QK4: Mất đi để sống

28/10/2009 12:46 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chúc mừng QK4. Đấy là nghịch lý trong tính cảnh này. Vấn đề là suy cho cũng thì nên mừng vì QK4 khai tử cái tên, nhưng sẽ khai sinh một tiền đồ tích cực hơn cho những con người làm nên cái tên đó.

Đến như Thể Công cũng còn cất cái tên vào tủ kính thì nỗi đau của những người hâm mộ QK4 thấm thía vào đâu. QK4 chỉ mới được thiên hạ biết đến kể từ khi giành quyền lên hạng chuyên nghiệp năm 2008. Khoảnh khắc thăng hoa nhất của họ là lượt đi ở V.League 2009, còn sau đó là một chuỗi ngày đáng quên.

Phân tích kỹ hơn sự bừng sáng của QK4 sau 13 vòng ở giai đoạn một thì thấy bệ phóng của họ là gì? Tiền thì chẳng nhiều dĩ nhiên rồi. Chất bộ đội (tinh thần, đoàn kết, quyết tâm) cùng cảm hứng muốn thể hiện của một anh tân binh ở môi trường khắc nghiệt hơn, mới là hai yếu tố quan trọng nhất. Trong bóng đá Việt Nam, một đội mạnh và nhiều sao chưa hẳn đã thắng một anh yếu hơn, nhưng có sự đoàn kết lẫn quyết tâm cao hơn trong một thời điểm cụ thể. QK4 là thế. Điều đó tạo nên thương- hiệu- chính trị QK4, mà có lẽ tất cả những quân nhân trong cả nước đều tự hào về đại diện áo lính đá bóng này. Hãy để ý, dư luận thường lấy thầy trò HLV Vũ Quang Bảo làm tấm gương để mong “đàn anh” Thể Công học hỏi.
 
Liệu QK4 có tiếp tục duy trì được hình ảnh này dưới màu áo mới?

Tiếc rằng, giai đoạn hạnh phúc đó không kéo dài. Lượt về, đội bóng áo lính tuột dốc thảm hại. Tổ chức có vấn đề, rối cả nội lẫn ngoại binh cũng có vấn đề. Tinh thần cũng tỉ lệ thuận với thành tích. Đấy là lúc cầu thủ QK4 đã không còn sự tinh khôi nữa trước cơn lốc chuyên nghiệp mà đồng tiền làm chủ đạo. Đá bóng chuyên nghiệp không đáp ứng được điều tiên quyết đó, cụ thể là lương thưởng cho cầu thủ, thì sớm hay muộn cũng bị loại khỏi cuộc chơi. Cuộc chơi đó rất vô tình giáng xuống tất cả các số phận, gia cảnh. Thầy trò HLV Vũ Quang Bảo không thể mãi sống với việc được Tư lệnh thưởng cho mỗi người thêm quả trứng vịt lộn.

Bộ đội đá bóng cũng cần được bình đẳng như cầu thủ các đội bóng khác. Hoặc nếu các đội doanh nghiệp trả lương, thưởng 10 cho cầu thủ thì ít ra anh lính đá bóng cũng phải được 5-6. QK4 không được đáp ứng mức đó, nhất là so với Thể Công.

QK4 thắng K.Khánh Hoà vòng cuối và trụ hạng thành công, họ đã phải trả cái giá rất đắt, đấy là niềm tin bị xói mòn. Nếu như đá bóng là một nhiệm vụ chính trị như phương châm tồn tại của đội bóng này thì nó đã phản tác dụng.

Trong nền bóng đá nước ta, biết bao cái tên bị khai tử, trong đó nhiều đội thuộc các lực lượng vũ trang, quân đội, để lại những hoài niệm khôn nguôi. Những ai gắn bó, yêu mến QK4 thời gian qua cũng khó tránh khỏi sự hụt hẫng. Nhưng họ phải chấp nhận thực tế.

Hôm qua, nguyên Tư lệnh QK4 Đoàn Sinh Hưởng, “người cha” tinh thần của đội bóng này đã cười khà khà: “Tôi mừng cho đội bóng hơn buồn! Đã làm hết cách nhưng một mình tôi không thể giúp gì cho đội đi lên”.

Ông Hưởng đã về hưu, thoát vòng danh lợi và ràng buộc. Ông bảo mừng cho QK4, có lẽ là lời gan ruột!

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm