Mỗi thánh đường hãy cố gắng làm thế nào để nơi tôn thờ âm nhạc của mình có thật nhiều con chiên đến viếng thăm và có lẽ các nhà quản lý cũng cần quy hoạch không gian thánh đường âm nhạc cho từng loại hình âm nhạc.
Đã một thập kỷ trôi qua, dường như mọi kỳ vọng đối với nhạc Việt đại chúng đều không như mong đợi. Vẫn có những ngôi sao ca nhạc thu hút hàng chục ngàn người tại sân vận động, nhiều ca sĩ kiếm được tiền tỷ từ việc ca hát, trên Internet có ca khúc được người nghe tải lên đến con số hàng triệu lượt. Nhưng đứng về góc độ nghệ thuật, giới chuyên môn cho rằng quá ít những mới mẻ trong ca khúc, về công chúng thì họ chưa tìm thấy ai có giọng hát thật sự chạm được trái tim của họ. Đã một thập kỷ trôi qua, ngoài các diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, chưa một gương mặt ca sĩ mới nào xứng đáng danh hiệu “diva” mà họ đợi chờ để trao tặng.
Có lẽ sự kiện Tuấn Vũ, Hương Lan trình diễn loại nhạc “sến” hơn 10 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi được nhiều người xem là “thánh đường” âm nhạc của thủ đô - trước và sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã gây không ít bức xúc. Bức xúc bởi “thánh đường” đó là nơi đáng lý phải dành cho âm nhạc bác học như giao hưởng, thính phòng, những buổi độc tấu của các nghệ sĩ nhạc hàn lâm chứ không phải là nơi dành cho nhạc “sến”. Mà cũng lạ thay, hàng ngàn người “giàu sang” nối nhau đến nghe Tuấn Vũ hát với giá vé phải mua bằng tiền triệu.
Thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề…
Tại sao công chúng quay lại với nhạc xưa?
Nhạc xưa mà trong bài này đề cập là muốn nói đến những ca khúc trữ tình cách đây trên 30 năm, trên thị trường âm nhạc, hầu như đa số mọi người phân những bản nhạc này thành 2 loại: nhạc “sang” (như của các tác giả Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong…) và nhạc “sến” (của những tác giả như Thanh Sơn, Lam Phương…).
Khi công chúng quay lại với nhạc xưa phải chăng là giới nhạc sĩ hiện nay đã không có được những ca khúc làm thỏa mãn nhu cầu nghe của công chúng. Một thị trường âm nhạc bát nháo với những ca khúc đạo nhạc, ca từ nhảm nhí, gây sốc, giai điệu vô cảm… đã nói lên điều đó?
Gần đây, ca sĩ Uyên Linh trong cuộc thi Vietnam Idol cũng hát những bản nhạc chẳng phải nhạc xưa mà là các ca khúc của những nhạc sĩ “đương đại” như Kim Ngọc, Quốc Trung, Huy Tuấn, Nguyễn Hải Phong… Uyên Linh cũng đã làm nên cơn sốt cho người nghe nhạc, rất nhiều ý kiến của đông đảo người nghe cho rằng Uyên Linh đã trình bày các ca khúc với một giọng hát đầy cảm xúc làm lay động trái tim họ. Có thể đặt ra nghi vấn là vì ca sĩ chưa đủ tài năng để truyền đến người nghe những thông điệp về nội dung và cảm xúc trong những ca khúc của các nhạc sĩ “đương đại”, còn đời sống âm nhạc vẫn sản sinh những nhạc sĩ tài năng?
Hay là cả 2 lý do nêu trên?
Có một thực tế là 10 năm thị trường âm nhạc không sản sinh ra diva mới, cũng là 10 năm mà công chúng nghe nhạc quá thiếu những giai điệu làm cho tâm hồn họ thổn thức. Phải chăng có thêm khoảng 5-10 diva nữa thì âm nhạc đại chúng sẽ níu chân khán giả, không có hiện tượng khán giả quay lưng với những ca khúc “đương đại” để trở về với những ca khúc có khi cách nay cả 1/2 thế kỷ và những giọng ca đã lên chức bà, chức ông… ?
Khi Tuấn Vũ và Hương Lan có hơn 10 show diễn cháy vé tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã có bài viết Khi Đặng Thái Sơn không thể “địch” lại Hương Lan, Tuấn Vũ.
Phải chăng thành quả về việc truyền bá những tác phẩm âm nhạc (cổ điển), loại âm nhạc được xem là tài sản quý giá của nhân loại đã bị lùi bước trước sự “xâm lấn” của loại nhạc mà một bộ phận dư luận coi là bình dân hoặc “sến” làm nhiều người lo ngại?
Việc nhạc “sến” không nên diễn ra ở nhà hát dành cho nhạc giao hưởng thính phòng là hoàn toàn đúng, bởi vì nhà hát đó không phù hợp tính chất của dòng nhạc, trước hết là về khía cạnh kỹ thuật âm thanh và sau nữa, có thể là niềm “kiêu hãnh” của một dòng nhạc. Điều này hoàn toàn khác với suy nghĩ nếu cho rằng nhạc “sến” là loại nhạc thấp kém không xứng đáng biểu diễn trong nhà hát.Ở các nước có nền âm nhạc phát triển, họ có sân khấu biểu diễn riêng cho từng loại nhạc: nhạc nhẹ, nhạc cổ điển, nhạc kịch… nhưng ở nước ta thì chưa có được điều đó. Tại Hà Nội ngoài Nhà hát Lớn vẫn còn một vài điểm diễn khác như Cung Văn hóa Hữu nghị, Trung tâm Hội nghị quốc gia… Nhưng có lẽ những người “giữ đền” muốn “thánh đường” của mình phải sáng đèn lung linh, chứ không thể để nó vắng như chùa Bà Đanh nên đã cho bầu show của show diễn Tuấn Vũ thuê, nhất là trong thời buổi thị trường hiện nay.
Mỗi loại nhạc có một đối tượng công chúng và có một tầm mức nghệ thuật khác nhau, nhưng nó phải được tôn trọng bình đẳng như nhau, cũng như các nền văn hóa của các dân tộc, không có nền văn hóa nào cao sang hoặc thấp hèn. Giải Grammy nổi tiếng thế giới, dòng nhạc được mệnh danh là văn hóa đường phố nhiều tai tiếng - hip-hop - vẫn được vinh danh, đó là một sự nhìn nhận rất nhân văn trong văn hóa âm nhạc.
Việc so sánh Đặng Thái Sơn với Hương Lan, Tuấn Vũ, dù là ví von, có lẽ Đặng Thái Sơn cũng chẳng muốn. Loại nhạc bác học cần sự am hiểu mới thưởng thức được nên ít công chúng, còn nhạc bình dân thì dành cho động đảo mọi người, điều đó là logic chẳng có gì phải bàn cãi.
Mỗi đối tượng công chúng có một “thánh đường” âm nhạc của mình với loại âm nhạc đã làm cho tâm hồn họ thoải mái và hạnh phúc. Thánh đường âm nhạc của những người yêu âm nhạc bác học vẫn còn đó, Nhà nước vẫn duy trì các nhà hát giao hưởng, hợp xướng, TP.HCM đã bỏ ra 47 tỷ đồng để sắm “đồ nghề” cho dàn nhạc giao hưởng của thành phố mình.
Mỗi thánh đường hãy cố gắng làm thế nào để nơi tôn thờ âm nhạc của mình có thật nhiều con chiên đến viếng thăm và có lẽ các nhà quản lý cũng cần quy hoạch không gian thánh đường âm nhạc cho từng loại hình âm nhạc.