“Quy trình” từ thiện

08/11/2010 10:08 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau cơn lũ lớn, hơn lúc nào hết, miền Trung cần sự chung tay giúp sức của cả nước. Nói như ông Lê Hữu Lộc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, vốn chưa phải là nơi thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ: “Thiệt hại đổ dồn lên người dân vùng rốn lũ. Tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả, nhưng rất cần sự “tiếp sức” của Trung ương và các nhà hảo tâm mới có thể giúp bà con, đặc biệt là những gia đình có nhà bị sập, hư hỏng và mất mát tài sản”.


Hàng cứu trợ để trong kho của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An. (Nguồn: báo VnExpress)

Miền Trung đang trải qua một tháng 10 nhiều giông bão. Nhiều con người bỗng dưng tay trắng, hàng ngày phải vật lộn với từng miếng ăn, từng tấm áo khô, chăn ấm. Nhưng giữa những vất vả ấy, không thiếu những nỗi tai ương. Câu chuyện những bao quần áo cũ cứu trợ bị mang ra làm giẻ lau máy ô tô. Chuyện vị quan xã để người dân “sống chết mặc bay” trong bão lũ... Những câu chuyện nghe rất ngang tai, phản cảm nhưng thực tế đã diễn ra. Những nhân vật trên cũng vô cảm như câu chuyện các quan xã ăn chặn tiền cứu trợ của dân mà báo chí lên tiếng hồi đầu năm nay. Chúng đi ngược với truyền thống dân tộc, chúng là “lá lành” lại đi “hành” lá rách.

Nhưng trong mùa lũ này, có một câu chuyện nữa mà chúng ta cần bàn đến, đấy là công tác cứu trợ đồng bào. Người xưa đã dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Việc nghĩa càng cần phải cẩn trọng. Đã từng đi cứu trợ bà con vùng lũ, người viết nhận thấy một thực tế, việc cứu trợ cho bà con vùng lũ còn lỏng lẻo, lộn xộn, thiếu kiểm soát. Đến lúc chúng ta cần phải xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy trình tổ chức một cách khoa học, cũng là không để những kẽ hở để người ta lợi dụng làm những việc trái lương tâm như đã từng diễn ra chưa lâu (hàng hóa cứu trợ đã hết hạn sử dụng).

Đành rằng “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Nhưng một miếng ấy phải là một miếng tử tế mà người dân cần thiết. Làm như vậy để cái cho đi không chỉ là “cho”, mà là sự chia sẻ thực tâm.

“Lá lành đùm lá rách” là đùm bọc, che chở nhưng đừng để lá lành “bố thí” cho lá rách, như thế cũng đau như là “lá lành “hành” lá rách”.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm