31/08/2013 07:17 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chữ “Thổ Hà” có nghĩa là đất ven sông. Làng Thổ Hà nằm kề sát sông Cầu, một con sông nên thơ nhất miền Bắc.
Truyền thuyết xác định làng gốm Thổ Hà lâu đời ít nhất 700 năm, nhưng trên thực tế, người ta chỉ tìm thấy ở đây những di tích cổ xưa nhất vào thế kỷ 17, ở cụm kiến trúc đình đền chùa. Tất nhiên làng phải hình thành trước đó và chúng ta không hình dung được vào thế kỷ 11 - 14 đây chỉ là một vùng làm gốm sành chuyên nghiệp hay là một làng làm gốm.
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, vốn xưa là một trong 49 làng quan họ xứ Kinh Bắc. Chợ “Thổ Hà” có nghĩa là đất ven sông, làng này nằm kề sát sông Cầu, một con sông nên thơ nhất miền Bắc, sông Cầu chảy qua đây gặp sông Ngũ Huyện Khê. Sông Ngũ Huyện Khê chảy về miền Đông Cao, qua huyện Yên Phong, còn sông Cầu đi tiếp về phía Đông qua thị xã Bắc Ninh, xuôi xuống Phả Lại. Mấy chục năm trước, sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê đều rất trong sạch, nước sông thậm chí có thể uống được, nhưng đến nay sông Ngũ Huyện Khê đang chết dần và biến thành một cái rãnh lớn đầy bùn rác, còn sông Cầu thì rất ô nhiễm.
Những sản phẩm gốm sành của gia đình anh Trịnh Văn Định, gia đình duy nhất mới phục hồi nghề gốm Thổ Hà |
Đình đền chùa Thổ Hà là nơi ghi lại những mốc xây dựng của làng này. Theo các dòng chữ ghi trên rèm cửa võng, câu đầu bên trái, hình dung quá trình xây dựng đình như sau: Tháng 10 âm lịch năm Ất Sửu (1685) dân làng Thổ Hà tổ chức làm đình. Đầu mùa Thu tháng 7 âm lịch năm Bính Dần (1686, Chính Hòa thứ 7) thì hoàn thành. 6 năm sau, đầu Thu tháng 7 âm lịch năm Nhâm Thân (1692, Chính Hòa 13) làm lại cửa võng. Nội dung này cũng phù hợp với bia “Thủy tạo đình miếu bi“ năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Cổng làng nằm giữa khoảng chùa Thổ Hà và đình Thổ Hà, cũng được xây dựng trong thời gian này. Đình Thổ Hà nằm trên khu đất rộng 3.000m2, hướng Tây Nam trông ra sông Cầu, thờ Thần Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão quân. Hàng năm nước dâng vào đình tới 1,5m, nên hiện đình đã được tôn cao.
Xuyên dọc sân ngoài là con đường lát gạch rộng 5m, dài 44m, dẫn tới cụm kiến trúc có tường ngăn. Trong đình có hương án chạm rồng làm năm 1714, sửa năm 1879. Các kiến trúc cổng, tả vu, hữu vu đều làm sau thế kỷ 17. Sau khu đình có đền, tiếp giáp với tam quan chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự) thẳng trục kiến trúc toàn thể. Theo văn bia chùa dựng năm 1633 (Đức Long 5), bức liễu tường dựng năm 1648 (Mậu Tý). Sửa gác chuông năm Kỷ sửu, 1649. Dựng cầu 12 gian 1650 (Canh Dần). Con đường nhỏ dọc theo cụm kiến trúc đình - đền - chùa này dẫn đến cổng làng, một kiến trúc phối hợp cảnh quan tự nhiên hài hòa nhất, giới hạn quy hoạch kiến trúc chung của quần thể làng và đình - đền - chùa.
Chợ và bến đò Thổ Hà.
Xét trên phong thổ làng Thổ Hà có thể coi là làng đẹp nhất đồng bằng Bắc Bộ có quy hoạch kiến trúc tôn giáo và dân sinh rất rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình sống 400 năm qua, có sự chuyển đổi nghề thủ công, làng Thổ Hà cũng trở nên ô nhiễm một cách điển hình. Quá trình làm gốm, than củi, lò bễ, đất đai… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và dòng sông, tiếp đến khi nghề gốm phá sản, các nghề thủ công khác thay thế, hiện như là nghề làm bánh đa, cũng cần đun nấu, phơi phóng. Người dân Thổ Hà cũng có thói quen đưa rác ra bờ sông. Hàng năm nước lên sẽ cuốn tất cả rác rưởi đó trôi đi. Nhưng những năm gần đây, mực nước sông Cầu thường xuyên xuống rất thấp, do nguồn nước thượng nguồn cạn kiệt, nên không thể tống rác như trước, khiến nhiều bãi rác kẹt lại thường xuyên ở bờ sông. Trong làng đã kề sông lại có nhiều ao hồ nên khá ẩm thấp.
Xưa kia nếu đi vào những ngôi nhà trong xóm ngõ, nhà nào cũng có cổng rất đẹp với hai con chó đá được tạc tinh khéo làm thần canh cửa. Những xây dựng mới đủ kiểu dần thay thế các ngôi nhà truyền thống, trừ cụm đình - đền - chùa căn bản được giữ tương đối nguyên vẹn, còn làng Thổ Hà đã đổi mới hoàn toàn, nhưng môi trường và thẩm mỹ kiến trúc thì rất không ổn. Quá trình chuyển đổi làng nghề và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường diễn ra trên diện rộng ở các làng cổ Bắc Ninh, kết quả người dân có thể giàu hơn, nhưng môi trường sống và di sản văn hóa truyền thống bị hủy hoại nghiêm trọng. Đó là một sự chuyển đổi đắt giá không biết đến bao giờ mới có thể cân bằng lại giữa đời sống kinh tế và sự an sinh xã hội, điều mà cha ông đã làm được
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất