Thủ tướng Italia sẽ bị tước quyền “miễn trừ truy tố”?

14/01/2011 11:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Các thẩm phán Italia hôm 13/1 đã họp để ra phán quyết về việc liệu họ có bỏ đi một đạo luật miễn trừ truy tố, đã cung cấp tấm lá chắn hữu hiệu giúp Thủ tướng Silvio Berlusconi tránh khỏi việc phải ra hầu tòa đối mặt với 2 cáo buộc liên quan tới tội tham nhũng.

Đạo luật nói trên được thông qua hồi tháng 3 năm ngoái, đã quy định cái gọi là “gặp trở ngại hợp pháp”. Theo đó, các quan chức nhà nước đang vướng bận việc công như ông Silvio Berlusconi và các bộ trưởng trong nội các có thể được miễn trừ truy tố. Họ cũng không phải hầu tòa để nghe các đơn kiện nhằm vào bản thân và qua đó cũng không bị xét xử.

Lá chắn cuối cùng

Luật quy định rằng việc trì hoãn hoạt động xét xử có thể diễn ra trong 3 lần, với thời gian kéo dài 6 tháng mỗi lần. Điều đó có nghĩa 2 phiên tòa ông Berlusconi đang đối mặt khi Quốc hội thông qua luật, có thể bị đình chỉ cho tới tháng 10 năm nay.

Tuy nhiên hồi tháng 4 năm ngoái, công tố viên Milan Fabio De Pasquale, người đang lãnh đạo một cuộc điều tra hình sự nhằm vào ngài thủ tướng, đã tuyên bố đạo luật trên phạm luật. Ông viện lý do rằng chỉ các thẩm phán, không phải những chính trị gia, mới là những người có quyền quyết định xem ai quá bận để không phải xuất hiện trước tòa hoặc ngược lại.

Trong phiên xử diễn ra hồi đầu tuần, luật sư của Berlusconi nói trước Tòa án Hiến pháp rằng luật là cần thiết để đảm bảo thân chủ của ông có quyền được bào chữa một cách công bằng. Ông cũng nói rằng trường hợp của Berlusconi và các quan chức chính phủ không phải cá biệt bởi luật hình sự Italia đã xử lý nhiều trường hợp gặp “trở ngại hợp pháp” như bị ốm thập tử nhất sinh.

Liệu tòa án có lấy đi lá chắn pháp lý cuối cùng của Berlusconi?
Song những lý lẽ đó đã không thuyết phục được 15 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp. Hãng tin ANSA của Italia nói rằng 9 trong 15 thẩm phán nói trên hiện đang ủng hộ việc xóa bỏ đạo luật gây tranh cãi này. Trước đó, hồi tháng 10/2009, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết hủy bỏ luật miễn trừ truy tố, còn gọi là luật Alfano. Luật Alfano được ban hành và có hiệu lực từ tháng 6/2008 dưới thời ông Berlusconi. Luật quy định bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Italia gồm tổng thống, thủ tướng, chủ tịch Thượng viện và chủ tịch Hạ viện được hưởng quyền miễn truy tố trách nhiệm hình sự trong thời gian tại nhiệm. Thông cáo báo chí chỉ cho biết rằng luật này đã vi phạm không chỉ điều 3 về quyền bình đẳng của mọi người Italia trước pháp luật, mà còn đụng chạm đến điều 138 về tuần tự thay đổi Hiến pháp. Hồi năm 2004, Tòa án Hiến pháp cũng đã xóa bỏ một đạo luật tương tự luật Alfano. Vì thế, đạo luật ban hành hồi năm ngoái được xem là tấm lá chắn pháp lý cuối cùng bảo vệ ông Berlusconi khỏi các cáo buộc.

Không ngán hầu tòa

Một khi lá chắn cuối cùng này bị đập tan, ông Berlusconi sẽ không thoát khỏi việc phải hầu tòa vì dính cáo buộc tham nhũng, hối lộ. Đầu tiên phải kể tới vụ ông Berlusconi hối lộ luật sư người Anh David Mills. Ông Mills, người chồng bị ghẻ lạnh của nữ Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Tessa Jowell, là luật sư chuyên về thuế của ông Berlusconi. Các công tố viên cáo buộc ông Berlusconi đã chi khoảng 600.000 USD để đổi lấy việc Mills cung khai theo hướng có lợi cho ngài tỷ phú trong hai phiên tòa diễn ra hồi các năm 1997 và 1998. Hồi đó ông Mills được tòa triệu tập với tư cách là nhân chứng chuyên môn. Ban đầu, Mills cho biết đã nhận tiền của ông Berlusconi. Tuy nhiên, sau đó ông ta rút lại lời khai và nói rằng Diego Attanasio - trùm tư bản trong lĩnh vực hàng hải của Italia - đã trả tiền cho mình.

Tiếp theo là vụ gian dối về bản quyền truyền hình đối với Tập đoàn Mediaset do ông Berlusconi sở hữu. Cơ quan công tố cho biết giai đoạn trước năm 1999, Mediaset đã mua bản quyền nhiều bộ phim truyền hình Mỹ thông qua hai công ty nước ngoài rồi công bố số tiền mua ít hơn mức thực tế để trốn thuế. Ông Berlusconi bị buộc tội đã gian lận thuế và khai man sổ sách. Một phiên tòa thứ 3 cũng liên quan tới việc ngài thủ tướng gian lận thuế, hiện đang trong giai đoạn xét xử ban đầu.

Hồi tháng 10/2009, Berlusconi đã tự gọi mình là “người bị hành hạ nhiều nhất trong lịch sử thế giới” và dẫn ra việc ông phải đối mặt với 106 cuộc điều tra, các phiên tòa, 2.500 buổi xét xử liên quan tới bản thân và đã phải móc túi 260 triệu USD để trả phí tổn pháp lý và tư vấn luật. Berlusconi cũng tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái rằng nếu tòa án ra phán quyết bất lợi, ông sẽ “khiến cơ quan công tố phải hổ thẹn và tiếp tục lãnh đạo đất nước, thông qua việc xuất hiện trước tòa để cho nhân dân Italia biết về con người thật của mình. “Tôi chẳng có gì phải sợ trên mặt pháp lý” - Berlusconi nói.

Theo báo chí Italia, không loại trừ việc 15 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp không thống nhất trong quan điểm của họ về đạo luật miễn trừ truy tố và có thể sẽ tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp thay vì đưa ra một phán quyết cuối cùng. Ông Berlusconi đã nói hôm 12/1 rằng ông rất tự tin trước bất kỳ quyết định nào của tòa và chính phủ của ông sẽ vẫn đứng vững dù có sóng gió nào xuất hiện.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm