên 6% (tương đương 460 triệu bảng). Phần lợi nhuận này chủ yếu đến từ quảng cáo, tài trợ, kinh doanh thương hiệu, bán vé các trận đấu và các sản phẩm, dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, lợi tức đến từ các hoạt động truyền thông của giải Ngoại hạng Anh cũng không hề nhỏ. Việc bán bản quyền truyền hình cho các tập đoàn truyền thông lớn trong nước và thế giới đã mang lại cho Premier League trên 1 tỷ bảng Anh. Cụ thể, từ mùa giải năm ngoái đến mùa giải, doanh thu từ truyền hình đã tăng 7% lên con số 1,4 tỷ bảng. Đặc biệt, việc ký hợp đồng mới trong mùa giải năm nay có khả năng sẽ tăng doanh thu cho Premier League lên gấp đôi (khoảng 2,2 tỷ bảng).

Ngoài ra, tiền bán bản quyền truyền hình ra nước ngoài cũng tiếp tục tăng khoảng 40%. Sở dĩ có được tốc độ tăng trưởng như vậy là do Premier League đã có những chính sách đặc biệt dành cho thị trường châu Á, châu lục đông dân nhất thế giới, như thay đổi lịch thi đấu để các trận đấu thường được bắt đầu từ trưa cho đến chiều để đảm bảo cho các CĐV tại châu Á có thể theo dõi đầy đủ, thường xuyên tổ chức các chuyến du đấu châu Á cho các CLB…

Chính nhờ vậy mà thu nhập từ bán bản quyền truyền hình và bán vé cùng các sản phẩm biểu tượng khác của các CLB thuộc Premier League ở mùa giải vừa qua (tính trên toàn thế giới) đã tăng gấp 10 lần so mùa giải Ngoại hạng đầu tiên (1992-1993).

Số tiền khổng lồ thu được từ việc bán bản quyền truyền hình được BTC giải Ngoại hạng Anh chia làm 3 phần. Một nửa trong số này được chia đều cho cả 20 CLB tham dự Premier League. 1/4 tổng số tiền được cấp cho các CLB tùy thuộc vào vị trí mà họ có được trên bảng xếp hạng vào cuối mùa giải. 1/4 còn lại được trả cho các CLB để thuê SVĐ thi đấu khi có trận đấu được truyền hình trực tiếp.

Đây là một liều thuốc kích thích các đội bóng thi đấu tại Premier League bởi một vị trí cao hơn vào cuối mùa giải cũng đồng nghĩa với việc năm sau họ sẽ có nhiều trận đấu được truyền hình trực tiếp hơn, kéo theo số tiền bán bản quyền truyền hình cũng tăng lên.

Suy cho cùng, sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc về tài chính của Premier League có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là việc BTC giải Ngoại hạng Anh đứng ra thay mặt cho tất cả các CLB để đàm phán với các hãng truyền hình và phân chia số tiền thu được cho các CLB một cách công bằng như đã nói ở trên (trong khi ở giải đấu của các nước khác, mỗi CLB phải tự lo việc này)

Dưới sự điều hành công khai, minh bạch của Công ty cổ phần FA Premier League cùng những “tuyệt chiêu” trong việc quảng bá hình ảnh, đánh bóng thương hiệu và tiếp thị, Premier League đã trở thành giải đấu số một thế giới như thế đó. Liệu VPF của chúng ta có học được theo để biến V-League thành “con gà đẻ trứng vàng”?

Thành Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm