Dự thảo Đề án Xây dựng nhà ở xã hội: Tăng cường giám sát để đảm bảo đúng đối tượng

27/03/2009 02:52 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong khi Bộ Xây dựng đang tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH)để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, một loạt dự án nhà ở giá rẻ đã hoàn thành.

Nhiều căn hộ có giá thành dưới 200 triệu đồng được bán cho người dân. Trong lúc chờ Thủ tướng chính thức phê duyệt, việc tăng cường cơ chế giám sát, tránh những tiêu cực phát sinh đối với đề án liên quan tới đời sống của hàng triệu người dân là vấn đề cấp bách.

Nhà ở xã hội là mơ ước của hàng triệu công nhân


Tránh lạm dụng các ưu đãi

Trước thực trạng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện thí điểm tại một số địa phương thực hiện quá chậm so với nhu cầu thực tế, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ thực hiện một loạt ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng NƠXH: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở; Được phép tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với quy chuẩn, quy hoạch xây dựng để giảm giá thành; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Miễn thuế giá trị gia tăng đối với hợp đồng mua bán nhà; Giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong thời gian chín năm tiếp theo; Được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian còn lại của dự án; Được vay vốn từ quỹ phát triển nhà ở của địa phương, quỹ tiết kiệm nhà ở và các nguồn vốn vay ưu đãi khác; Được nhà nước cho vay vốn ưu đãi hoặc bù lãi suất. Không chỉ có những ưu đãi trên, có địa phương còn thực hiện mô hình “giao mặt bằng, lấy nhà ở xã hội”.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, gần hai năm qua, thị trường địa ốc vốn chủ yếu chỉ nhắm vào người có thu nhập cao với sản phẩm là căn hộ cao cấp, biệt thự, văn phòng... bị trầm xuống, thậm chí có lúc đóng băng. Nhưng nay, nhà đầu tư bắt đầu chú ý tới khách hàng có thu nhập thấp vốn chiếm số đông trong xã hội Việt Nam.

Nhờ 2 yếu tố cơ bản trên, sau 2 năm thực hiện xây dựng thí điểm nhà ở xã hội với mức độ “rất hạn chế”, thời gian gần đây, một loạt các dự án NƠXH đã được công bố hoàn thành và bắt đầu bán cho người dân. Tuy nhiên, chính sách cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiên liệu ngay khi bắt đầu thực hiện.

Việc ưu đãi các doanh nghiệp về vấn đề sử dụng đất, các địa phương cần tính toán mức độ và quy hoạch để các doanh nghiệp không thể lạm dụng. Ví dụ, trước đây, các dự án xây dựng chung cư, khu đô thị, trong quy hoạch thiết kế có bao gồm các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi. Tuy nhiên, khi hoàn thành, chủ đầu tư đã “phớt lờ” trách nhiệm này của mình, thay vào đó, khu đô thị chỉ gồm các công trình nhà ở và kinh doanh. Cần tránh tình trạng, doanh nghiệp xí đất xây NƠXH nhưng lại dùng khu đất đẹp nhất để phục vụ các mục đích khác. Đồng thời, diện tích đất dành cho nhà ở xã hội phải phù hợp với quy mô doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng cơ hội để “té nước theo mưa”. Trong mô hình “giao mặt bằng lấy nhà ở xã hội”, địa phương phải có những căn cứ thực tế, “đất là vàng”, nhà ở xã hội có phải những căn nhà thực sự có chất lượng, hợp phù hợp với mức ưu đãi, tránh trường hợp nhiều khu chung cư xuống cấp ngay khi hoàn thành mà vẫn được nghiệm thu như đã từng xảy ra trên thực tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Nhà nước sẽ kiểm tra và thẩm định giá bán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được bán trên giá thành xây dựng cộng lãi vay ngân hàng và 10% lãi định mức. Tuy nhiên, các địa phương cần căn cứ trên mức độ ưu đãi về đất, mặt bằng cụ thể để quy định khống chế mức giá trần đối với các doanh nghiệp, đảm bảo nhà ở đúng với tính chất xã hội của nó. Việc giải tỏa mặt bằng trong xây dựng nhà ở xã hội kiểm soát chặt chẽ tránh “đánh bùn sang ao”, nhiều người dân trong diện bị giải tỏa cũng nằm trong diện tái định cư, ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhưng họ chỉ nhận tiền bồi thường rồi ra đi và tiếp tục tạo áp lực mới đối với vấn đề NƠXH.

Doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội sẽ nhận nhiều ưu đãi


Giám sát như thế nào?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, chính sách NƠXH không chỉ là chuyện của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, nó đòi hỏi phải được thực hiện có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân nhằm hạn chế tiêu cực. Cùng với quy định hiện hành, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính Phủ ban hành quy định để bảo đảm chính sách này đến được đúng người có nhu cầu, đảm bảo để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trước hết, trách nhiệm trong việc chọn đối tượng, giám sát thực hiện là chính quyền địa phương, cùng với sự giám sát của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, phụ nữ, Mặt trận tổ quốc… Đồng thời, trong việc thực hiện chính sách này, vai trò của báo chí là rất quan trọng. Các tiêu cực, nhất là việc bán sai đối tượng, đầu cơ nhà ở xã hội, lợi dụng chính sách để trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Hiện cả nước có khoảng gần 2 triệu cán bộ, công chức trong đó mới chỉ 2/3 là tự lo được nhà ở cho mình; 1/3 còn lại tập trung ở các đô thị lớn chưa có chỗ ở ổn định. Ngoài ra, còn có khoảng 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở. Trong khi đó, khả năng tích luỹ của người dân để chi cho nhà ở tối đa chỉ đạt khoảng 11,5% tổng thu nhập, một tỉ lệ rất thấp so với chi phí tiền nhà ở thực tế hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nam, đối tượng thụ hưởng NƠXH sẽ là cán bộ, viên chức, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân... làm việc trong các thành phần kinh tế có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích trung bình dưới 5 m2/người. Khi mua nhà có thể trả góp ít nhất 10 năm với lãi suất ưu đãi và phải cam kết để ở. Khi trả hết tiền, được cấp giấy chứng nhận trong đó ghi rõ đây là loại nhà giá thấp và chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm. Lúc đó, người bán nhà phải đóng thuế như nhà ở xã hội bình thường.

Trong thời gian ít hơn 10 năm, nếu người sử dụng có nhu cầu chuyển công tác, nhu cầu cải thiện chỗ ở... thì cũng được bán nhưng phải bán cho ban quản lý để bán lại cho người có thu nhập thấp...

T. Hoài – M. Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm