Giá nhà ở xã hội sẽ không quá 6 triệu đồng/m2

29/04/2009 22:03 GMT+7 | Thế giới

Tại buổi họp báo công bố nghị quyết và các quyết định của Thủ tướng về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của chính sách này.
 
Ông Nguyễn Trần Nam
Ông cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là nói chuyện chính sách ra sao, thay vào đó là cách thức đưa chính sách ấy vào thực tế và tổng hợp nhanh các dự án để kịp thời khởi công, tạo ngay nguồn cung nhà giá rẻ cho người dân.

"Thị trường nhà ở sẽ phát triển nhanh chóng về số lượng. Nhóm người có thu nhập thấp sẽ rút lui khỏi phân khúc nhà ở thương mại khi nhu cầu của họ đã được phục vụ. Ví dụ sinh viên, người thu nhập thấp không phải đi thuê nhà tư nhân để ở, từ đó lượng người đầu cơ nhà cho thuê cũng giảm xuống. Cầu bất động sản sẽ thật hơn cả về giá và số lượng", ông Nam nói.

* Nhưng thưa ông, theo quy định thì giá bán do UBND cấp tỉnh thẩm định, nhưng trong thực tế mức giá đó liệu còn cộng thêm những giá ngầm mà người thu nhập thấp phải "đi đêm" với doanh nghiệp để mua được mức giá công bố?

Nhà ở thu nhập thấp bản chất là nhà ở thương mại nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước, vì vậy Nhà nước sẽ can thiệp ở mức độ nhất định. Do xây bằng nguồn vốn doanh nghiệp, được giao dịch dưới mọi hình thức cho thuê, cho thuê mua, vì thế giao dịch chủ yếu xây dựng trên giao dịch dân sự giữa người mua và người bán.

Nhà nước sẽ kiểm định giá bán, khống chế diện tích nhà không vượt quá 70 m2, với mức giá tối đa 6 triệu đồng/m2. Đối tượng mua bán do doanh nghiệp tự xét duyệt thì mới được, chứ nếu Nhà nước kiểm soát mọi thứ như trước đây doanh nghiệp xây xong để đấy, Nhà nước lại giao cho người khác bán thì rất phức tạp.

Nhưng sẽ có hiện tượng ban đầu là lượng nhà giá thấp ít, người có nhu cầu và đủ điều kiện đông, chắc chắn sẽ có chuyện nhờ vả chạy chọt, thậm chí có thoả thuận ngầm.

Tuy nhiên, về mặt doanh nghiệp, họ không thể công bố giá ví dụ là 300 triệu đồng mà lại thu của người dân 350 triệu đồng. Thu tiền bao nhiêu phải ghi vào phiếu chi, không thể ghi khác giữa giá mua thực, còn việc họ có những quỹ đen khác rõ ràng là vi phạm pháp luật, cơ quan thuế và công an sẽ kiểm soát việc này.

Cá nhân người đến mua cũng phải đủ các tiêu chuẩn, thậm chí phải có hai con dấu, một con dấu của cơ quan xác định mức thu nhập, con dấu thứ hai là của UBND cấp xã phường. Quy định có cái hay là không bắt anh phải mua của một doanh nghiệp nào cả, nó mang tính thương mại ở chỗ này.

Trong khi hệ thống kiểm tra kiểm soát của mình còn cồng kềnh mà hiệu quả lại không cao, chúng ta phải giải quyết bằng cách đẩy lượng nhà này lên thật nhanh, còn các vấn đề công khai tiêu chuẩn, hội đồng xét duyệt chúng ta sẽ có quy định trong các thông tư.

* Thưa ông, trước đây trong Luật Nhà ở đã có quy định trích 20% quỹ đất từ các dự án nhà ở thương mại để xây nhà tái định cư hoặc nhà xã hội, nhưng thực tế thì việc sử dụng quỹ đất này không hiệu quả. Vậy chế tài mới về việc sử dụng 20% quỹ đất được quy định trong chính sách mới có khác biệt gì?

Chế tài 20% quỹ đất trước đây do các điạ phương áp đặt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ thích 100% đất xây nhà ở thương mại. Hiện nay không còn cách nào khác là phải phân phối lợi ích từ các dự án thương mại sang dự án nhà ở thu nhập thấp.

Trước đây, các thành phố có quy định không cụ thể, doanh nghiệp phải giao lại 20% diện tích đất ở đã có hạ tầng cho thành phố để phục vụ cho công tác nhà ở xã hội và tái định cư, nhưng nhìn chung là quỹ đất đó chẳng biết giao cụ thể cho ai, tình trạng cơ bản là doanh nghiệp trong quá trình xây dựng bớt lại 20% đất để đấy.

Riêng Hà Nội đang có trên 100 ha loại đất này bị bỏ ngỏ, không biết giao cho một tổ chức nào cụ thể , không giao cho doanh nghiệp nào cụ thể để làm, anh làm đến đâu, làm được hay không cũng không ai biết, mới gần đây mới khởi công được mấy dự án nhà ở xã hội.

Trong quy định mới, các chủ đầu tư dành ra 20% quỹ đất và chính họ trực tiếp làm nhà ở thu nhập thấp luôn. Trong trường hợp doanh nghiệp không muốn xây thì thành phố sẽ giao lại 20% đất đấy cho doanh nghiệp khác. Và đây là điều bắt buộc.

Tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ tham gia vì họ được cộng 10% lợi nhuận, đằng nào họ cũng đã xây đồng bộ hạ tầng mà vẫn được hưởng lợi nhuận 10%, các cơ chế ưu đãi và vẫn quản lý quỹ nhà ấy. Rõ ràng cơ chế mới này cụ thể và có động lực hơn với doanh nghiệp. 

(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm