Từ một làng gốm cổ

17/08/2013 15:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong 3 trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng Thổ Hà (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từng có nghề gốm phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14. Gốm Thổ Hà không thấm nước, tiếng kêu như chuông. Thế nhưng bây giờ Bát Tràng, Phù Lãng vẫn tương đối phổ biến trên thị trường, còn Thổ Hà thì biến mất.

Giờ này, nếu đi dọc hai bên sông Cầu gần làng Thổ Hà và làng Vân sẽ thấy nhiều bức tường cổ xây bằng tiểu sành. Đây là sản phẩm thừa của một làng gốm lâu đời đã chết, tưởng chừng như rất lâu, nhưng thực ra mới sau thời bao cấp chừng vài năm. Cho đến nay trong làng mới có một gia đình, theo ý nguyện của một người đã khuất, phục hồi lại một lò gốm nhỏ, tất nhiên chất lượng và chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn.

Một đoạn tường xây bằng tiểu sành cổ

Theo truyền thuyết và thần phả các làng gốm Kinh Bắc xưa, vào thời Lý Trần có ba vị đại quan là ông Hứa Vĩnh Kiều người Bát Tràng, Đào Tiến Trí người Thổ Hà, Lưu Phong Tú người Phù Lãng đi sứ ở Trung Quốc học được nghề gốm về truyền cho làng mình. Làng Bát Tràng thì làm gốm sắc trắng, làng Thổ Hà làm gốm sắc đỏ, làng Phù Lãng làm gốm sắc vàng. Sau khi học được nghề dân ba làng nhẩy nhót reo mừng ca ngợi các ngài (Xem Hà Bắc ngàn năm văn hiến, ty Văn hóa Hà Bắc những năm 1970/1980  và Mỹ thuật của người Việt, Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng, NXBMT 1898). Gốm sắc trắng chính là gốm men trắng vẽ hoa lam cho đến nay làng Bát Tràng vẫn làm, gốm sắc đỏ là gốm sành dân dụng có màu đỏ gạch hay đỏ sẫm, nâu sẫm, gốm sắc vàng là gốm sành men vàng da lươn. Ba làng Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng vốn đều thuộc đất Kinh Bắc xưa một trung tâm văn hiến từ thời đầu độc lập cách đây hơn 10 thế kỷ. Trong ba làng này, thì chỉ có Bát Tràng và Phù Lãng là còn hành nghề nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, còn làng Thổ Hà coi như dừng hẳn, theo người dân vào khoảng những năm 1986 thì tình hình đã rất bi đát.

Ngày 1/8/ 2013 vừa qua tôi theo một đoàn làm phim tư liệu truyền hình về Thổ Hà quay cổng làng và gia đình làm gốm cuối cùng. Gặp vài nghệ nhân cũ mà theo tiếng địa phương gọi là sư lò (thợ cả, người biết tất các kỹ thuật làm gốm sành, nhất là khâu đốt lò) họ cho biết, sau hòa bình năm 1954, sau cuộc cải cách tư bản tư doanh năm 1958 (ở đây nhiều nhà làm gốm thông thường cũng bị coi là tư sản) toàn bộ nghề gốm của làng được đưa về một hợp tác xã và một xí nghiệp quốc doanh. Lãnh đạo thường lại không am hiểu nghề gốm, sản xuất và mua bán theo kế hoạch, không nhanh nhạy với thị trường, nên mẫu mã, kỹ nghệ kém dần, rồi sau khi đồ nhựa, đồ kim loại công nghiệp bán nhiều trên thị trường, nghề gốm sành Thổ Hà hoàn toàn sập tiệm, sau ít nhất 700 năm truyền thống.   



 Phơi bánh đa ở sân chùa Thổ Hà, một nghề mới

Gốm Thổ Hà truyền thống là loại sành đất nung không men, đất được lấy ở các gò đống và bãi sông lâu đời, khi thiếu đất người ta có thể đi mua ở vùng lân cận. Loại đất vùng này khi nung tự chảy ra một loại men bóng màu son, nâu đen, nâu đỏ có thể chống ngấm nước, mặt khác người ta có thể tạo ra men như sành Phù Lãng từ tro bếp. Nhiệt độ nung của sành Phù Lãng và Thổ Hà khi kỹ thuật chưa cao là 300 độ C, và khi kỹ thuật đã được nâng cấp có thể lên đến  600 – 900 độ C. Người thợ lò Thổ Hà có thể đốt lò tới khi lửa xanh và không có màu, gần như lửa hoàn nguyên. Các kiệu (loại chum lớn phải bắc thang khi trèo vào) và chum thông thường của Thổ Hà nổi tiếng trong cả nước, vì xưa kia mọi gia đình nông dân cần đến chum làm đồ đựng, bên cạnh đó thì tiểu sành và quách sành Thổ Hà cũng được ưa chuộng.

Những sư lò ở đây cho biết những năm 1951 – 1952 do tình hình chiến tranh chống Pháp, người chết nhiều, nên hàng tiểu và quách lúc đó bán rất chạy và đó là thời kỳ làm ăn phát đạt của Thổ Hà. Cũng trong kháng chiến, do chum, lọ sành Thổ Hà không ngấm nước và có thể đựng nhiều loại vật chất khác nhau, chỉ cần rửa đi là không ảnh hưởng gì, nên thời kháng chiến chống Pháp được Cách mạng đặt hàng nhiều chum hũ đựng a xít cho quân giới. Hiện trong làng và đình làng còn lưu giữ nhiều chum lớn như là kỷ vật và đồ tế lễ, có cái đựng được 500 lít. Những chậu hoa lá lật Thổ Hà và Phù Lãng cũng được những đình chùa, người chơi cây cảnh ưa chuộng.

Thực ra ngay trong thời kỳ hợp tác xã sau hòa bình, mỗi đơn vị cũng có 300 thợ lành nghề, chừng 40 lò đốt lớn, mỗi lò cao đến 4 thước, dài 15 thước. Sau khi nghề phá sản, các địa điểm làm gốm sành bị san dần và những nhà cửa mới mọc lên.

Vẻ vang là vậy nhưng giờ đây đồ gốm sành Thổ Hà gần như không còn  vị trí trong xã hội tiêu dùng hiện đại. Làng Thổ Hà hiện có nghề làm bánh đa, và cảnh tượng  bánh đa phơi đầy sân chùa cho thấy một chuyển hướng khác của đời sống người nông dân ven sông.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm