Trước thềm Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF: Trách nhiệm

13/12/2011 11:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Chỉ còn chưa đầy 24h nữa, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF sẽ diễn ra mang theo rất nhiều kỳ vọng về một diện mạo mới của nền bóng đá VN. Nhưng kỳ vọng ấy sẽ rất khó trở thành hiện thực nếu các thành viên tham dự Đại hội thiếu một điều mà thoạt nghe tưởng như phải là chuyện đương nhiên: trách nhiệm.

Phe phản đối

Phải đặt ra vấn đề như vậy bởi ngay lúc này, nếu cần liệt kê, người ta sẽ dễ dàng lập ra bản danh sách của các CLB mà quyền lợi của họ (nhiều khả năng) bị xâm phạm trong trường hợp VPF ra đời, hoặc đối với một số CLB khác, sự thay đổi từ mô hình BTC cũ sang mô hình Cty CP điều hành bóng đá chuyên nghiệp VN vốn chưa phải là vấn đề sát sườn với đội bóng của họ.

Người ta cũng tin rằng, sự vắng mặt của một số ông chủ đội bóng tại Hội nghị Chủ tịch các CLB diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 9 (Hội nghị mở đầu cho sự ra đời của VPF), và sau đó các ông chủ ấy cũng không hề xuất hiện ở các cuộc họp tiếp theo để xúc tiến thành lập VPF là một việc làm có chủ đích.


Tương lai của VPF vẫn đang khiến những người trong cuộc như Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng phải lo lắng

Nên không ngạc nhiên khi ai đó đã đánh giá, nếu tiến hành bỏ phiếu kín thay vì biểu quyết công khai, chưa chắc tỷ lệ ủng hộ sự ra đời của VPF đã đạt đến mức 100% trong buổi hội nghị có tính “lịch sử” vừa nhắc ở trên.

Những ý kiến công kích vào những nhược điểm của VPF ngay cả khi cái Công ty ấy chuẩn bị nên hình hài trong những ngày qua là một ví dụ khác chứng minh sự tồn tại của “phe phản đối” là có thật. Điều đó cũng có nghĩa rằng, không có gì đảm bảo “nghị sự” sẽ không biến thành “chiến sự” một khi cái nhìn không cùng hướng về một phía (điều từng xảy ra ở cuộc họp gần nhất giữa đại diện các CLB xoay quanh mức góp vốn của thành viên tham gia VPF).

Và nội bộ phe ủng hộ

Song bất luận thế nào, khi “bánh xe lịch sử” đã quay, những xu thế đối lập (nếu có) cũng chỉ có thể gây ra những khó khăn nhất định chứ quyết không thể ngăn cản nổi tiến trình ấy. Tức là cho dù có xoáy vào chuyện lỗ lãi hay nhân sự... của VPF thì điều đó cũng không thay đổi được sự thật là kể từ mùa giải tới, bóng đá VN sẽ vận hành theo một cơ chế không giống như những gì diễn ra hơn 10 năm qua. Nhưng bên cạnh đó còn có một sự thật khác: Không phải ai, đội bóng nào cũng hiểu, tin tưởng vào VPF như bầu Kiên và những ông chủ CLB cùng chí hướng với ông.  

Trở lại với Hội nghị Chủ tịch các CLB diễn ra cuối tháng 9, trong khi bầu Kiên thao thao bất tuyệt đọc bản đề án thành lập VPF của ông, không phải không có những ánh mắt ngơ ngác đi kèm cảm giác lạ lẫm từ phần còn lại.

Có ông chủ đi họp nhiều chắc “nhàm” nên thỉnh thoảng lại bỏ ra ngoài hút thuốc lá. Có ông chủ khác đã lên kế hoạch bán lại đội bóng từ lâu nhưng vẫn cố góp mặt, nói vài câu để “các anh” biết đến mình và cuối buổi... xin số của các “đại gia”.

Cả khán phòng ngày hôm đó đã suýt ôm bụng cười với cách một ông chủ mới chỉ nhảy vào làm bóng đá vỏn vẹn chừng một năm nhưng cũng “xung phong” kể chuyện vào phòng ăn bị HLV và cầu thủ “đuổi ra ngoài”, để rồi xem đó như là nguyên nhân khiến ông quyết tâm xây dựng “bóng đá đạo đức”. Nhưng mới đây, cũng ông chủ ấy lại treo 80 tỷ đồng lên để kích thích binh tướng trước mùa giải mới (?).

Nên nếu có một sự nghi ngờ rằng tỷ lệ 100% ủng hộ sự ra đời của VPF được thông qua ấy là sản phẩm của “gió” và “xoay”, dưới áp lực của những nhà tài phiệt như bầu Kiên, bầu Đức... thì điều đó cũng không hoàn toàn là vô lý.

Nhưng dù thế nào, một khi đã cùng nhau ký vào bản cam kết và đơn xin thành lập VPF, các đội bóng giờ đã là kẻ cùng hội cùng thuyền. Sự thay đổi được kỳ vọng theo chiều hướng tích cực của bóng đá VN (đi kèm với quyền lợi của các CLB) là của chung chứ không thuộc về riêng ai cả. Một tinh thần trách nhiệm cao vì đại cục trong Đại hội ngày mai suy cho cùng cũng là vì chính mỗi thành viên.               

Đức Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm