'Giải mã' những giờ cuối đời của triết gia Plato

11/05/2024 06:32 GMT+7 | Văn hoá

Được khám phá từ năm 1750, nhưng phải mất gần thế kỷ, các nhà khoa học mới có thể bước đầu "giải mã" tư liệu cổ ghi lại những giờ phút cuối đời của Plato, triết gia lớn nhất trong lịch sử.

Cần nhắc lại, Plato (khoảng 428/427 hay 424/423 - 348/347 trước Công nguyên) là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử với nhiều triết thuyết về thơ ca, hiểu biết, đạo đức và chính trị. Cuộc đời của ông đã được ghi chép rải rác trong nhiều tác phẩm nhưng có nhiều dị bản và những khoảng trống.

Còn bây giờ, như công bố vừa qua của một nhóm chuyên gia tại Italy, các công nghệ hình ảnh mới đã được sử dụng để giải mã một cuộn giấy cói cổ bị cacbon hóa và mở ra thêm nhiều thông tin về triết gia này.

Giải mã giấy cổ nhờ công nghệ mới

Nội dung trên cuốn giấy cổ này là những chi tiết về giờ phút cuối đời cũng như nơi chôn cất Plato. Văn bản có tuổi đời nhiều thiên niên kỷ tiết lộ rằng triết gia Hy Lạp đã "nghe nhạc" trước khi chết.

'Giải mã' những giờ cuối đời của triết gia Plato - Ảnh 1.

Một bức tượng chân dung Plato

Cuộn giấy này được bảo quản bên dưới các lớp tro núi lửa sau vụ phun trào của núi Vesuvius, từng chôn vùi thành cổ Herculaneum và vùng lân cận Pompeii vào năm 79 trước Công nguyên. Nó được khám phá vào những năm 1750 nhưng tới giờ, với việc áp dụng những công nghệ mới, mới có thể đọc được.

Cuộn giấy cói cổ có tựa đề Lịch sử của Học viện được viết bởi Philodemus xứ Gadara (110 - 40 hoặc 35 trước công nguyên), một triết gia theo chủ nghĩa Epicurus từng học ở Athens. Nó ghi chép về cuộc đời và những thành tựu của Plato, bao gồm cả câu chuyện chưa từng được biết đến về những giờ phút cuối cùng của triết gia này.

Theo văn bản, tuy ốm đau, Plato vẫn chào đón các vị khách của mình, được nhắc tới là "vị khách xứ Chaldea". Điều cho thấy nhà triết học đã thực hiện nhiệm vụ của mình về lòng hiếu khách - điều rất thiêng liêng với người Hy Lạp.

'Giải mã' những giờ cuối đời của triết gia Plato - Ảnh 2.

Cuộn giấy cói cổ nói về Plato

Vào những giờ cuối đời, bị sốt nặng và nằm trên giường bệnh, Plato đã được một phụ nữ người Thracia (bị bắt làm nô lệ) thổi sáo cho nghe. Theo một đoạn hội thoại được viết trong văn bản, ngay cả khi đang phải chống chọi với cơn sốt và cái chết cận kề, Plato vẫn phê bình người nhạc công là thiếu khả năng tạo nhịp điệu. Không ngạc nhiên khi từ một khúc nhạc, một triết gia như Plato vẫn chỉ ra sự khác biệt giữa thực tại và lý tưởng cho tới phút cuối đời!

Plato qua đời ngay sau đó tại Athens vào khoảng năm 348 hoặc 347 trước công nguyên (TCN), thọ 80 hoặc 81 tuổi.

Văn bản mới này phù hợp với một số chi tiết được cho là của Philodemus ghi chép trước đây về cái chết của Plato, có bổ sung về thái độ của Plato trước khi qua đời. Nó trái ngược với câu chuyện của nhà viết tiểu sử Diogenes Laertius rằng Plato chết trong một bữa tiệc cưới.

Nơi chôn cất Plato cũng được tiết lộ trong văn bản hiện đã được giải mã. Trước đây người ta biết rằng Plato đã được an nghỉ ở đâu đó tại Học viện Athens, trường đại học lâu đời nhất thế giới do ông thành lập. Nơi này vốn rất rộng lớn.

'Giải mã' những giờ cuối đời của triết gia Plato - Ảnh 3.

Herculaneum, nơi khai quật cuộn giấy

Văn bản được giải mã cho thấy triết gia Hy Lạp này được chôn cất trong khu vườn được ông chỉ định tại Học viện, một khu vực riêng gần đền thờ thiêng liêng của các nàng thơ. Ngoài ra, văn bản còn làm rõ rằng Plato từng bị bán làm nô lệ lên đảo Aegina vào năm 404 trước Công nguyên, khi người Sparta chinh phục hòn đảo này hoặc vào năm 399 trước Công nguyên ngay sau cái chết của Socrates, trước khi danh tiếng của Plato tăng vọt. Trước đây, các sử gia tin rằng Plato bị nhà cai trị Dionysius của Syracuse bán vào năm 387 trước Công nguyên.

Không ngạc nhiên khi từ một khúc nhạc, một triết gia như Plato vẫn chỉ ra sự khác biệt giữa thực tại và lý tưởng cho tới phút cuối đời!

Những nỗ lực xuyên suốt nhiều thế kỷ

Mới đây, Graziano Ranocchia, một triết gia và nhà nghiên cứu tại Đại học Pisa, cùng các đồng nghiệp của ông đã kết hợp trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ công nghệ khác để đọc cuộn giấy cói cổ, vốn thuộc về Thư viện Quốc gia Naples (Italy).

Các công nghệ được áp dụng bao gồm hình ảnh quang học hồng ngoại và tia cực tím, hình ảnh nhiệt và chụp cắt lớp. Cho đến nay, nhóm đã giải mã được khoảng 10 ngàn từ, tức 30% văn bản về Plato, điều mà Ranocchia miêu tả là "kết quả phi thường giúp làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử cổ đại".

"Nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đọc và giải mã các phần văn bản mới mà trước đây dường như không thể tiếp cận được" - Ranocchia chia sẻ thêm - "Lần đầu tiên, chúng tôi có thể đọc được chuỗi các chữ cái ẩn từ giấy cói được bọc trong nhiều lớp, dính vào nhau qua nhiều thế kỷ".

'Giải mã' những giờ cuối đời của triết gia Plato - Ảnh 5.

Các nhà nghiên cứu đang sử dụng công nghệ mới để giải mã giấy cói cổ về Plato

"Đây là cuốn lịch sử lâu đời nhất mà chúng tôi sở hữu về triết gia Hy Lạp" - ông phấn khởi khẳng định.

Cuộn giấy cói về Plato đã bị cacbon hóa và chôn dưới lớp tro trong một biệt thự lớn - được cho là của bố vợ Julius Ceasar - ở Herculaneum. Biệt thự này được gọi là biệt thự "giấy cói" vì có một thư viện lớn chứa những cuộn giấy cói.

Các cuộn giấy được phát hiện vào năm 1752, bởi một nông dân. Ban đầu, các cuốn giấy bị cháy thành than và bị lầm tưởng là than củi. Chỉ khi có người để ý thấy các dấu vết mờ nhạt của chữ cái trên đó, giá trị lịch sử lớn lao của nó mới được phát hiện.

Kể từ khi nhiều cuộn giấy kiểu này được phát hiện vào thế kỷ 18, các học giả đã cố gắng giải mã các từ trên những chúng nhưng không thành công, thậm chí dẫn tới việc nhiều cuộn bị phá hủy. May mắn, ngày nay, vẫn còn hàng trăm cuộn giấy như vậy được lưu giữ trong các bảo tàng trên khắp thế giới.

Để khuyến khích việc giải mã các cuộn giấy cói tại Herculaneum, chương trình Thử thách Vesuvius được thành lập vào năm 2023 với quỹ giải thưởng lên tới hơn 1 triệu USD, dành cho các nhà nghiên cứu có thể đạt được những bước tiến mới trên những cuộn giấy đã cháy thành than.

Kể từ đó, Luke Farritor, 21 tuổi, đã giành được 40 ngàn USD khi giải mã thành công từ đầy đủ đầu tiên trong các cuộn giấy (từ "màu tím"). Đầu năm nay, Youssef Nader, Julian Schilliger và Farritor đã giành được giải thưởng cao nhất trị giá 85 ngàn USD khi giải mã thành công 5% một trong những cuộn giấy cói.

Và giờ đây, nhóm chuyên gia của giáo sư Ranocchia đã tiến xa hơn với việc khám phá 30% văn bản về Plato. Tuy vậy, giáo sư cho biết  việc áp dụng các công nghệ mới để đọc những văn bản cổ này vẫn đang ở giai đoạn đầu. Ông hi vọng sẽ hoàn thành nó vào năm 2026.

Đôi nét về triết gia Plato

Plato, tên khai sinh là Aristocles (khoảng 427 - 348 TCN), là một triết gia Hy Lạp cổ đại thời cổ đại, người được coi là nhà tư tưởng đặt nền tảng trong triết học phương Tây và là người đổi mới đối thoại bằng văn bản và các hình thức biện chứng.

Ông đã nêu ra các vấn đề sẽ trở thành nội dung chính của cả triết học lý thuyết và triết học thực tiễn, đồng thời là người sáng lập Học viện Platonic, một trường triết học ở Athens, nơi Plato dạy các học thuyết mà sau này được gọi là Chủ nghĩa Platon.

Đóng góp nổi tiếng nhất của Plato là lý thuyết về hình thức (hoặc ý tưởng). Lý thuyết này thúc đẩy giải pháp cho những vấn đề mà ngày nay gọi là những vấn đề phổ quát. Ông bị ảnh hưởng rõ ràng bởi các nhà tư tưởng tiền Socrates là Pythagoras, Heraclitus và Parmenides, mặc dù phần lớn những gì người ta biết về họ đều bắt nguồn từ chính Plato.

Cùng với người thầy Socrates và học trò Aristotle, Plato là nhân vật trung tâm trong lịch sử triết học. Toàn bộ tác phẩm của Plato được cho là đã tồn tại nguyên vẹn trong hơn 2.400 năm - không giống như hầu hết các tác phẩm cùng thời với ông. Hiện tại, các tác phẩm của Plato vẫn được đọc và nghiên cứu liên tục qua nhiều thời đại.

Ngoài ra, thông qua chủ nghĩa Tân Platon, triết gia này cũng được cho là tạo ảnh hưởng lớn đến cả triết học Kito giáo và Hồi giáo. Vào thời hiện đại, triết gia Alfred North Whitehead đã có câu nói nổi tiếng: "Đặc điểm chung nhất của truyền thống triết học châu Âu là nó bao gồm một loạt chú thích về Plato".

An Bình (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm