Phi công lái nhiều máy bay nhất nước

04/06/2012 10:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong lịch sử không quân Việt Nam, ít người giữ kỷ lục bay trên nhiều loại máy bay như Đại tá Phi công Nguyễn Duy Lê, nguyên Trưởng phòng Quản lý điều hành bay (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Anh đã từng bay trên 13 loại máy bay khác nhau như MiG-15, MiG-19, T41, U-17, UH-1, L-19, An-2, AN-26... trong đó nhiều lần anh được chọn để bay thử nghiệm các loại máy bay do Việt Nam thiết kế, chế tạo.

Tuổi 16 và chuyến bay đầu tiên

Đại tá Nguyễn Duy Lê sinh ngày 12/4/1950 trong một gia đình miền Nam tập kết, quê anh ở thành phố Hội An-Quảng Nam. Cha anh nguyên là Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4. Mẹ anh nguyên là Trưởng Ban nữ công của Công đoàn Quốc phòng.

Tháng 9/1965, Nguyễn Duy Lê đang học lớp 7 ở Trường Văn hóa Lạng Sơn thì có đoàn về trường tuyển chọn người đi học lái máy bay. Anh khám thử, không ngờ anh đã vượt qua các vòng tuyển chọn một cách xuất sắc.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tặng hoa phi công Nguyễn Duy Lê sau chuyến bay báo cáo thành công của máy bay VNS-41

Vậy là, mới 15 tuổi rưỡi, Nguyễn Duy Lê được tuyển chọn đi học lái máy bay chiến đấu tại Tường Vân, Vân Nam, Trung Quốc.

Ngày 3/2/1966, khi chưa tròn 16 tuổi. Lê đã cùng thầy giáo thực hiện chuyến bay đầu tiên trên máy bay MiG-15 hai tháng sau đó anh đã một mình làm chủ máy bay MiG-15. Lê tốt nghiệp phi công tiêm kích và trở về nước khi chưa đầy 18 tuổi.

Về nước, Nguyễn Duy Lê chuyển về Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 371 làm công tác chỉ huy bay dưới mặt đất. Trong những ngày Hà Nội chìm trong khói bom B-52, ông đã cùng các đồng đội chỉ huy, dẫn đường máy bay ta cất cánh tiêu diệt kẻ thù.

Tháng 4 năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân chủng Phòng không-Không quân thành lập các đoàn tiếp quản sân bay. Máy bay lúc đó chủ yếu là chúng ta thu được tại các sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Nguyễn Duy Lê xung phong gia nhập vào đội hình tiếp quản này. Đến Biên Hòa, anh đã thực hiện nhiều chuyến bay trên các loại máy bay T41, U-17, UH- 1, L-19 (là những máy bay trinh sát chỉ điểm), sau đó anh còn tham gia chiến trường Campuchia. Sau này anh làm Trưởng Phòng Quản lý và điều hành bay của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Pha hút chết với máy bay “made in Vietnam” đầu tiên

Trên thế giới, số tiền bảo hiểm cho các phi công bay thử nghiệm là rất lớn, song ở Việt Nam việc thiết kế, chế tạo thành công các máy bay đã là một kỳ tích trong lịch sử hàng không nước nhà. Cũng chính vì lý do đó, những phi công bay thử nghiệm như Đại tá Nguyễn Duy Lê sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức để hiện thực hóa “giấc mơ bay” của người Việt Nam.

Cuối năm 1980, Quân chủng Phòng không-Không quân đã thiết kế, chế tạo thành công các máy bay huấn luyện TL-1, HL-1, HL-2. Phi công Nguyễn Duy Lê cùng các đồng đội được chọn tham gia dự án bay thử nghiệm.

Thành công của máy bay HL-1 do Việt Nam sản xuất có sự đóng góp của phi công bay thử nghiệm Nguyễn Duy Lê
Bay HL-1 là chuyến bay thử nghiệm trên máy bay đầu tiên do Việt Nam sản xuất ông nhớ nhất. Hai phi công Nguyễn Duy Lê và Nguyễn Đức Lâm được giao thực hiện bay kiểm tra tính năng cơ động của máy bay, bài bay kéo dài trên 30 phút tại sân bay Gia Lâm.

Sau khi thực hiện các động tác kéo lên, bổ xuống và các động tác phức tạp máy bay tiếp tục giữ nguyên độ cao bay thông thường.

Tuy nhiên, khi đang bay bằng ở độ cao 50m được chừng 5 giây thì đột nhiên tiếng động cơ lặng dần và cánh quạt quay chậm lại và dừng hẳn. Lúc này, đường băng còn lại không còn đủ độ dài để máy bay tiếp đất, cuối đường băng là hồ nước, còn xa hơn một chút là đê sông Hồng chắn ngang. Một thoáng định hình, tổ bay quyết định đổi hướng bay 90 độ về bên trái và kéo mạnh cần lái để tăng góc tấn, giảm nhanh tốc độ và độ cao, trong chốc lát máy bay đã áp sát mặt hồ và đáp mạnh xuống mặt nước. Hai phi công bị thương nhẹ, sau phút choáng váng đã kịp mở nắp buồng lái thoát ra ngoài.

Chỉ huy bay ra lệnh đưa máy bay lên và kiểm tra kỹ thuật. Sau khi khắc phục, hai tháng sau máy bay HL- 1 lại được chuyển sang sân bay Gia Lâm để tiếp tục các bài bay thử nghiệm tiếp theo.

Sau đó, vì yêu cầu nhiệm vụ, các chương trình thiết kế, chế tạo máy bay bị tạm dừng.

Khởi đầu mới với thủy phi cơ VNS -41

Mãi cho đến năm 2004, khi Nhà máy A41 và Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân mới thiết kế, chế tạo “Thủy phi cơ VNS-41”. Đây là loại máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ có trọng lượng 525kg, trang bị 2 động cơ piston cánh quạt, trọng lượng cất cánh lớn nhất là 780kg, chứa 88 lít xăng, chở được 3 người, bán kính hoạt động 150km, cất hạ cánh trên mặt đất và mặt nước. Lúc này, biết dự án đang cần phi công bay thử nghiệm, Đại tá Nguyễn Duy Lê đã xin thôi giữ chức Trưởng Phòng Quản lý điều hành bay để chuyển sang Đội bay thử nghiệm máy bay VNS-41.

Ngày 22/10/2004, chiếc máy bay VNS-41 đã được Hội đồng Kỹ thuật Quân chủng nghiệm thu. Đúng 8 giờ ngày 9/12/2004, phi công Nguyễn Duy Lê trực tiếp lên buồng lái nổ máy thực hiện bài bay thử đầu tiên. Chiếc máy bay lướt đi nhẹ nhàng trên mặt hồ, được gần trăm mét thì rời mặt nước. Lên độ cao chừng 10m, máy bay hạ xuống nước và “bơi” về bờ.

Sáng 24/12/2004, phi công Nguyễn Duy Lê lại được giao trọng trách bay biểu diễn máy bay VNS-41 báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đến dự buổi báo cáo có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam lúc đó là Thượng tướng Phùng Quang Thanh (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng).

Chuyến bay đã thành công tốt đẹp và đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực thiết kế chế tạo máy bay của Việt Nam. Phi công Nguyễn Duy Lê đã đi vào lịch sử Không quân Việt Nam khi vừa là người giữ kỷ lục bay trên nhiều máy bay nhất, vừa là phi công bay thử nghiệm trên tất cả các máy bay do người Việt Nam sản xuất.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm