Mất lá chắn pháp lý, Thủ tướng Italia sẽ ra sao?

09/10/2009 10:09 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 7/10, chiếc lá chắn pháp lý bảo vệ Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã bị vô hiệu hóa sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết hủy bỏ luật miễn trừ truy tố, còn gọi là luật Alfano. Như vậy là ngay cả những nhân vật quyền uy nhất Italia cũng có nguy cơ đối mặt với pháp luật nếu họ “sơ sẩy”.

Không có trường hợp ngoại lệ

Trong phiên họp ngày 7/10, Tòa án Hiến pháp Italia đã nhất trí bác bỏ đạo luật Alfano được ban hành và có hiệu lực từ tháng 6/2008 dưới thời ông Berlusconi. Luật Alfano quy định bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Italia gồm tổng thống, thủ tướng, chủ tịch Thượng viện và chủ tịch Hạ viện được hưởng quyền miễn truy tố trách nhiệm hình sự trong thời gian tại nhiệm. Đây là lần thứ hai trong 5 năm, Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ nỗ lực từ những người cánh hữu muốn đặt thủ lĩnh của họ lên trên Hiến pháp.


Các luật sư của ông Berlusconi thuyết phục thẩm phán giữ lại luật Alfano

Tòa án ra thông cáo báo chí cho biết luật Alfano đã vi phạm Hiến pháp Italia. Luật sư của ông Berlusconi, Niccolo Ghedini, thừa nhận rằng luật Alfano đã đặt ra câu hỏi đối với nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp là mọi người Italia đều bình đẳng trước pháp luật. Song ông cũng nói rằng luật pháp cần phải có sự mềm dẻo: “Luật pháp bình đẳng với mọi người, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng theo cách này”.

Lý do cụ thể để Tòa án Hiến pháp khước từ luật Alfano chưa được tiết lộ. Thông cáo báo chí chỉ cho biết rằng luật này đã vi phạm không chỉ điều 3 về quyền bình đẳng của mọi người Italia trước pháp luật, mà còn đụng chạm đến điều 138 về tuần tự thay đổi Hiến pháp. Giờ đây, chính phủ Italia sẽ phải lựa chọn hoặc là từ bỏ luật Alfano hoặc phải thay đổi Hiến pháp để ông Berlusconi có quyền miễn trừ truy tố. Nhưng việc thay đổi Hiến pháp không đơn giản: Italia sẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu toàn dân hoặc có được sự đồng thuận của ít nhất 2/3 số nghị sĩ ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Hệ quả

Trong những năm dài hoạt động chính trị, ông Berlusconi đã đối diện với nhiều cáo buộc tham nhũng, gian lận thuế, bơm tiền trái phép cho nhiều đảng phái chính trị... song ông chưa từng bị khởi tố. Nhưng với việc đạo luật Alfano bị hủy bỏ và quyết định mà Tòa án Hiến pháp đưa ra là không thể thay đổi thì vận mệnh chính trị của ông Berlusconi sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Thủ tướng Italia thậm chí có thể phải từ chức do phải ra hầu tòa trong ít nhất ba vụ kiện liên quan đến ông.


Một loạt phiên tòa đang chờ ông Berlusconi

Đầu tiên phải kể tới vụ ông Berlusconi hối lộ luật sư người Anh David Mills. Ông Mills, người chồng bị ghẻ lạnh của nữ Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Tessa Jowell, là luật sư chuyên về thuế của ông Berlusconi. Các công tố viên cáo buộc ông Berlusconi đã chi khoảng 600.000 USD để đổi lấy việc Mills cung khai theo hướng có lợi cho ngài tỷ phú trong hai phiên tòa diễn ra hồi các năm 1997 và 1998. Hồi đó ông Mills được tòa triệu tập với tư cách là nhân chứng chuyên môn. Ban đầu, Mills cho biết đã nhận tiền của ông Berlusconi. Tuy nhiên, sau đó ông ta rút lại lời khai và nói rằng Diego Attanasio - trùm tư bản trong lĩnh vực hàng hải của Italia - đã trả tiền cho mình.

Tiếp theo là vụ gian dối về bản quyền truyền hình đối với tập đoàn Mediaset do ông Berlusconi sở hữu. Cơ quan công tố cho biết giai đoạn trước năm 1999, Mediaset đã mua bản quyền nhiều bộ phim truyền hình Mỹ thông qua hai công ty nước ngoài rồi công bố số tiền mua ít hơn mức thực tế để trốn thuế. Ông Berlusconi bị buộc tội đã gian lận thuế và khai man sổ sách. Nếu phải ra tòa vì tội trốn thuế, đó sẽ là một điều bẽ bàng với Thủ tướng Berlusconi bởi chính quyền của ông đang phát động chiến dịch “bàn tay sắt” nhằm vào những kẻ gian lận thuế.

Cuối cùng là vụ ông Berlusconi bị cáo buộc dùng tiền mua chuộc hai nghị sĩ cánh tả để lật đổ chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Romano Prodi hồi tháng 2/2008, tạo điều kiện cho ông trở lại nắm quyền. Các phiên tòa này đã bị đình chỉ sau khi đạo luật Alfano được ban hành và có hiệu lực từ tháng 6/2008.


Một số người Italia ăn mừng phán quyết của Tòa án Hiến pháp

Các kịch bản cho ông Berlusconi

Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, lực lượng đối lập đã kêu gọi Thủ tướng Berlusconi từ chức. Tuy nhiên, phát biểu tại Roma đêm 7/10, ông Berlusconi tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo nội các. “Việc mở phiên tòa để xử tôi là trò hề. Italia muôn năm và Berlusconi muôn năm!” - ông tuyên bố với nắm đấm giơ cao lên trời.

Tờ Times Of London đã đặt ra một số kịch bản dành cho ông Berlusconi. Khả năng thứ nhất là ông tiếp tục nắm quyền dù gặp khó khăn trước các phiên tòa và những cuộc điều tra của Viện Công tố. Khả năng thứ hai, ông Berlusconi từ chức và kêu gọi bầu cử sớm. Nhưng như đã nói ở trên, chính ông Berlusconi đã bác bỏ giả thuyết này. Khả năng thứ ba được tính tới là sẽ có một cuộc “đảo chính” trong liên minh cầm quyền của ông Berlusconi dẫn tới việc liên minh này tan vỡ và chính phủ hiện nay sụp đổ. Khả năng cuối là ông Berlusconi bỏ ra sống lưu vong ở nước ngoài để tránh những rắc rối pháp lý hoặc nguy cơ ngồi tù.

Xuất hiện tại cuộc phỏng vấn trên một đài phát thanh ở Italia vào sáng hôm qua, Thủ tướng Italia nói rằng ông sẽ ở lại và cho biết thêm: “Hai phiên tòa chống lại tôi đều sai cả, thật nực cười và vô lý. Tôi sẽ chứng minh điều này với người dân Italia bằng cách tự bào chữa tại phòng xử án. Những kẻ buộc tội tôi sẽ bẽ bàng...”.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm