Cựu Tư lệnh Quân khu 4 Đoàn Sinh Hưởng: Tiếc cho một câu chuyện cổ tích thời V-League !

31/10/2009 19:07 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Cuối cùng thì Quân khu 4 cũng không thoát khỏi số phận tương tự người đàn anh Thể Công khi được chuyển giao hẳn cho một doanh nghiệp không nằm trong ngành quân đội. Sự nuối tiếc và hụt hẫng dấy lên trong lòng nhiều người gắn tình yêu của mình với màu áo lính. Riêng với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, cảm giác ấy còn lớn hơn bởi ông là người gây dựng lên đội bóng từ khi mới về nắm quyền tại QK4.

Đội bóng còn hơn cả một người tình !?

* Cảm tưởng của ông ra sao khi phải chia tay đội bóng vốn gắn bó máu thịt với mình? -

 Tôi nhớ năm 2003 tôi được thuyên chuyển về làm Tham mưu trưởng tại Quân khu 4, cuộc sống của anh em đội bóng cơ cực lắm. Toàn đội chưa nhận được sự quan tâm nhiều, còn nơi tập trung đội bóng dột nát và tạm bợ. Cầu thủ lúc ấy mất hẳn động lực thi đấu kéo theo đội suýt chút nữa tụt xuống giải hạng Ba. Phải có quá trình dài QK4 mới có được một thứ hạng tốt như bây giờ với bao kỷ niệm buồn vui. Nên buồn và thấy thiêu thiếu thế nào ấy khi phải chia tay với các cầu thủ sau nhiều năm gắn bó.

* Bản thân ông phải làm gì để đưa đội bóng vượt qua những ngày đen tối nhất?

- Sẵn máu đam mê bóng đá trong người, tôi ra sức thuyết phục Tư lệnh, cũng như các thành viên của Bộ tham mưu Quân khu cải thiện hơn về chế độ ăn uống, lương thưởng. Sau đó là việc mời HLV Vũ Quang Bảo về nắm quyền huấn luyện, chỉ đạo. Cùng với đó là sự quan tâm và đồng cam cộng khổ với anh em qua những ngày cơ cực... Nói ra thì không hết những thách thức lúc ấy nhưng chúng tôi đứng vững nhờ biết động viên nhau là chính. Đó là cái tình của những người đồng chí mà không phải là người lính thì không hiểu rõ được.

* Tức là đối với ông QK4 là một người tình không thể thiếu được...

- Còn hơn cả một người tình chứ. Nếu là người tình còn có lúc giận hờn chứ quản lý đội bóng thì nào dám có chuyện đó. Chúng tôi phải chỉnh lại đội bóng từng chút, từng chút một. Mừng nhất là đội bóng vượt qua được những thời điểm giông bão để hướng tới những mùa quả ngọt. Hồi hộp nhất là khi QK4 thi đấu VCK giải hạng Nhì tại tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8/2005 Lúc đó, tôi và BLĐ Quân khu như ngồi trên đống lửa ở thành Vinh. Từng tình huống của trận đấu được cập nhật phút qua điện thoại và hạnh phúc như vỡ òa khi QK4 chính thức thăng hạng trong tư thế nhà VĐ.


Cựu Tư lệnh Quân khu 4 Đoàn Sinh Hưởng

* Còn thời điểm đội bóng đứng trước cơ hội VĐ giải hạng Nhất trước sự đeo bám sát sao của những đại gia như V. Ninh Bình, hay T&T.Hà Nội thì sao thưa ông?

- Công việc ở quân khu bận bịu vô cùng nhưng BLĐ vẫn luôn giành sự quan tâm sát sao tới anh em cầu thủ. Thú thực tiềm lực của chúng tôi chưa đủ để lên chơi tại V-League nhưng chúng tôi vẫn ra chỉ thị anh em phải thi đấu hết sức mình. Dù gì cơ hội chỉ tới trong đời có đôi ba lần, cờ đã tới tay mà không phất chỉ e sau này nuối tiếc không kịp. Hạnh phúc và xen lẫn cả bất ngờ khi chúng tôi vượt qua T&T.Hà Nội để trở thành tân vương tại giải hạng Nhất. Đó là thành tích mà có nằm mơ chúng tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ tới khi bắt tay vực dậy đội bóng.

Đã sinh ra “con” nào ai muốn “bán” đi…

* Vậy ông biết được thông tin Ngân hàng Nam Việt (NAVI Bank) chính thức thương thảo và tiếp nhận đội bóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy?

- Do bận một số công việc nên cách đây khoảng 3 ngày trước tôi mới trở về TP Vinh và nghe anh em thông báo lại. Chuyện một số doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào đầu tư cho đội bóng đã manh nha xuất hiện từ cuối mùa giải trước. Nhưng tôi cũng không ngờ là mọi chuyện lại chuyển biến nhanh chóng và dứt khoát tới như vậy. Đội bóng QK4 không còn và ngay cả những mối dây ràng buộc cuối cùng cũng được cắt đứt hoàn toàn khi đội bóng được chuyển hẳn vào TP HCM và thi đấu dưới một cái tên “đặc sệt” của một doanh nghiệp.

* Cảm giác của ông lúc ấy chắc phức tạp lắm khi mọi thứ thay đổi chóng vánh ấy?

- Tôi không biết sao nhưng một nỗi buồn ghê gớm dâng lên trong lòng mình. Đầu tiên là sốc và mọi thứ xung quanh quay cuồng ghê gớm. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn bỗng ùa về trong chớp mắt. Ấy vậy mà mọi thứ lại tuột xa khỏi tầm tay chỉ trong khoảnh khắc. Bây giờ mọi thứ không thể thay đổi nhưng tôi ước giá như mọi thứ vẫn cứ y nguyên như trước thì hay biết mấy.

* Bản thân ông nghĩ sao khi BLĐ Quân khu đưa ra một quyết định có tính gây sốc tới như vậy?

- Biết nghĩ sao đây khi mỗi người có một cách thức suy nghĩ và làm việc riêng. Làm bóng đá ở quân khu chẳng dễ tí nào đâu nên tôi càng không muốn bình luận quyết định nhạy cảm ấy. Ngay như việc tăng lương cho ngoại binh cuối mùa rồi cũng gây nhiều tranh cãi dù đó là tiền lấy ra từ nguồn vốn tài trợ cho đội bóng. Cách quyết định dứt khoát trên giúp quân khu bớt đi nỗi lo cũng như sự lưỡng lự trong cách thức tiến lên chuyên nghiệp. Nó chỉ thiệt cho những người lỡ yêu màu áo lính, từng chia bùi xẻ ngọt và dành trọn niềm tin vào đội bóng QK4 mà thôi.

* Vậy còn các người lính đang khoác trên mình chiếc áo cầu thủ. Họ sẽ ra sao trước quyết định làm thay đổi hẳn cuộc đời binh nghiệp của họ?

- Chuyện đội bóng giữ bản sắc mới khó chứ việc này thì giải quyết đơn giản thôi. Đối với những cầu thủ mang hàm hạ sỹ quan sẽ ra quân sau khi hết hạn nghĩa vụ. Riêng với các cầu thủ mang hàm sỹ quan như Đình Luật, Thanh Vân sẽ khá là hóc búa. Họ sẽ phải đứng giữa hai lựa chọn khi tiếp tục binh nghiệp hay sẽ từ bỏ tất cả những công sức trước đó để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa của nó. Sẽ là quyết định không dễ khi QK4 không còn quản lý đội bóng như trước nữa song tất cả phải lựa chọn hướng đi cho mình là điều chắc chắn rồi.

Bóng đá Quân đội không đáng có một kết cục như vậy!

* Ông giải thích sao khi QK4 cũng không tránh khỏi vết xe đổ của người đàn anh Thể Công khi phải chuyển giao cả “phần hồn, phần xác” cho một người khác?

- Các đội bóng Quân đội có được một lịch sử hào hùng bậc nhất trong nền bóng đá nước nhà nhờ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt của những người như chúng tôi. Ngay cả QK4 có tồn tại chật vật đi chăng nữa nó vẫn là của riêng QK4 và những người yêu bóng đá lính. Cuộc sống một người lính thì nào có giàu có gì cho cam. Nhưng khi nhắc tới đội bóng Thể Công, QK4 hay QK5, người lính có quyền tự hào lắm lắm bởi không phải ai có tiền cũng làm được. Bán đi đội bóng hay gạch tên đội khỏi các giải đấu thì tất cả những công sức và tâm huyết của chúng tôi cũng biến mất. Ai chẳng đau, chẳng xót khi nhìn đứa con do mình dứt ruột đẻ “thay tên, đổi họ”.

* Nghĩa là...

- Bóng đá giờ chuyên nghiệp mà, cái gì cũng có thể quy thành tiền cả và ngay cả mức độ tình cảm cũng bị chi phối bởi giá trị của đồng tiền. Việc các đội bóng Quân đội vắng bóng tại V-League hay trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp là ngôn ngữ nói theo kiểu hoa mỹ. Còn ẩn chứa sau đó là một nỗi đau quá lớn. Cái gì cũng cần phải tiến lên song không có nghĩa là “bước ngang” trong quá trình lịch sử. Tôi cũng không thể cắt nghĩa hết sự thay đổi của thời thế. Tuy thế, bóng đá Quân đội đáng ra không phải nhận một cái kết buồn như thế.

* Nhưng ông và một số vị lãnh đạo khác cũng gần như bế tắc trong việc duy trì đội bóng trước xu thế doanh nghiệp hóa các đội bóng thì sao?

- Chúng tôi cũng muốn duy trì những thành quả của nó chứ nào ai muốn đổ tất cả ra sông, ra biển đâu. Muốn duy trì không phải là cách tốt mà phải tìm con đường phát triển mới là quan trọng hơn. Song chúng tôi đâu có được tạo hành lang để phát triển đội bóng xứng với tầm và thế của mình đâu. Nếu đội bóng được chuyển thành một đơn vị làm kinh tế và tự thu chi thì hay biết mấy. Bởi bóng đá chuyên nghiệp không thể sống mãi bằng tình cảm hay hô hào suông khi bụng mình đói cả.

* Chắc ông tiếc nuối lắm khi QK4 không còn được nhắc tới như một câu chuyện cổ tích với “1 bát phở, 2 quả trứng vịt lộn” như ngày ông đón đội bóng trở về nữa.

- Bánh xe lịch sử không bao giờ dừng lại và những người lính chúng tôi luôn phải chấp nhận mọi quyết định, dù là nghiệt ngã nhất. Hơn nữa đời người tôi gắn mình với nghiệp lính và đã làm thì phải dành trọn tâm huyết và sức lực. Bây giờ tất cả đã ở thế mọi sự đã rồi nên phải hướng tới tương lai hơn là chỉ ra ai sai, ai đúng. Tôi vẫn tự an ủi mình rằng đội bóng vẫn phải sống dù có chuyện gì đi nữa. Nó còn tốt hơn việc đội bóng biến mất hoàn toàn khi không tìm ra được lối thoát cho chính mình.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi !

Nhã Nam (thực hiện)

Sau khi tiếp quản toàn bộ đội bóng, BLĐ NAVI Bank cũng mời HLV Vũ Quang Bảo tiếp tục ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng tại đội bóng. Ngoài ra, TGĐ Lê Quang Trí cũng nhắm “tướng về hưu” Đoàn Sinh Hưởng vào chiếc ghế GĐĐH. Mọi việc xem ra đơn giản bởi “tướng” Hưởng không còn vướng bận bất cứ điều gì sau khi xuất ngũ. Song ông khá lưỡng lự vì gia đình ông muốn ông ở lại thành Vinh hơn là phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi cùng đội bóng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm