Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013: Tinh thần 'máu lửa' của tuổi trẻ

04/05/2013 08:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (22/4 - 3/5) tại TP.HCM đã khép lại với nhiều dư vị đẹp tại buổi lễ tổng kết, trao giải thưởng vào lúc 20h ngày 3/5 tại Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM…
 
20 đạo diễn - 20 tác phẩm dự thi là 20 gam màu cùng hòa vào bức tranh đa sắc về diện mạo sân khấu Việt Nam hiện tại.

“Hừng hực sức trẻ, đa dạng sắc màu, sục sôi tâm huyết”

Một phóng viên đã không ngại thốt ra những lời “có cánh” trên sau 10 ngày theo sát cuộc thi.

Đã từng có những e dè, nghi ngại về chất lượng cũng như sức hấp dẫn của cuộc thi khi đa số những gương mặt dự giải vẫn còn khá vô danh, thậm chí có nhiều thí sinh vừa rời ghế nhà trường không lâu và lấy ngay vở tốt nghiệp đi thi. Những: Quang Thập, Trung Thảo, Thanh Nga, Khắc Duy, Phi Long, Ngọc Thức… thực sự là những “ẩn số” thú vị khi tác phẩm của họ đã làm người xem bất ngờ, thể hiện rõ tinh thần tuổi trẻ: máu lửa và… chịu chơi!

Khi người ta trẻ, người ta thường… liều. Và chàng trai đến từ An Giang - Khắc Duy - lại quá liều khi dám “bưng” cả vở nhạc kịch Broadway lừng danh Chicago về Việt Nam. Khắc Duy đã tiến một bước rất xa khi lần đầu tiên trình làng trọn vẹn một vở nhạc kịch mà lại hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Và tận mắt chứng kiến một Chicago sôi động, màu sắc với phần trình diễn “rực lửa”, điêu luyện đủ các kỹ năng ca hát, nhảy múa, diễn xuất của những gương mặt còn quá lạ lẫm thì khó mà tin được đấy vốn là sản phẩm tốt nghiệp của một sinh viên.

Vở nhạc kịch Chicago của đạo diễn Khắc Duy. Ảnh: Ngân Anh

Với nhiều người, Phan Nhật Phi Long có thể là một gương mặt khá quen thuộc của “giờ vàng phim Việt” nhưng với những ai đã lặng người trước thông điệp nhạy cảm và bức bối - vấn nạn nạo phá thai - được truyền tải qua một ngôn ngữ sân khấu mãnh liệt (có phần kích động) của Xin một cái tên thì chắc chắn sẽ khẳng định Long thuộc về sân khấu.

Có thể khẳng định đây là tác phẩm “độc và lạ” nhất cuộc thi khi mang đậm màu sắc đương đại. Phi Long đã kết hợp nhiều hình thức: thoại kịch, múa hình thể, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và cả sự tương tác trực tiếp với khán giả để tạo cao trào, tác động mạnh đến ý thức, tình cảm người xem.

Vẫn còn đôi chỗ non nớt, khiêng cưỡng và quá phô diễn cảm xúc nhưng khán giả chỉ có thể thích hoặc ghét chứ không thể nghi ngờ tư duy đạo diễn của anh chàng vốn xuất thân từ trường múa này.

Nếu ở thể loại kịch, các đạo diễn khá thoải mái trong những sáng tạo, thể nghiệm ở thủ pháp đạo diễn thì những tác phẩm thuộc về sân khấu truyền thống rất khó để “phóng tay” vì phải bảo đảm “đặc trưng” loại hình. Tuy nhiên, các đạo diễn trẻ vẫn không thiếu sáng tạo để phả sức sống mới vào “cội xưa”. Khán giả TP HCM, không ít người lần đầu được xem chèo, đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi Tấm áo bào hoàng đế của đạo diễn - NSƯT Quang Thập (Nhà hát Chèo Ninh Bình). Dàn dựng gọn nhẹ, chỉn chu, tiết chế hẳn những chi tiết rườm rà lẫn phong cách diễn xuất nhiều điệu bộ thường thấy ở các vở chèo truyền thống, vở diễn mang một phong cách thật sang trọng, nền nã đã để lại những ấn tượng thật khó quên.

Cả hai vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo (đạo diễn Lê Trung Thảo) và Gió hoàng cung (đạo diễn Phan Ngọc Thức) đều nổi bật ở sự sang đẹp và cách dàn dựng hiện đại, gọn nhẹ. Thậm chí, Gió hoàng cung còn mạnh dạn thể nghiệm cách phối nhạc cải lương rất mới. Dù có nhiều ý kiến trái chiều rằng nhạc nghe không giống… cải lương nhưng rõ ràng Ngọc Thức đã “dám nghĩ, dám làm”…

Và chuyện “đầu ra”…

Tham dự cuộc thi, ngoài các đạo diễn thuộc biên chế các đơn vị nghệ thuật Nhà nước được đầu tư tác phẩm dự thi đồng thời nằm trong kế hoạch biểu diễn của đơn vị thì những “đạo diễn tự do” (nhất là các bạn sinh viên) phải hoàn toàn tự lực cánh sinh. Và sau cuộc thi không phải ai cũng may mắn giữ cho tác phẩm của mình “sống được”. Đạo diễn Khắc Duy cho biết theo học đạo diễn, mỗi sinh viên ít nhất cũng phải tốn 40 - 50 triệu đồng cho một vở tốt nghiệp và số tiền đó đa phần là mất trắng vì các tác phẩm gần như không có cơ hội tiếp tục biểu diễn.

Mỗi năm, vẫn đều đều 10 đạo diễn ra trường nhưng các sân khấu đều có ban bệ, ê-kíp sẵn có khó mà dung nạp thêm người mới. Dốc hết tâm sức cho Chicago, Khắc Duy vẫn đang nỗ lực tìm “đầu ra” cho vở. Đã có nhiều lời mời lẫn hứa hẹn từ một số công ty nhưng khi đề cập đến chuyện bản quyền thì các nơi phải “cân nhắc lại”.

Phi Long lại muốn đưa Xin một cái tên đến các khu chế xuất, các trường đại học, trường cấp 3… (những môi trường mà vấn nạn nạo phá thai không xa lạ). Và anh đã “gõ cửa” nhiều nơi nhưng rất hiếm lời phúc đáp. Không “ngồi chờ sung rụng”, Long đã cùng những người bạn của mình lập ra quỹ từ thiện Xin một cái tên và chủ động tổ chức biểu diễn doanh thu đóng góp cho quỹ.

Mê kịch cổ điển mà mạnh dạn chọn Othello làm vở tốt nghiệp lẫn tham gia cuộc thi nhưng Cao Thanh Danh biết chắc vở khó thể sống được và hiện anh vẫn bôn ba khắp các phim trường lẫn các hoạt động khác để kiếm tiền cho một ngày đưa kịch cổ điển trở lại…

Kết quả cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013

2 giải Vàng: ĐD Phan Nhật Phi Long (Nhà hát Thế giới Trẻ) với vở kịch thể nghiệm Xin một cái tên và ĐD Quang Thập (Nhà hát Chèo Ninh Bình) với vở chèo Tấm áo bào hoàng đế.

3 giải Bạc: ĐD Lê Thúy Nga (đoàn Kịch nói Công an Nhân dân) với vở kịch Yêu không dễ dàng; ĐD Lịch Sử (đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau) với vở cải lương Biển và bờ và ĐD Lê Quốc Nam (sân khấu Kịch Hồng Vân) với vở kịch kinh dị 3 - 5 - 7. Ngoài ra, 3 ĐD Trần Thư Nhàn (Nhà hát Kịch Quân đội), Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ) và Nguyễn Khắc Duy (Nhà hát Thế giới Trẻ) đã đoạt giải của Hội Sân khấu Việt Nam.

ĐD Quang Thập (trái) và Phi Long nhận 2 giải Vàng

Ngọc Tuyết
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm